Cuối dòng sông Trà Bồng (Quảng Ngãi) có cụ bà Nguyễn Thị Chất, tên thường gọi là cụ Út, nay đã 80 tuổi, ngày ngày cất tiếng gọi khi chiều xuống: “Bà đây! Xuống ăn các con!”. Nghe giọng bà Út, đàn khỉ hoang từ các lùm cây của đảo Hòn Trà lao xuống, đón từ tay bà những chùm quả ngọt.
Ở cuối sông Trà Bồng
Hôm 23/6/2023, tức mùng 6 tháng 5 âm lịch, sau Tết Đoan ngọ một ngày, giỏ trái cây trên tay bà Út nặng hơn và cũng phong phú chủng loại hơn. Hầu như các gia đình sống cạnh đảo Hòn Trà này, sau lễ cúng trái cây theo phong tục, họ đều dành phần cho lũ khỉ trên đảo. Bà Út lọ mọ đi dọc xóm, đến trước cổng của mỗi nhà là có thể gom trái cây được các gia chủ đặt ở trụ cổng. Có lẽ chỉ có ngày Tết Đoan ngọ hoặc ngày rằm hay mùng một thì mới có động thái này, còn ngày thường thì bà cụ đi xe đạp vào chợ cóc nơi đầu xóm để xin trái cây được các sạp “thanh lý” sau một ngày tiêu thụ không hết và có nguy cơ bị hỏng.
Theo Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, tất cả cá thể khỉ trên đảo Hòn Trà là loài khỉ vàng (tên khoa học: Macaca Mulatta) thuộc danh mục động vật nguy cấp, quý, hiếm (nhóm IIB) cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Hôm 25/6, Chi cục Kiểm lâm và một đoàn chuyên gia đã đến Hòn Trà xem đàn khỉ để có giải pháp lâu dài vì toàn bộ Hòn Trà chỉ trồng cây keo và một ít bụi rậm mọc hoang nên nguồn thức ăn tự nhiên cho khỉ không có.
Đều đặn suốt 8 năm qua, bà Út đã làm cái việc “khùng khùng” như thế, chỉ với một hy vọng là giữ đàn khỉ trên đảo Hòn Trà khỏi chết đói và được nghe âm thanh chí chóe quen thuộc của “lũ nhỏ” mỗi khi nhận quà từ tay mình là bà cảm thấy vui với tuổi già rồi.
Tỉnh Quảng Ngãi có bốn con sông chính đổ ra biển nhưng có ba sông bắt đầu bằng chữ Trà: Trà Bồng ở phía bắc rồi đến Trà Khúc ở giữa và Trà Câu ở phía trong cùng. Sông Trà Bồng có cửa sông mang tên Sa Cần. Cửa sông này được nhà thơ Tế Hanh định vị với ngôi làng Đông Yên của ông: “Làng tôi vốn làm nghề chài lưới/ Nước bao vây cách biển nửa ngày sông”. Từ ngôi làng Đông Yên ấy, nước sông Trà Bồng phăm phăm hướng về cửa biển Sa Cần. Nhưng trước khi nhập vào bao la của đại dương, dòng sông gặp một hòn đảo, như “gác chắn” ngay cửa sông, mang tên Hòn Trà, rộng khoảng 1,5 hecta. Đây chính là “thủ phủ” của đàn khỉ hoang tá túc đã 8 năm qua, được cụ bà Nguyễn Thị Chất cũng như cư dân của làng chài Sơn Trà thuộc xã Bình Đông huyện Bình Sơn cưu mang.
Như một sự sắp đặt của số phận, cụ bà Nguyễn Thị Chất cầm tinh con khỉ (bà sinh năm Giáp Thân 1944), tính tuổi mụ năm nay là đúng tám mươi. “Hình như trời sắp đặt rồi chứ sao nhiều người ra cửa Sa Cần để cào hàu, bắt con chip chip mà sao hôm ấy chỉ mình tui mới thấy lũ khỉ thôi, để rồi tui gắn bao nỗi vui buồn của đời mình vào lũ nhỏ ấy” - bà Út trả lời câu hỏi của khách về lý do bà gắn bó với đàn khỉ mà như nói về phận mình.
Đàn khỉ đến từ đâu?
Tôi hỏi anh Huỳnh Tấn Việt, người hơn 30 năm nay “quen mặt” đảo Hòn Trà vì ngày nào anh cũng cho tàu đánh cá ngang qua đó: “Anh có biết đàn khỉ đến từ đâu không?”. Anh Việt nhíu mày: “Thực tình là tui cũng không biết đàn khỉ có mặt tại Hòn Trà từ khi nào nữa. Một hôm thấy cụ Út mang giỏ trái cây bỏ lên thuyền thúng rồi hướng ra Hòn Trà, tui hỏi làm gì thì cụ bảo ra cho lũ khỉ, lúc ấy tui mới hay là trên Hòn Trà có khỉ”.
Rồi anh phỏng đoán: “Có thể trong một trận lụt nào đó, lỡ sẩy chân, đàn khỉ bám vào bè cây rồi trôi theo dòng nước lũ từ thượng nguồn về. Hòn Trà lúc ấy như chiếc phao cứu sinh cuối cùng của chúng”. Giả thiết này thoạt nghe thì cũng có lý, song để khỉ sinh sôi thành đàn như ngày nay ắt phải có cả khỉ đực lẫn khỉ cái lúc bám bè trôi sông theo dòng nước lũ. Khả năng này thì cực kỳ hiếm!
Ông Hai Vương, 66 tuổi, một ngư dân ở làng chài Sơn Trà thì lý giải theo cách nghe thuyết phục hơn: “Gần 10 năm trước, nhà tui có cây ổi rất nhiều trái chín thơm lừng. Bỗng một hôm có con khỉ xuất hiện trên cây ổi này. Rồi đều đặn mỗi sáng, con khỉ lại có mặt trên cây ổi để hái trái ăn. Tui dùng bẫy bắt được nó. Được một thời gian ngắn thì tui thả nó ra chơi với lũ chó trong nhà. Nhưng con khỉ này rất nghịch và phá ghê lắm. Những khi cây ổi hết mùa, lũ trẻ dùng giấy gói đá giả làm kẹo rồi phỉnh con khỉ. Nó mở gói giấy ra thấy đá, biết bị lừa, nó liền xông vào túm tóc bọn trẻ, cào vào mặt, rất nguy hiểm. Nhưng điều phiền toái nhất không chỉ là gây nguy hiểm cho bọn trẻ con mà con khỉ này hay rình mò vào các ổ gà để trộm trứng. Cứ vài ba hôm là tui nhận một lời mắng vốn của hàng xóm về việc khỉ trộm trứng gà. Và rồi tui quyết định điều chẳng đặng đừng: Mang con khỉ ra “quẳng” lên Hòn Trà, kèm lời động viên nó: Mày ở đây nhé. Có hai ký ổi kèm theo đây. Ăn hết thì tự kiếm lấy thức ăn chứ đừng về nhà tao nữa!”.
Theo cách này thì cư dân khỉ đầu tiên của Hòn Trà được “nhập khẩu” từ nhà Hai Vương. Ông bổ sung: “Cách nhà tui có nhà bà Bảy Bốc, cũng có con khỉ cụt một chi trước. Ông Bảy Bốc bị tai nạn cụt một chân nên hàng xóm bảo do nuôi khỉ cụt chân nên mới vậy. Thế là bà Bảy mang con khỉ cụt chân nọ lên thả ở Hòn Trà để chúng có bạn với nhau”.
Thành viên thứ hai có mặt ở Hòn Trà nhưng cả hai đều là khỉ cái. Ông Đoàn Tần, người cùng làng chài có nuôi một con khỉ đực mấy năm qua, thấy quá phiền phức nên cũng “di dời” nó lên đảo. “Một chàng mà có đến hai nàng, thật thỏa chí tang bồng đời trai!” - ông Hai Vương hài hước. Thế là khỉ Hòn Trà từ đó sinh sôi nảy nở thành đàn.
Ân nhân của lũ khỉ
“Cứ mỗi sáng, khi tàu đánh cá của tui từ biển về ngang qua đảo Hòn Trà, con khỉ nhà tui lại ra đứng mỏm đá giơ tay lên chào. Khi nào có điều kiện thì tui quẳng cho nó trái chuối, vài ba quả ổi nhưng lúc mưa bão thì chịu. Mấy con khỉ đói meo, đành xuống ghềnh đá bắt ốc và hàu để ăn. Nhưng người mà đi bắt ốc còn khó huống là khỉ. Giữa lúc sự tồn tại của mấy con khỉ bị đe dọa thì cụ Út xuất hiện. Cụ thành bà tiên trong mắt lũ khỉ”- Hai Vương kể.
Còn bà Út thì nhớ lại lần đầu gặp lũ khỉ: “Tui đi mò ốc cạnh Hòn Trà thì thấy mấy con khỉ cũng lảng vảng gần đó. Tui biết chúng đói nên hôm sau mang theo một ít trái cây cho ăn. Dần dần chúng thành “lũ trẻ” thân thiết đến giờ”.
Hôm cụ Út đưa chúng tôi tiếp cận bọn khỉ, bất ngờ có hai con mẹ “địu” hai đứa con còn đỏ hỏn. “Chu cha! Đẻ rồi mà không nói cho bà biết hê!” - bà Út vừa phân phát quà vừa trách yêu bọn khỉ. Cả tháng nay bà vào Sài Gòn chữa bệnh nên lũ khỉ nhớ bà. Chắc chắn là thế. Chả vậy mà nghe giọng bà Út gọi đàn, chúng tuôn ra từ những cành cây trên đảo Hòn Trà khiến một góc rừng trên đảo xao động.
Vừa “phát quà”, bà Út vừa âu yếm nói: “Bà bớt bịnh rồi, không đau nữa đâu. Còn mấy người này là bạn của bà, họ ra chớp bóng rồi về đề nghị chính quyền tìm biện pháp nuôi tụi bây chứ không sao đâu”. Dù được trấn an vậy nhưng bọn khỉ vẫn lấm lét nhìn khách lạ bằng những cặp mắt cảnh giác.
Riêng với cụ Út, lũ khỉ reo vui bằng những âm thanh mà chỉ có cụ mới cảm nhận hết sự hoan hỉ đầy hoang dại ấy.