Tiếng đàn cò trên thuyền rớ ông Đô (Tiếp theo kỳ trước)

Truyện ký của PHẠM THÔNG 25/10/2016 08:59

  • Tiếng đàn cò trên thuyền rớ ông Đô

Người được gia đình ông Đô đưa đón, che giấu trong thời gian dài nhất là Tư Chuyển. Từ căn cứ ở vùng Núi Chúa, lần xuống Kỳ Sanh (Tam Mỹ) đến Kỳ Khương (Tam Hiệp), Tư Chuyển nằm chờ tại bến Đá Cồng Cộc, ra tín hiệu, ông Đô cho ghe sang đón. Có hôm Tư Chuyển tá túc tại thuyền, có hôm lên thẳng  Kỳ Vinh, có hôm vào đất liền Kỳ Xuân ẩn mình tại nhà ông Nguyễn Câu, bà Đinh Thị Thuẩn, bà Mai Thị Cường...

Tư Chuyển, Mười Chấp, Ba Đông, Hồ Truyền, Ngô Độ... là những cán bộ nằm vùng cừ khôi. Trong những năm tháng kẻ địch bủa lưới, giăng bẫy mọi phía, sống chết dễ như trở bàn tay, các đồng chí phải tự biến mình thành những cánh chim vô hình, bay về đâu, trú ngụ ở đâu đố ai mà biết được. Cảnh giác, bí mật là nguyên tắc sống còn của cán bộ hoạt động nằm vùng thế nhưng từ vùng đông về chiến khu hay ngược lại, các đồng chí Mười Chấp, Tư Chuyển... cũng thường ngồi ở đâu đó để lắng nghe tiếng đàn cò trên thuyền rớ ông Đô. Cán bộ nằm vùng về Kỳ Xuân có Huỳnh Đô, Mai Thị Cường... đưa đón là yên tâm rồi.

Làm cách mạng cũng có sự may mắn. Nhưng thực ra, trong hoàn cảnh đó mà không sa vào tay giặc, tồn tại được chủ yếu là do mưu lược, kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động, bản lĩnh chủ quan của mỗi người, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là nhân dân. Các đồng chí ấy trụ được là nhờ lòng dân. Bằng lòng trung thành vô hạn, bằng trái tim tràn đầy lòng yêu nước, bằng tài năng, sự nhạy cảm cộng với sự động viên, đùm bọc, nuôi giấu, thương yêu của nhân dân đã hun đúc nên ý chí sắt đá và lòng kiên nhẫn để các đồng chí ấy một thời đã làm tròn vai người giữ lửa trên vùng đất Tam Kỳ trung dũng, kể cả những thời khắc mà phong trào cách mạng địa phương rơi vào vực thẳm thoái trào.  

Càng về sau, trong những năm 1957 - 1960 sự truy bức của kẻ thù đối với những người kháng chiến cũ ngày càng khốc liệt. Chính quyền liên xã Kỳ Hà toàn bọn phản động ngoại lai, chúng thẳng tay đàn áp, vây bắt, đánh phá cơ sở cách mạng Kỳ Xuân, gây cho ta nhiều tổn thất. Trên đất Kỳ Xuân đã xuất hiện biết bao tấm gương hy sinh anh dũng như Võ Cước, Huỳnh Thị Mai... Lửa thử vàng gian nan thử sức. Và, lửa vẫn cháy âm ỉ trong các làng quê. Trong những đợt khủng bố ác liệt, ông Đô luôn là người bị địch tra tấn dã man nhưng không khai báo nửa lời, buộc bọn chúng phải trả tự do. Gia đình ông cùng với các gia đình Nguyễn Câu, Nguyễn Khuê, Mai Thị Cường, Nguyễn Thị Luật, Lê Thị Lẹ... sống hiền lành trong các làng quê, làng biển, xóm rớ, xóm đồng nhưng đã bất chấp mọi hiểm nguy, một lòng son sắt, chung thủy giữ vững đường dây liên lạc, đưa đón, nuôi giấu cán bộ về nằm vùng giữ lửa cách mạng trên cái ốc đảo cô lẻ, trong cái thời tăm tối, loạn ly này.

Cùng thời gian này, trên đất Kỳ Xuân xuất hiện một vụ đấu tranh lạ, hiếm nơi nào có được. Đó là vụ kiện đòi chia tách liên xã Kỳ Hà, thành lập trở lại xã cũ Kỳ Xuân “độc lập” như trước. Vào tháng 1.1957, chính quyền Sài Gòn sáp nhập 3 xã Kỳ Xuân, Kỳ Hòa, Kỳ Hà thành liên xã Kỳ Hà, mưu đồ dùng bọn phản động Quốc dân đảng tại Kỳ Hà đàn áp phong trào cách mạng Kỳ Xuân. Đầu năm 1958, xét thấy chính quyền phản động liên xã Kỳ Hà do bọn Quốc dân đảng nắm giữ đánh phá dữ dội gây nhiều tổn thất cho phong trào cách mạng địa phương, Đảng ủy xã Kỳ Xuân chỉ đạo các cơ sở hợp pháp tổ chức khởi đơn kiện đòi chia xã. Đoàn đi kiện gồm các vị thân hào như Cả Chưu, Xã Mai; giáo chức như Hoàng Hồng Việt, Nguyễn Đình Thư... thay mặt nhân dân Kỳ Xuân đệ đơn lên chính quyền quận Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Đại diện chính phủ Nam Trung phần và đến cả Phủ Tổng thống tại Sài Gòn. Để phối hợp hành động, các đồng chí Tư Chuyển, Huỳnh Yêm cán bộ nằm vùng tại Kỳ Hòa cũng đã chỉ đạo cơ sở hợp pháp bên đó cùng đệ đơn khởi kiện đòi chia xã. Bọn chính quyền quận, tỉnh giở trò vừa dọa dẫm vừa mua chuộc, nhưng chúng đã vấp phải sự phản kháng quyết liệt, đầy lý lẽ của các vị thân hào, nhân sĩ Kỳ Xuân, Kỳ Hòa. Các vị đã nêu kiến nghị phân tích rõ địa dư địa cuộc giữa ba vùng; nêu lịch sử tồn tại các đơn vị hành chính độc lập của ba vùng đã có từ thời phong kiến. Các vị đó lại còn hỏi nghặt: “Dân Kỳ Xuân, Kỳ Hòa không có người hay sao mà phải lấy người Kỳ Hà cai trị. Còn nếu nói dân hai xã của chúng tôi ảnh hưởng nặng tư tưởng cộng sản thì dân xã Kỳ Hà cũng vậy. Kỳ Hà cũng là vùng nằm trong sự kiểm soát của Việt Minh thời chín năm kia mà...”. Chính quyền Sài Gòn các cấp đuối lý, không giải thích được. Cuối cùng, đầu năm 1959 buộc chính phủ Ngô Đình Diệm phải chấp nhận và phát lệnh chia xã, trả lại nguyên trạng đơn vị hành chính như cũ là Kỳ Xuân, Kỳ Hòa, Kỳ Hà. Đây là một thắng lợi lớn của Đảng bộ và nhân dân Kỳ Xuân trong thời kỳ cách mạng khó khăn nhất. Thắng lợi đó đã tạo điều kiện cho Kỳ Xuân và các vùng lân cận khơi dậy khí thế, giữ vững phong trào cách mạng.

(Còn nữa)

Truyện ký của PHẠM THÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiếng đàn cò trên thuyền rớ ông Đô (Tiếp theo kỳ trước)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO