Tiếng đàn đêm

NGUYỄN NHÃ TIÊN 01/03/2015 10:24

Đã ba năm qua rồi mà đất trời Thăng Long còn ngất ngây hào quang chiến thắng. Nhất là mỗi độ xuân về, hào khí Thăng Long lại bừng bừng khí thế trận mạc trong mắt những anh hùng tướng sĩ Tây Sơn. Mùi thuốc súng từ những quả pháo bắn lên trời mừng đón năm mới, khơi gợi trí nhớ của những người lính, gương mặt sạm đen nắng gió, chiến bào nồng mùi thuốc súng tiến về Thăng Long kiêu bạc khúc khải hoàn.

Những ngày này, khắp nơi kinh thành lại vang vang bao cuộc hội hè đình đám, yến tiệc tưng bừng thâu đêm suốt sáng. Ba năm trôi qua, thời gian vừa đủ cho những sĩ phu Bắc hà dưới thời vua Lê vơi dần nguôi ngoai bao niềm hoài vọng, cạn kiệt những mối “cô trung”. Một số đã xúng xính khoác lên người áo mão của Tây Sơn. Số hoài cổ khác đi tìm chốn cùng cốc hang sâu lánh đời, xem chốn công danh quan trường như bụi mờ phù phiếm. Nổi bật hơn hết là đám lỡ vận thất chí cuồng ngông. Những người này thường ồn ào, điệu bộ khinh khỉnh với thời cuộc. Dường như trong người họ ai cũng có một chút máu của ma quỷ, một chút máu của thần linh, phần còn lại là máu huyết con người. Tối ngày ăn cơm vợ nhưng lại hay nói chuyện trên trời dưới đất. Một lẽ nữa, lại thường là nòi đa tình đáo để. Hình như họ có thể nhịn cơm dăm ba ngày, nhịn uống đôi ba bữa, nhưng một ngày không yêu đương, một đêm vắng tương tư, họ có thể lăn đùng ra chết hoặc điên dại dễ dàng.

Ồn ã, đông vui, háo hức, những tửu lầu sáng rực ánh đèn. Nhất là quan lại nhà Tây Sơn thì niềm hân hoan nhân gấp bội phần. Kẻ hồi ức những chiến công. Người bước đi trên đường nghễnh ngãng như vấp bàn chân vào nhau, kiểu trẻ thơ đi đón mẹ về. Rồi họ gặp nhau xởi lởi tiếng hỏi tiếng chào tiếng cầu chúc, có khi loanh quanh  gặp nhau hai ba lần thì lời chào lời chúc lại hai ba lần. Họ có quyền như thế trong giờ phút tột đỉnh của hạnh phúc. Nhiều quan lại còn hứng chí ném tiền qua cửa sổ, say sưa ăn chơi không thiếu một thứ gì. Họ có quyền như thế để trút bỏ những tháng năm nhọc nhằn gian lao cực khổ ra tử vào sinh.

Chiều hôm ấy, theo từng cơn gió rét lùa về, Thăng Long lại đón một người. Ngỡ như khách, lại ngỡ như là tri kỷ. Mặc, ai hiểu thế nào thì hiểu, khách vừa có vẻ khoan thai, lại vừa bước đi dáng lầm lũi. Hai hình ảnh cộng hưởng thành một chiếc bóng mong manh liêu xiêu, bước một cách tùy hứng như kẻ không có quê nhà. Khách đi mà thoáng như chẳng cần nơi phải đến. Mắt lơ đãng nhưng lại ẩn ánh nhìn xa xăm. Lơ đãng đến vậy mà lại chẳng hề đi lệch đường. Tuồng như, từ những con đường cái quan cho đến từng ngách, từng ngõ, từng kiệt sâu hun hút, bàn chân khách tự nó đã thuộc lòng, chả cần phải nhìn  trước trông sau.

Bỗng dưng khách buột miệng nói như nói thầm: “Đây rồi, Bích Câu, kinh kỳ ánh sáng của ta đây rồi”. Nói rồi khách đưa mắt nhìn chung quanh. Đâu rồi những Kim âu đình, những Hàn Lâm Phượng Các rực rỡ bao nhiêu tài hoa, vang vọng bao nhiêu nhạc phủ ca từ từng đắm say những mộng ảo đại toàn. Thực ra tất cả vẫn nguyên vẹn đấy thôi, có điều với khách, có mà như không, có mà như tiếng lạo xạo của đá sỏi vấp bàn chân đến toạc móng. Những tiếng cười vang vang đẫm đầy men rượu trên các tửu lầu, tiếng hát say khướt của đào nương, tiếng đàn nguyệt đàn kìm… véo von bay trên những tầng cây, tất cả với khách như âm u hờn oán. Khách tựa vào vách tường rêu ẩm mục của Giám hồ, có khóc gì đâu mà ràng rụa nước mắt. Chợt từ trong gió thoảng buốt lạnh trên đường, gió hay người, hay vọng tưởng một linh hồn nào đó mơ hồ giọng ngân nga quen thuộc: Nghêu ngao vui thú sơn hà/ Mai là bạn cũ, hạc là người quen.

Theo tiếng gió dẫn đường, khách lặng lẽ đi vào một ngôi nhà khuất trong vườn cây, đứng ngoài hàng hiên ngơ ngác nhìn vào. Trong nhà, tiếng cười nói giòn tan của đám ca kỹ mặt hoa da phấn hồng hào dưới ánh đèn lồng mờ ảo. Một vài người cân đai áo mão bước qua lại xiêu lệch ngửa nghiêng trong men rượu. Khách quay lưng định trở lui. Bất chợt một tràng cười rồi tiếng quát từ trong nhà vang ra đầy uy lực: “Ai đó?”. Khách lầm thầm: “Thì ra cái chất giọng biểu thị uy quyền của anh ấy vẫn như xưa”, nói rồi khách quay lại bước vào nhà.

“Trời, chú Nguyễn. Chú lên Thăng Long tự bao giờ?”. Người chủ nhà nhận ra Nguyễn, đứa em trai lỡ vận trôi nổi của mình. Bàng hoàng xúc động, ông chạy tới ôm chầm khách. Hai anh em nhìn nhau nghẹn ngào không nói nên lời. Họ khóc và khóc. Cuộc vui bỗng hóa ra ngậm ngùi. Đám ca kỹ đưa mắt chưng hửng nhìn anh em Nguyễn rồi lặng lẽ rút lui. Một vài quan viên tham dự tiệc, nhìn Nguyễn một cách khó chịu như thầm rủa một bóng ma từ trên trời rơi xuống làm hỏng một đêm vui, song rồi họ cũng hiểu ra cuộc đoàn viên bất ngờ của anh em Nguyễn nên lần lượt kiếu từ ra về.

“Chú từ Quỳnh Côi hay từ Tiên Điền ra đây?”. Niềm xúc động lắng xuống, người anh trai vồn vã hỏi. “Em từ Quỳnh Côi ra anh ạ”. Nguyễn vừa trả lời anh vừa quan sát khắp gian nhà. Nhìn bàn tiệc ngổn ngang dang dở, giọng Nguyễn như hờn trách : “Ở với Tây Sơn anh vẫn vui đấy chứ?”. Không trả lời Nguyễn, người anh qua một thoáng im lặng, chợt ông hỏi: “Lần này chú có định ra với Tây Sơn không? Tôi nghĩ, làm kẻ sĩ đâu phải khư khư với một cơ đồ ruỗng mục, một ông vua chỉ biết ngồi vì cho bọn lộng quyền sai khiến, rồi lại cam tâm cõng rắn cắn gà nhà”. Nguyễn hướng mắt ra khu vườn tĩnh lặng, nhìn bóng tối chập chùng, cũng chả rõ Nguyễn trả lời anh mình hay nói chuyện cùng bóng tối: “Ngụy cướp ngôi Hán, Tần cướp ngôi Ngụy, xưa nay đều thế cả”.

Người anh cất tiếng thở dài. Hơn ai hết, ông hiểu tài và tâm của người em trai mình. Cả hai anh em, mỗi người một nỗi niềm riêng khó có thể hòa nhập được. Đêm Thăng Long rực rỡ ánh đèn. Căn nhà ở Giám hồ chìm khuất trong vườn cây, những chiếc đèn lồng tím đỏ treo dọc hàng hiên soi bóng hai mái đầu chớm bạc lặng lẽ bước bên nhau, anh em Nguyễn cận kề nhau đấy mà ai ngờ trái tim kẻ núi người sông. Ngoài kia trời Bích Câu vẫn ầm vang tiếng trống, tiếng pháo. Tiếng đàn ca hát xướng huyên náo từ trên các tửu lầu vọng xuống tràn ra khắp đường phố.

Thăng Long văn vật. Thăng Long ngập đầy hào quang chiến thắng ba năm trước, bầu không khí còn ngây ngất men say. Thăng Long lại thêm một mùa xuân nữa khát khao những “ngôi sao Văn Giang” rực rỡ tài sắc danh sĩ kinh kỳ. Bỗng dưng Nguyễn như kẻ đuổi bắt một giấc mơ, anh vội vã bước ra đường ngơ ngác nhìn ngược xuôi, không kịp nói một lời chia tay với anh mình. Hình như có tiếng đàn nguyệt xa xôi vọng tới. “Tiếng đàn của nàng, người xưa ấy còn đây sao?”. Nguyễn sững sờ thốt lên. Bước đi giữa vô vàn âm thanh ồn ã, Nguyễn vẫn nhận ra ngón đàn nguyệt của nàng Cầm thời Bích Câu hoa gấm ấy. Tiếng đàn như muôn ngàn mũi kim xuyên vào da thịt chạm trổ từng nỗi nhớ. Tiếng đàn như ánh lửa soi rõ từng gương mặt giai nhân. Nàng Sa đấy ư, nàng Sy đấy ư, nàng Cầm đấy ư? Mọi thứ tạp âm vây quanh chừng như rụng rơi hết, chỉ còn lại tiếng đàn rót vào lồng ngực niềm xao xuyến bổi hổi bồi hồi, Nguyễn đi về phía tiếng đàn như đứa trẻ con đói sữa nghe tiếng mẹ về ùa tới một cách vô thức. Dưới ánh đèn nhừa nhựa hắt ra từ các tửu quán bên đường soi rõ bóng một người đàn bà mù lòa đang ôm đàn vừa dò dẫm bước chân vừa đi vừa ca buồn tênh mấy câu hát xẩm: Chàng về để áo lại đây/ Phòng khi em nhớ cầm tay đỡ buồn.

Thì ra, qua bao cuộc biển dâu non dời biển lấp, tất cả đều có thể xóa mờ, vậy mà tiếng đàn tiếng ca ấy đã có sức vượt lên, dù chỉ để kể lể với đất trời niềm cô đơn bất tận. Nguyễn đê mê bước theo tiếng đàn, cứ như thế giới âm thanh ấy có khả năng tạo dựng lại đất trời Bích Câu vang bóng. Nguyễn nhớ về Bích Câu không như ngày qua lãng đãng chút bụi vương triều, mà nơi ấy, thế giới ấy là chiếc nôi đời cho Nguyễn lớn lên. Một thế giới sông suối những thanh âm trong vắt, gội rửa những ham muốn nhục dục, vỗ yên mọi tâm hồn, xóa đi tất cả lòng hận thù… Nguyễn bước theo sau người đàn bà mù trong cái tâm thế bao nỗi trầm uất như vừa được giải phóng. Thăng Long nhộn nhịp tưng bừng ngày xuân, chẳng mấy ai để ý đến người đàn bà mù với tiếng đàn cầm lẻ loi như muốn soi tận xa xăm, lục tung từng quá khứ một Bích Câu huy hoàng lấp lánh những “vì sao Văn Giang” không bao giờ chịu tắt. Theo sau người đàn bà mù, Nguyễn  lơ ngơ bước theo âm thanh tiếng đàn như một kẻ lên đồng!

NGUYỄN NHÃ TIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiếng đàn đêm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO