Tiếng gàu rơi và dòng sông mùa cũ

NGUYỄN HẢI TRIỀU 26/05/2013 09:50

Cái giếng cổ - di tích của người Chăm đã chất chứa trong em bao kỷ niệm thời hoa niên. Bây giờ có đi đâu, cũng nghe vẳng trong tiềm thức âm thanh của tiếng gàu rơi, xác xao hoài niệm! Và chuyện của em lại làm tôi nhớ về chuyện của mình, cũng từ ký ức những tiếng gàu lọt thỏm vào mông mênh quê kiểng quê nhà…

Một bận, người bạn kể tôi nghe về những ngày gian khó trên ngôi làng nhỏ dọc triền núi quê em. Em nhớ nhất mỗi lần đi gánh nước ở cái giếng vuông nơi đầu làng vào đêm ba mươi tết. Người ở quê xứ mình luôn cho rằng đêm cuối năm nếu tranh thủ tích nước trong nhà cho đầy, cho nhiều thì năm đó sẽ làm ăn khá giả, ấm áo no cơm. Vậy là cả làng nhà nào cũng đi gánh nước đêm ba mươi cho đến giao thừa. Không khí nhộn nhịp, người ra kẻ về đèn đuốc sáng trưng, cười nói râm ran trên đường làng đêm ba mươi ấy làm sao mà quên được?

Đầu tiên là âm thanh xao xác của chiếc gàu va vào thành giếng đêm hè, những ngày làng tôi kiệt nước.  Cái thuở xa xưa ấy, cả làng tính ra chỉ có năm cái giếng. Mùa mưa thì nước đầy ắp; nhưng đến mùa nắng lại cạn kiệt, không đủ cho nhu cầu uống ăn sinh hoạt của cả làng. Thế là mọi người, hễ ban ngày vướng bận đồng bãi áo cơm thì ban đêm tranh thủ gàu thùng đi múc nước giếng về chứa vào các ghè trong nhà để phục vụ cho nhu cầu của gia đình. Mỗi lúc như vậy, quanh các giếng làng chẳng khác gì đám hội. Người đứng chen chúc bên thành giếng để múc nước; kẻ quảy những đôi thùng đầy ắp nước chạy về nhà. Có cả những người chưa đến lượt, phải  ngồi chờ tới phiên mình múc nước… Tiếng nói cười râm ran xen tiếng gàu chạm vào thành giếng nghe xôn xao. Người đến, người đi tấp nập một vùng.

Vu Gia mùa nước cạn. Ảnh: H.X.H
Vu Gia mùa nước cạn. Ảnh: H.X.H

Tôi nhớ những đêm ấy, cứ mỗi lần mẹ chuẩn bị quảy đôi thùng lên vai là tôi lăng xăng đi tìm chiếc gàu để đâu đó ngoài đầu ảng, rồi xăng xái chạy theo. Ở cái  tuổi lên tám, lên chín còn bé tí teo, mà sao cảnh nhộn nhịp ấy đến bây chừ tôi vẫn nhớ như in mới lạ chứ! Mẹ đi trước, tôi lon ton chạy theo sau. Con đường làng trời sáng trăng như rải vàng mọi lối. Quanh xóm, lũ trẻ nít lớn hơn tôi vài ba tuổi bày ra đủ trò chơi. Nơi này bọn con gái nhảy dây, đánh nẻ, hát đồng dao; nơi kia mấy thằng con trai u mọi, cút kiếm, đánh trận giả… Thấy tôi đi với mẹ, chúng nó rủ rê nhập bọn nhưng tôi từ chối. Chơi với chúng nó thì vui thật, nhưng tôi vẫn muốn cầm gàu theo mẹ đi gánh nước lại thích hơn. Chưa kể có bữa vì làng xóm múc nhiều quá, nước kiệt sớm, mẹ phải chờ đến khuya cho mạch nước giếng nhỉ ra rồi một mình đi gánh. Những khi ấy, mỗi lần muốn múc được một gàu phải chờ thật lâu, đầy được một gánh nước phải mất vài tiếng đồng hồ. Nửa đêm thanh vắng, nơi làng quê xa xôi, tiếng gàu vét nước chạm vào đáy giếng nghe soàng soạt, soàng soạt… Chao ôi, âm thanh quê kiểng ấy, sao mà đơn độc, thao thiết đến nao lòng!

Thời thơ ấu còn đọng trong ký ức tôi tiếng quai nước xập xòa của những chiếc gàu dai mùa chống hạn hay xả úng. Làng tôi nằm dọc triền sông. Bên kia đường cái là cánh đồng mênh mông có đến hàng trăm mẫu ruộng. Những mảnh ruộng bậc thang nghiêng nghiêng để hút gió nồm ấy, từng mùa đi qua chỉ nhờ vào mấy bờ xe nước cần mẫn tưới tiêu. Chuyện úng ngập mùa mưa hay khô hạn mùa nắng đến với làng tôi như lẽ đương nhiên của trời đất. Vậy nên mọi người dân bao đời nay vốn quen với việc, hễ cứ mùa khô chống hạn tát nước lên đồng; còn mùa mưa lũ thì tát nước ra sông xả úng.  Quê tôi có tập quán dùng gàu dai để tát nước chứ không sử dụng gàu sòng như những địa phương khác. Gàu dai nhà nào mà chẳng có. Gàu được đan kỹ lưỡng bằng nan gốc tre già và trét dầu rái nên chịu được lực ma sát mạnh. Miệng có đường kính khoảng ba tấc tây, cao độ ba tấc rưỡi; đáy túm vào nên hình thù trông như cái đầu con bò đực giống. Quai gàu được bện bằng những sợi mây nước trên rừng săng chắc và bền. Để sử dụng gàu dai phải cần đến hai người. Mỗi khi tát nước chống hạn hoặc xả úng không chỉ một nhà mà cả xóm, cả làng. Người ta kéo nhau ra đồng từ rất sớm, rồi chia thành nhiều tốp rải đều từ Lung Ngõ ra đến Đồng An và bắt đầu tát nước theo phương thức dây chuyền từ đám ruộng này qua ruộng khác một cách nhịp nhàng. Đứng xa nhìn cảnh tát nước chống hạn của làng tôi như một bức tranh khảm vào ánh trời quê trong xanh của buổi bình minh, đẹp đến ngỡ ngàng. Tiếng gàu tát nước xập xòa, tiếng nói cười xen lẫn đâu đó tiếng hát hò khoan vẳng theo gió trên đồng…

Nhưng đáng nhớ nhất vẫn là tiếng nước nhỏ róc róc từ chiếc gàu được xếp bằng mo cau của ông nội tôi cần mẫn múc dưới hố bom, bên túp lều che tạm để tưới mấy dây khổ qua mới trồng sau ngày tản cư về. Trong cảnh hoang tàn của sự hủy diệt, hố bom chi chít, nhà cửa cháy trụi, cả làng chen chúc vào những túp lều tranh dựng bên mép bờ hố bom đọng nước mưa. Nội tôi tìm được vài hột khổ qua còn sót lại trong đống đổ nát của ngôi nhà cũ. Ông cấy vào bờ đất sau nền nhà đầy tro tàn những niềm xanh hy vọng cô độc, mỏng manh. Khi những hột khổ qua bắt đầu nảy chồi, nội tôi vui lắm. Rồi cứ thế từng đêm, chờ cho mọi người trong nhà ngủ say, nội nhẹ nhàng lấy chiếc gàu được thắt bằng mo bóc ra từ cây cau bị ngã do mảnh bom phạt gãy ở góc vườn, ông cần mẫn tưới. Vô tình có một đêm, tôi giật mình thức dậy sau giấc chiêm bao ùng oàng bom đạn, chợt nhìn thấy cái bóng của nội đổ dài dưới trăng mờ mờ cứ đi ra đi vào, tiếng nước hố bom từ chiếc mo cau nhỏ xuống nghe rong róc, rong róc… Mãi đến bây giờ tâm khảm tôi hình ảnh ấy vẫn như in, như chuyện mới hôm qua.

Ôi, những tiếng quê đau đáu cả đời người!

Tôi có thói quen cố hữu: Mỗi lần về thăm quê, sau khi ghé nhà, việc đầu tiên là chạy ra bến sông, phóng ào xuống nước bơi một mạch tới giữa dòng rồi quay vào bờ. Dòng nước mát của con sông quê hương ngấm vào từng thớ thịt, từng mạch cảm xúc để nghe trong lòng ào tràn về những ký ức tuổi thơ êm đềm với dòng sông mùa cũ.

Nhà tôi cách bến sông chừng hơn trăm mét. Đi ra sông là băng ngang qua một khoảng nà bắp mà cả làng gọi là “bàu”, đến xóm lẻ rồi mới ra tới  bến. Năm tôi 4 tuổi, lần đầu tiên theo mẹ ra sông. Những gốc tre già chẳng biết đã bao nhiêu tuổi ngồi trơ vơ dựa vào bờ nước. Dòng nước thì luôn trong xanh như mắt tiên nữ trong tranh vẽ, nhìn thấu đáy từ mùa xuân đến giữa mùa thu. Chỉ mùa đông lũ lụt tràn về thì con nước sông quê tôi mới đục ngầu lên, chở phù sa trên nguồn về bồi đắp cho những cánh đồng làng ven bờ. Những ngày tháng tuổi thơ tôi, nơi con bến này đã có biết bao nhiêu chuyện buồn vui mưa nắng…

Tôi nhớ lần đầu ra bến tập bơi, cha tôi dắt tôi lên phía đầu dòng nước chảy cách bến chừng vài mươi mét. Cha dặn: “Con cứ lao xuống nước và quẫy đạp tự nhiên. Có cha đứng phía dưới, không sao đâu! Vài ba lần là con bơi được thôi”. Nhìn dòng nước chảy xiết, sâu hoắm, tôi do dự, sợ sệt không dám. Cha tôi đẩy tôi lao xuống nước rồi nhanh chóng chạy về phía bến đón tôi. Vài lần đầu quẫy đạp, tôi có bị ngợp nước nhưng được cha đón đưa vào bờ an toàn. Những lần sau thành thú vui lại thích. Rồi tôi biết bơi, biết ngụp lặn thỏa thuê trên dòng sông quê hương, con sông chở theo những ký ức vui buồn bao năm tháng thăng trầm của đời người.

Vài chục năm trở lại đây con sông Vu Gia của quê tôi không còn trong xanh nữa. Dòng nước chuyển màu đỏ ngầu, cạn kiệt mùa khô và luôn dữ dằn thác lũ mùa gió bão. Cá tôm cũng kiệt dần, người làm nghề chài lưới lên bờ trú ngụ đổi kế sinh nhai, phường vạn ghe không còn dấu tích. Ngày xưa, mỗi lần ra bến ai cũng muốn được trầm mình xuống dòng nước mát trong, bây giờ thì không thể. Con nước bị tước đoạt đi sự trong trẻo tinh khôi cố hữu.

Lũ trẻ chúng tôi ngày ấy mỗi ngày đứa nào mà chẳng trên một lần trầm nước với sông? Từ cái dòng xanh như dải lụa, những cái bến có bụi tre già cả trăm năm tuổi rất đỗi thân thiết ấy đã chứng kiến nhiều chuyện “chọc trời khuấy nước” của tuổi thơ khó quên!

Tôi nhớ Bãi Dù trên đầu làng, nơi đi qua chiếc cầu nghe đâu được làm thời Pháp kia là đến chợ Hà Tân. Gọi là Bãi Dù vì bãi cát có hình cong như chiếc dù lớn. Con sông chảy lượn theo bãi bao quanh làng rồi đổ ra Ba Bến. Lũ trẻ chúng tôi ngày nào chẳng thả trâu bò cho chúng gặm cỏ trên gò, rủ nhau chạy ào xuống bến Bãi Dù đào dế, chia phe đánh trận…, chán rồi thì ngâm mình dưới dòng sông mát rượi cho tới trưa, đánh trâu bò về chuẩn bị bài vở để đến trường. Thuở ấy, sông quê nhiều cá tôm. Nơi bãi sông đầu làng có cả một phường vạn những người làm nghề chài lưới. Họ sống bằng nghề sông nước từ bao đời. Trên dòng sông, chẳng lúc nào vắng bóng những con thuyền thả lưới, buông câu. Tiếng mái dầm khua lợp cợp vào be thuyền để đuổi cá nghe vui tai. Những cánh buồm ngược sóng lấp lóa trong ánh chiều tạo nên cảnh sắc hữu tình quê xứ. Khó có thể kể hết những kỷ niệm tuổi thơ với dòng sông quê mà mỗi khi nhớ về như bến đổ đầy ắp hoài niệm.

Vài chục năm trở lại đây con sông Vu Gia của quê tôi không còn trong xanh nữa. Dòng nước chuyển màu đỏ ngầu, cạn kiệt mùa khô và luôn dữ dằn thác lũ mùa gió bão. Cá tôm cũng cạn kiệt dần, người làm nghề chài lưới lên bờ trú ngụ đổi kế sinh nhai, phường vạn ghe không còn dấu tích. Ngày xưa, mỗi lần ra bến ai cũng muốn được trầm mình xuống dòng nước mát trong, bây giờ thì không thể. Con nước bị tước đoạt đi sự trong trẻo tinh khôi cố hữu. Lần về thăm quê gần đây, tôi cùng đứa bạn thân đi ra bến cũ. Nhìn đôi bờ loang lổ những vết lở bồi, dòng nước khô kiệt u uẩn, chảy yếu ớt vòng quanh những cồn đất nhô lên từ đáy sông mà nhói lòng. Sông như một người phải mang trên mình hàng triệu vết thương trầm kha đang quằn quại chảy. Tôi buột miệng: “Chẳng lẽ sông bây giờ lại thế này sao?”. Người bạn nói: “Lâu lâu ông mới về nên không biết đó thôi! Có lên tận đầu nguồn mới hiểu căn nguyên của nó. Nào nhà máy thủy điện rồi những công ty khai thác vàng sa khoáng, khai thác gỗ… Người ta ngăn dòng giữ nước, người ta đào bới, người ta cày ủi. Còn chi sông nữa hả ông?”.

Biết bao giờ sông quê tôi xanh lại ngày xưa?

NGUYỄN HẢI TRIỀU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiếng gàu rơi và dòng sông mùa cũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO