Trưa. Thung lũng làng Voòng (xã Tr’hy, huyện Tây Giang) réo rắt tiếng đàn h’jưl của già Clâu Blao. Thanh âm lúc trầm, khi bổng, cứ thế vọng giữa núi rừng.
Cuối năm, bếp lửa sau hè căn nhà gỗ của già Blao đỏ rực. Tiếng đục đẽo phát ra sau những khúc nhạc vội vã. Già Blao đang hì hục cho công đoạn cuối cùng để ra mắt một bộ đàn gỗ có “một không hai” của vùng núi Tr’hy này: đàn bầu hoa hình con kỳ đà và đàn h’jưl - một loại đàn 2 dây của đồng bào Cơ Tu. Mỗi thứ một cặp, được già Blao kỳ công đục đẽo bằng gỗ, trông rất đẹp mắt. Chúng tôi chú ý đến cặp đàn bầu được làm bằng gỗ, khắc họa hình thù con kỳ đà, mà theo lời già Blao là “mượn ý tưởng của cán bộ miền Bắc trong thời chiến”. Trong nhạc cụ truyền thống của mình, người Cơ Tu không có loại đàn bầu - đàn một dây vốn rất phổ biến ở miền xuôi - mà chỉ xuất hiện vào thời kháng chiến chống Mỹ, do một số bộ đội miền Bắc mang vào. “Ngày xưa, đàn bầu chỉ được làm bằng thân cây lồ ô, tre gai hoặc đóng hộp gỗ, chứ không ai làm bằng thân gỗ như già. Đàn bầu gỗ hình động vật chỉ có mỗi mình già thôi!” - già Blao chia sẻ.
Già Blao “phiêu” cùng giọt đàn bầu và đàn h’jưl truyền thống.Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Đàn bầu, đàn h’jưl hay nhiều loại nhạc cụ truyền thống khác mà già Blao đang sưu tập trong nhà, đều mang ý tưởng riêng của già, rất đẹp lạ và ấn tượng. Với tài năng điêu khắc, già Blao được xem là một trong số nghệ nhân tiêu biểu của huyện Tây Giang. Để hoàn thiện cho mỗi loại sản phẩm thành nhạc cụ, già Blao mất khoảng một tuần. Đó là chưa kể đến thời gian đi kiếm nguyên liệu gỗ từ trong rừng sâu. Nhưng phải biết chọn thân cây nào có thể làm được đàn, cho tiếng kêu chuẩn và vang. Bởi vậy, theo già Blao, người làm đàn thường là người biết cách thẩm âm và say mê với nhạc cụ truyền thống. “Phải biết được nhiều loại nhạc cụ, khi vô rừng mới có thể chọn biết được cây gỗ này không dùng được cho loại nhạc cụ này nhưng lại dùng tốt cho loại nhạc cụ khác” - già Blao tâm sự. Say mê nhạc cụ truyền thống từ nhỏ, già Blao chế tác đều đặn cho riêng mình và tặng bè bạn, những vị khách quý. Người “nghệ sĩ” của làng Voòng, nay dù tuổi đời đã ngoài lục tuần nhưng vẫn say mê chế tác các loại nhạc cụ, cùng các công trình điêu khắc truyền thống. Trong con mắt của dân làng Voòng, già Blao là “nhân chứng sống”, có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn văn hóa cho cộng đồng Cơ Tu bản địa.
Vùng cao mùa này lạnh buốt. Đỉnh núi Đh’hy thấp thoáng dưới màn sương, cùng những mái nhà của đồng bào Cơ Tu chênh vênh trên sườn núi. Tiếng đàn h’jưl vang lên từ trong mái nhà của già Blao, thật đều nhịp phách, hòa theo giai điệu của lời bài hát “Người Cơ Tu ơn Đảng”. Cảm hứng như được truyền sang cho người nghe, cùng men say của rượu tr’đin giọt nồng, giọt mát. Một không gian khác lạ, khúc hoan ca như gọi mời, bên mầm xuân đang hé nụ…
Đ. NGUYÊN - P. GIANG