(Xuân Giáp Ngọ) - Qua bể dâu của thời cuộc và những tác động từ các dự án phát triển kinh tế - xã hội, miền núi bây giờ phải chống chọi với nhiều áp lực mới. Tiếng gọi rừng đang thúc giục người dân bản địa vượt khó đi lên.
Nhiều năm qua, Nhà nước đầu tư hàng nghìn tỷ đồng phát triển kinh tế, ổn định an sinh – xã hội cho vùng khó khăn miền núi. Các dự án đã “khai sáng”, tạo đòn bẩy để người dân có cơ hội vươn lên thoát nghèo, ra khỏi cuộc sống lạc hậu. Thế nhưng, cũng có không ít dự án phá vỡ không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào các dân tộc thiểu số, thu hẹp miền đất sinh nhai của họ, mà hệ lụy không mấy sáng sủa từ các khu tái định cư thủy điện là ví dụ điển hình. Thiếu đất sản xuất, hạ tầng giao thông yếu kém, trình độ dân trí thấp… là những rào cản lớn mà khu vực miền núi chậm bứt phá đi lên. Có thời gian dài ở miền núi, nguồn vốn gần như ưu tiên đầu tư cho kết cấu hạ tầng, trong khi đó mức hỗ trợ sản xuất lại quá thấp, kinh tế phát triển bấp bênh, thiếu ổn định.
Làng tái định cư thủy điện Pache Palanh (Đông Giang).Ảnh: HỮU PHÚC |
Hướng thoát nghèo
Từ trong gian khó, đồng bào miền núi đã biết xoay xở, vươn lên thoát nghèo. Nếu trước đây, người dân bản địa chỉ sống thuần nông với thói quen du canh du cư trong rừng thì bây giờ ngoài mùa màng lên rẫy, nhận khoán bảo vệ rừng, họ còn biết buôn bán, phát triển kinh doanh dịch vụ ngay trên bản làng của mình. Chính quyền một số huyện nghèo có cái nhìn lạc quan, rằng đồng bào các dân tộc thiểu số hai năm trở lại đây đã chấm dứt tình trạng đói, ngay cả mùa giáp hạt. Nhiều bản làng, dân tự nguyện đăng ký thoát nghèo. Điển hình, ở huyện Bắc Trà My, 2 năm nay có gần 100 gia đình đã rút khỏi hộ nghèo, nhờ chính sách “treo thưởng” của địa phương hỗ trợ mỗi hộ nghèo 2 triệu đồng nếu thực chất thoát nghèo. Hàng trăm hộ nghèo ở huyện Tây Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Nam Giang… cũng lần lượt vượt khó vươn lên thoát nghèo bền vững và mạnh dạn đăng ký không tái nghèo trong 3 năm, kể từ năm 2013.
Tâm thế làm chủ
Đều đặn hằng tuần, những thanh niên Cơ Tu của làng Asờ (xã Ma Cooih, Đông Giang) lại kéo nhau đến khoảnh rừng của mình vừa được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ. Ngoài tuần tra rừng, đồng bào còn dành thời gian khai thác thêm mật ong, măng, mây và trồng các lâm sản phụ khác trong rừng. Số tiền Nhà nước hỗ trợ đồng bào nhận khoán bảo vệ rừng (bình quân mỗi hộ 5,4 triệu đồng/năm) có thể đủ mua gạo ăn. Ông A Lăng Trách - Bí thư Đảng ủy xã Ma Cooih cho biết, tiền công giữ rừng tuy chưa lớn nhưng là động lực để người dân yên tâm bám rừng. Thêm một niềm vui nữa, sắp tới dưới tán rừng già, địa phương trồng nhiều loại cây dược liệu, chăn nuôi nhằm cải thiện thu nhập cho bà con, đồng thời làm giàu hệ sinh thái rừng.
Trồng cây dưới tán rừng, mô hình thoát nghèo bền vững ở miền núi. |
Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh – ông Nguyễn Đức cho biết, qua nhiều năm khảo sát, giám sát các chương trình, chính sách đầu tư của Nhà nước cho miền núi có thể nhận thấy rằng những ngôi làng nào còn giữ được truyền thống văn hóa lâu đời, người dân không phá rừng, trồng cây bản địa và áp dụng các mô hình sản xuất, chăn nuôi thâm canh thì nơi đó thường có cuộc sống ổn định. Thậm chí, có một số nóc làng ở miền núi ít nhận sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, nhưng nhờ ý chí tự chủ, chịu khó làm ăn, nơi ấy vẫn phát triển. |
Còn người Xê Đăng làm chủ rừng trên “cổng trời” Ngọc Linh (Nam Trà My) trong một tâm thế khác. Họ không chỉ đại diện cho nông dân hay lam hay làm mà còn biết tận dụng triệt để tài nguyên rừng. Từ những tỷ phú sâm trẻ xuất hiện đầu tiên như Hồ Văn Lượng, Hồ Văn Du (thôn 2, xã Trà Linh, Nam Trà My). Mô hình cộng đồng trồng sâm ở Trà Linh bây giờ không còn phát triển kiểu manh mún, tự phát. Hiện cây sâm cũng bắt đầu di thực thành công xuống các xã Trà Cang, Trà Nam (Bắc Trà My), rồi đến tận các xã thuộc khu 7 của huyện Tây Giang. Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My – ông Lê Ngọc Kích phấn khởi khoe: “Từ sự lệ thuộc vào điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên, theo tiếng gọi của rừng, đồng bào Xê Đăng đã làm chủ cuộc sống, thoát nghèo vươn lên làm giàu bằng bàn tay, khối óc của mình. Thực tiễn cho thấy, nếu biết cách, đồng bào có thể lấy rừng nuôi rừng”. Theo ông Kích, xã Trà Linh chưa hẳn đã nhận được sự ưu ái đầu tư của Nhà nước so với vùng khác từ các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, nhưng chính những khát khao, ý thức tự chủ, tâm thế làm chủ rừng của người Xê Đăng đã biến nơi cổng trời “lột xác” từng ngày.
Dưới tán rừng tự nhiên, đồng bào Cơ Tu ở các huyện Tây Giang, Đông Giang đã, đang là những người chủ thực sự của các mô hình trồng sâm, cây ba kích, các loại thảo dược di thực thành công từ vùng đất khác. Thế nên, cuộc xoay chuyển của miền núi hôm nay và mai sau xét cho cùng là từ nội lực, khát khao vươn lên làm chủ rừng của người dân bản địa. Không gian sống bao đời nay của người miền núi vẫn là rừng – một “báu vật” của tự nhiên như đúc kết của Bác Hồ lúc sinh thời: “Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý”.
HỮU PHÚC