Trong các loại nhạc cụ của đồng bào dân tộc Cơ Tu như thanh la (bhr’noóh), đàn abel, sáo a’luốt… thì cây đàn gơrưna là loại nhạc cụ có thể đánh đệm cho hát dân ca (ba’boóch) hoặc hát lý (bh’noóch).
Gơrưna có cấu tạo là một ống tre còn nguyên hai mắt (hai đầu kín), một đầu được khoét một lỗ nhỏ với 2 chức năng để âm thanh thoát ra ngoài và là nơi bỏ (cất) que tre dùng để đánh đàn khi không chơi đàn nữa. Thân đàn được vạt một lớp dày gần đến ruột lóng ống tre, chiều ngang khoảng 5cm, chiều dài gần chạm hai đầu lóng. Hai bên có hai sợi tre nhỏ cũng lấy từ thân ống làm dây đàn. Hai đầu của hai dây đàn là con đội (con nem), nâng hai sợi dây đàn lên (trầm, bổng). Tùy thuộc vào nghệ nhân tạo ra và chơi nó mà đàn có tông cao, thấp khác nhau. Muốn có tông cao, người ta chỉ cần xê dịch con đội về phía hai đầu lóng, hai sợi dây đàn sẽ căng lên. Muốn có tông thấp thì người ta chỉ cần xê dịch con đội lùi xa phía hai đầu lóng, hai sợi dây đàn sẽ giãn ra. Khoảng cách giữa hai sợi dây theo chiều dài là lưỡi gà làm bằng lá nón trên rừng để phát ra âm thanh.
Một trong những nét độc đáo của đàn gơrưna, chỉ dùng cho một người chơi, nó luôn được dựng đứng để giữ âm lại trong ruột đàn. Đàn ông Cơ Tu một tay nắm thân đàn theo chiều dọc, tay kia dùng một que tre nhỏ lớn hơn chiếc đũa để gõ vào dây đàn và làm cho nó dao động, rung lên và chuyền đến lưỡi gà, phát thành tiếng nhạc độc đáo. Trong lúc làm nương rẫy, người Cơ Tu cần một thứ âm thanh để xua đuổi mệt nhọc. Trong lúc ngồi canh rẫy, âm thanh của đàn gơrưna lại được cất lên không những làm vui tai mà còn xua đuổi được chim chóc ăn lúa. Trong những đêm mưa rừng Trường Sơn, lúc này đàn ông Cơ Tu lại gẩ̉y đàn gơrưna như xua đi cái giá lạnh của đại ngàn.
Trong mỗi dịp dân làng quây quần bên bếp lửa, những người già lại kể về cây đàn gơrưna. Theo họ, đàn gơrưna có khả năng diễn tả ngôn ngữ của người Cơ Tu, thay họ nói lên tình cảm trong lòng. Người Cơ Tu không nhớ đàn gơrưna có từ bao giờ, chỉ biết nó luôn có mặt trong mọi hoạt động văn hóa của cộng đồng làng.
Bây giờ, tuy tuổi đã cao nhưng thỉnh thoảng già làng Alăng Mơ (ở xã Ba, huyện Đông Giang) mang đàn gơrưna ra chơi. Theo già Alăng Mơ, hiện người biết chơi đàn gơrưna rất hiếm. Người già biết chơi đàn gơrưna lần lượt ra đi. Trai gái Cơ Tu bây giờ không chịu học đàn. Vùng Trường Sơn, nơi có số đông tộc người Cơ Tu sinh sống, đang thất truyền dần âm thanh đàn gơrưna hòa quyện trong không gian sinh tồn của nó.
NGUYỄN VĂN SƠN