Tiếng gọi từ đại ngàn

Ghi chép của THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC 09/05/2016 08:32

Trong hành trình đầy tiếng gió reo của đại ngàn là những mái gươl làng cổ Cơ Tu trên đỉnh đồi, là điệu tân tung, da dá dập dìu trong men rượu ngọt, là cánh rừng pơmu kỳ vĩ giữa bao la hương sắc miền biên viễn. Như một cô sơn nữ e ấp của vùng cao, đất Tây Giang vẫy gọi dấu chân lữ khách…

Hương sắc vùng cao

Không quá khó để có thể tìm được lộ trình đi và đến, khi mạng xã hội và các trang web nổi tiếng về lữ hành lần lượt xuất hiện dày đặc những địa điểm lưu trú và du lịch ở nơi này. “Sẽ là những bỡ ngỡ pha chút mạo hiểm khi chinh phục cung đường đèo dốc trong sương mờ hay bước vào những ngôi làng truyền thống của người bản địa, nhưng một khi đã đến, bạn sẽ không thể nào quên” - Lê Thùy, một hướng dẫn viên du lịch ở TP.Đà Nẵng đã chia sẻ dòng trạng thái như thế trên mạng xã hội khi lần đầu tiên được đặt chân đến Tây Giang. Từ TP.Đà Nẵng, hơn 100km đường đèo dốc gần như là một thử thách đối với những kẻ lữ hành, song chính điều đó lại càng kích thích thêm quyết tâm chinh phục. Những xa lạ vô tình gợi lên vô vàn cảm xúc tươi mới và hấp dẫn cho những ai đang muốn rũ bỏ những bình lặng ngột ngạt thường ngày, mở lối cho trái tim và đôi mắt phiêu lưu cùng đại ngàn hùng vĩ, như Thùy. Thế nên, cô gái trẻ nhanh chóng bị hút hồn bởi vẻ đẹp ban sơ của những bản làng nằm dưới chân núi, hay mái gươl ẩn hiện trong sương trắng trên làng cổ Cơ Tu. Dù đã tìm hiểu thông tin về nơi này, nhưng Thùy cùng những người bạn vẫn không khỏi ngạc nhiên, thích thú với trải nghiệm của mình khi đến với Tây Giang, để rồi trở về là niềm tiếc nuối khi đại ngàn vẫn níu chân theo lời hẹn sẽ trở lại của nhóm bạn trẻ.

Cây pơmu được công nhận di sản, hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn cho du khách. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Cây pơmu được công nhận di sản, hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn cho du khách. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Đã nhiều lần đến với Tây Giang, đến với những bản làng xa xôi nhất của miền biên viễn này, chúng tôi may mắn hơn khi được tận thấy vô vàn những khung cảnh đẹp mà không một thiết bị công nghệ nào có thể lưu giữ trọn vẹn. Làng của người Cơ Tu như một vòng tròn hoàn hảo bảo bọc lấy mái gươl truyền thống dưới thung sâu mây trắng, hay cánh đồng Chuôr xanh ngút mắt bên dòng suối A Xan. Đặc biệt hơn, Tây Giang còn có những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn với hơn 60% diện tích, trong đó có rừng pơmu với gần 1.400 cây được ghi nhận là “điểm đến xanh” kỳ thú độc đáo của vùng đất này. Gần đây nhất, 725 cây pơmu trong cánh rừng này được công nhận là cây di sản, Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam cũng công bố bảo trợ di sản văn hóa đối với làng cổ Tây Giang đã khẳng định giá trị của những nét đẹp ban sơ mà Tây Giang đang sở hữu. “Văn hóa tộc người Cơ Tu, những cánh rừng nguyên sinh ở độ cao trên 2.000m so mực nước biển, con đường muối xa xưa trải dài trên 30km giữa rừng sâu, nhiều chứng tích văn hóa, lịch sử cách mạng hiện còn bảo tồn, gìn giữ… chính là tiềm năng du lịch rất lớn của Tây Giang. Chúng tôi tin rằng, Tây Giang hoàn toàn có khả năng khai mở hướng đi du lịch cho mảnh đất vùng biên này” - ông Bh’riu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang chia sẻ.

Đánh thức khát vọng

Không phải lần đầu, giấc mơ làm du lịch được đặt ra đối với địa phương Tây Giang, mà ngay những năm đầu đã có một số tour du lịch được thử nghiệm với tín hiệu khá lạc quan ở vùng đất này. Trong những năm gần đây, khi một số nhà nghỉ, khách sạn lưu trú bắt đầu mọc lên cùng một số dịch vụ phát triển ở Tây Giang, lượng du khách bắt đầu tìm đến trải nghiệm, khám phá thông qua thông tin chia sẻ từ các website du lịch và mạng xã hội. Rừng pơmu được công nhận rừng cây di sản, bảo trợ cho làng cổ Cơ Tu, điệu tâng tung, da dá là di sản phi vật thể quốc gia  tạo tiền đề để bước đầu hình thành giá trị du lịch cho vùng đất này. Ông Liếc chia sẻ rằng, lấy văn hóa phát triển kinh tế, ổn định chính trị, đoàn kết dân tộc; lấy văn hóa phát triển văn hóa, thu hút đầu tư và du lịch là phương châm, định hướng của Tây Giang bây giờ và những năm sắp đến. “Tây Giang có rừng, có cảnh sắc, có văn hóa truyền thống độc đáo và đầy bản sắc, không thể để những lợi thế đó nằm ngoài công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chúng tôi đã bắt đầu làm, và sẽ làm, mà quyết tâm đầu tiên là khởi động “năm du lịch Tây Giang”, từ bây giờ” - ông Liếc nói.

Khi những con đường đang len lỏi mở rộng về phía cửa khẩu, nối những bản làng xa xôi nhất của Tây Giang, giấc mơ du lịch càng hiển hiện rõ hơn. Nhưng, ban sơ của thiên nhiên chỉ mới là tiềm năng du lịch, còn “ban sơ hạ tầng” lại đang là khoảng trống cho khát vọng vươn xa. Xua tan những hoài nghi ấy, một doanh nghiệp đầu tiên đã tìm đến đặt trụ sở tại Tây Giang với dự án tiếp nhận, quản lý và phát triển du lịch dựa trên những vốn quý ấy. Mức đầu tư giai đoạn một xấp xỉ 120 tỷ đồng, hình thành khu nghỉ dưỡng, dịch vụ gần làng cổ Cơ Tu được doanh nghiệp này ngỏ ý xúc tiến ngay trong năm 2016 là một tín hiệu đáng mừng cho du lịch Tây Giang ngay từ khi khởi động phát triển du lịch. Ông Ngô Hữu Lộc - Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng Việt Sip tâm sự, quá trình khảo sát, tìm hiểu mảnh đất này cùng với sự hỗ trợ tích cực của địa phương tạo động lực cho doanh nghiệp này đổ vốn vào Tây Giang làm du lịch. “Du lịch sinh thái đã mở rộng về sát Đông Giang và ngày càng có xu hướng vươn xa về phía tây. Tây Giang là mảnh đất đẹp, thiên nhiên đẹp, con người, văn hóa đẹp, lại có khí hậu khá thích hợp cho du lịch nghỉ dưỡng lẫn du lịch khám phá, trải nghiệm, đây là cơ hội khó có thể bỏ qua đối với một doanh nghiệp đầu tư du lịch như công ty chúng tôi” - ông Lộc hồ hởi.

Một đại ngàn đầy hương sắc, một vùng cao thân thiện, thắm tình với những nét văn hóa độc đáo đang vẫy gọi từ Tây Giang.

Ghi chép của THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiếng gọi từ đại ngàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO