Chim đỗ quyên - hay chim tử quy - là chim cuốc, hay sống trong các bụi rậm, bên hồ nước. Loài chim này thường kêu giữa đêm khuya thanh vắng, tiếng kêu nghe rất buồn thương, ai oán, khiến người nghe không khỏi động mối thương tâm.
Tục truyền do Thục Đế mất nước, lòng sầu hận không nguôi nên hóa làm chim đỗ quyên. Về chuyện Thục Đế mất nước, văn học Trung Quốc có một truyền thuyết vừa đắng cay, vừa cảm động.
Tương truyền thời bấy giờ ở vùng Tam Giáp, đất Tứ Xuyên, Ba Thục, thường xảy ra lũ lụt khiến nhân dân khốn đốn. Vua Vọng Đế lúc bấy giờ là Đỗ Vũ đã kiệt tận tâm lực, nhưng vẫn không làm sao khắc phục được, nên trong lòng rất lo buồn. Về sau, ở vùng hạ du Hồ Bắc có một người tên là Miết Linh, tài cao chí lớn, dũng cảm hơn người. Vọng Đế gặp được, trong lòng rất mừng rỡ, bèn phong làm tướng quốc. Miết Linh cai trị khiến đất Ba Thục trở nên thịnh vượng, rồi ra sức trị thủy. Ông cho tuyển những tráng đinh khỏe mạnh để đào vách núi, ròng rã nhiều năm mới được khai thông đường đèo ở Vu Sơn, giải quyết được họa lũ lụt cho nhân dân. Trong thời gian trị thủy, ông không từ gian khó, quên ăn bỏ ngủ, thậm chí có nhiều năm không về thăm nhà, giống như vua Đại Vũ trị thủy thời viễn cổ. Khi họa lũ lụt không còn thì uy tín và tên tuổi của Miết Linh lên cao tột đỉnh, được toàn dân tôn sùng. Vua Đỗ Vũ thấy tình hình đó, bèn chủ động nhường ngôi cho ông, theo tục lệ truyền hiền đương thời. giống như vua Nghiêu nhường ngôi cho vua Thuấn. Miết Linh bèn lên ngôi, lấy đế hiệu là Khai Minh, lại xưng là Tùng Đế. Sau khi nhường ngôi, Đỗ Vũ về ẩn cư nơi Tây Sơn, trong lòng vô cùng sầu muộn. Không bao lâu, thiên hạ lại có hoang ngôn cho rằng trong thời gian Miết Linh trị thủy, Đỗ Vũ cùng vợ Miết Linh tư thông nên ông thấy xấu hổ mà nhường ngôi. Điều đó càng khiến cho Đỗ Vũ thêm đau khổ, nên chẳng bao lâu thì mất. Hồn ông hóa thành con chim có tiếng kêu rất đỗi bi thương, như để nói lên nỗi lòng sầu hận. Người dân Ba Thục vẫn không quên vị vua Đỗ Vũ xưa, nên đặt tên cho loài chim đó là đỗ quyên. Cũng do điển cố này mà chim đỗ quyên còn có nhiều tên gọi khác như : vọng đế, vọng đế hồn, đỗ vũ, đỗ vũ hồn, đỗ phách, đỗ vũ phách, thục vương phách, thục đế hồn, cổ đế hồn, thục điểu, thục phách, thục hồn, thục quyên. Có lẽ không một loài chim hay loài vật nào có được nhiều tên gọi đến thế. Mà cái tên nào cũng nghe buồn man mác.
Cũng từ điển cố này mà trong văn học Trung Quốc có những thành ngữ như “Vọng đế đề quyên” để tả tiếng kêu buồn thương ai oán của chim đỗ quyên giữa đêm thanh vắng. Người ta còn cho rằng nó kêu buồn thảm, cho đến khi máu ứa ra mới thôi, nên mới có những thành ngữ như “Đỗ quyên đề huyết”, “Tử quy đề huyết”.
Lý Thương Ẩn, trong bài Cẩm sắt, có hai thơ nổi tiếng về điển tích này
Trang Sinh hiểu mộng mê hồ điệp,
Vọng Đế xuân tâm thác đỗ quyên.
(Trang Chu giấc sáng mơ hồ điệp,
Vọng Đế lòng xuân gửi đỗ quyên)
Tiếng kêu bi thương đó của loài chim mang nỗi hận vong quốc lại được nhà thơ Tố Như diễn đạt thành tiếng nhạc của Thúy Kiều trong buổi trùng lai.
Khúc đâu đầm ấm dương hòa,
Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh.
Khúc đâu êm ái xuân tình,
Ấy hồn Thục Đế hay mình đỗ quyên?
Bạch Cư Dị, trong bài Tỳ bà hành, đã tả không gian cô quạnh của một kỹ nữ tài hoa phải lưu lạc đến một nơi hẻo lánh xa xôi với tiếng chim tử quy.
Kỳ gian đán mộ văn hà vật,
Đỗ quyên đề huyết viên ai minh.
(Tiếng chi đó nghe liền sớm tối,
Cuốc kêu sầu, vượn hót nỉ non. - Phan Huy Vịnh dịch).
Có gì buồn hơn cảnh một kẻ tài hoa phải sống lẻ loi ở một nơi xa xôi hoang vắng, suốt từ sáng đến chiều tối chẳng nghe được gì, ngoài tiếng chim tử quy kêu buồn như nhỏ máu, cùng tiếng vượn hót bi ai?
Có lẽ không có một loại chim nào làm lòng người bi thương bằng tiếng kêu ai oán của loài chim cuốc. Bài Cuốc kêu cảm hứng của cụ Nguyễn Khuyến đã tả được hết nỗi buồn trong tiếng kêu đó giữa đêm trăng mờ thanh vắng.
Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ,
Ấy hồn Thục Đế thác bao giờ?
Năm canh máu chảy đêm hè vắng,
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ.
Có phải tiếc xuân mà đứng gọi,
Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ?
Thâu đêm ròng rã kêu ai đó?
Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ.
“Năm canh máu chảy đêm hè vắng” đã nói trọn nỗi niềm của “Tử quy đề huyết”, và “Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ” buồn như tiếng thở dài theo “Vọng đế đề quyên.” Có lữ khách nào phiêu bạt tha hương nghe tiếng cuốc kêu thế kia giữa canh khuya mà lại không động nỗi sầu cố lý? Trương Trào đời Thanh bảo: “Nên làm cỏ huyên trong loài hoa, chứ không làm đỗ quyên trong loài chim. (Đương vi hoa trung chi huyên thảo, vô vi điểu trung chi đỗ quyên). Cỏ huyên còn gọi là vong ưu thảo (cỏ quên buồn). Chốn nhân sinh đã lắm chuyện buồn đau, cõi bể dâu cùng ngập tràn nước mắt. Nếu sinh ra mà phải làm cỏ hoa hay chim chóc thì hãy làm vong ưu thảo để giúp người ta quên đi ưu phiền, chứ đừng làm chim đỗ quyên đem tiếng kêu thương khiến người thêm sầu muộn. Đó cũng là tấm lòng của kẻ tài hoa đối với cõi người ta!
LIÊU HÂN