Tiếng hát trên non

ALĂNG NGƯỚC 09/05/2023 07:33

(VHQN) - Không kể hoạt động lễ hội, gần như các chương trình nghệ thuật mang đậm dấu ấn vùng cao, họ luôn có mặt. Sau những đợt theo đoàn biểu diễn phục vụ tuyên truyền, trở về với cộng đồng, họ đóng thêm vai trò mới: hạt nhân trong các phong trào văn nghệ ở địa phương…

Bríu Ny trong chương trình biểu diễn nghệ thuật tại địa phương. Ảnh: NVCC
Bríu Ny trong chương trình biểu diễn nghệ thuật tại địa phương. Ảnh: NVCC

Nghệ sĩ núi rừng

Đêm cuối cùng của năm 2022, chuỗi sự kiện “Tuần văn hóa Tây Giang” diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc mang âm hưởng đại ngàn. Ngoài nghệ sĩ khách mời, góp mặt trong các chương trình biểu diễn chào đón năm mới còn có các nghệ sĩ núi rừng thuộc Đội văn nghệ quần chúng (Trung tâm VH-TT huyện). Các hoạt động của địa phương, họ gần như đóng vai trò chủ lực, mang tiếng hát phục vụ niềm vui cộng đồng.

Những cái tên quen thuộc như Arất Thị Cúc, Ríah Dung, Bh’ling Hùng, Bríu Ny,… lần lượt xuất hiện, tôi cảm nhận được sự háo hức đợi chờ từ phía người dân. Gần như chương trình nghệ thuật nào của Tây Giang, cũng không vắng bóng các nghệ sĩ của núi.

Hôm nọ, tôi lên Tây Giang đúng dịp địa phương tổ chức chương trình nghệ thuật, Bríu Ny biểu diễn chính. Bríu Ny có chất giọng nam cao khỏe khoắn và đầy nội lực, cộng thêm ngoại hình bắt mắt, trở thành thần tượng của rất nhiều người trẻ và cộng đồng Cơ Tu.

Đội nghệ thuật quần chúng huyện Tây Giang biểu diễn trong chương trình lễ hội cây nêu vào năm 2017. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Đội nghệ thuật quần chúng huyện Tây Giang biểu diễn trong chương trình lễ hội cây nêu vào năm 2017. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Khác hơn so với đồng đội, lần nào Bríu Ny xuất hiện cũng mang vẻ đẹp của văn hóa truyền thống. Bởi anh chọn riêng những bộ thổ cẩm trang trí hoa văn làm trang phục chủ đạo, giúp gần hơn với khán giả quê nhà.

Bằng niềm đam mê ca hát, Bríu Ny từng xuất hiện ở nhiều chương trình nghệ thuật trong tỉnh và các vùng lân cận. Để góp mặt, anh có thời gian tham gia và đạt rất nhiều giải thưởng chuyên nghiệp như: giải khuyến khích Liên hoan Bolero Quảng Nam “Giai điệu quê hương” năm 2017; giải A Nghệ thuật quần chúng các huyện miền núi tỉnh năm 2018; giải khuyến khích Giọng hát hay Đà Nẵng mở rộng năm 2019…

Lớn lên từ phong trào văn nghệ ở địa phương, Bríu Ny nói anh luôn dành hết thời gian để phục vụ khán giả, xem đó như một cách trả ơn vùng đất và cộng đồng Cơ Tu ở núi rừng Tây Giang này.

Điều đó, Ny đã làm suốt thời gian dài, kể từ khi anh bắt đầu bén duyên với nghệ thuật, mang tiếng hát phục vụ các chương trình của địa phương. Bằng các làn điệu dân ca Cơ Tu, Bríu Ny cùng đồng đội đã góp sức cho hoạt động sưu tầm, quảng bá và phát triển nghệ thuật dân tộc gần hơn với cộng đồng địa phương.

Tại nhiều cuộc thi, hội diễn nghệ thuật quy mô cấp tỉnh và toàn quốc được Đội văn nghệ quần chúng Tây Giang biểu diễn, mang về huy chương các loại, góp thêm niềm vui cho những nỗ lực của các nghệ sĩ núi rừng.

Góp sức bảo tồn văn hóa

Sống ở núi cao, nhiều giọng ca Cơ Tu ở miền tây xứ Quảng không chỉ để lại ấn tượng với người dân địa phương, mà còn cả những người làm nghệ thuật chuyên nghiệp.

Dành cả tuổi thanh xuân giúp Tây Giang nghiên cứu, sưu tầm và phổ biến làn điệu dân ca Cơ Tu đến với công chúng, nhạc sĩ Huy Hoàng nói, sự thành công của ông có công hỗ trợ rất lớn từ các ca sĩ trẻ Cơ Tu - những người truyền cảm xúc bằng giai điệu ca cổ truyền thống đầy mê hoặc.

Điều đó được chứng minh bởi Arất Thị Cúc, Pơloong Trung Kiên, Bríu Ny và nhiều gương mặt đam mê nghệ thuật khác của Tây Giang. Với giọng hát “trời ban”, mỗi khi Arất Thị Cúc cất lên tiếng hát, sự ngọt ngào hiện rõ trong từng lời ca khiến nhiều người miền núi say mê, mến mộ và đặt danh xưng “nàng sơn ca của núi rừng”.

Nhạc sĩ Huy Hoàng đánh giá, Arất Thị Cúc có chất giọng rất đẹp và sáng, nhiều ca khúc mang âm hưởng dân ca Cơ Tu được chị thể hiện như… rót mật vào tai người nghe bằng giai điệu ngọt ngào, cuốn hút.

Góp mặt trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật quần chúng, thời điểm những năm đầu Tây Giang tái lập, người ta thấy Arất Thị Cúc và đồng nghiệp ngược xuôi theo chuyến đi phục vụ cộng đồng.

Ngoài lễ hội văn hóa truyền thống, hầu hết chương trình nghệ thuật quần chúng tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng đến với người dân; các đêm diễn lưu động chào đón năm mới… đều có dấu ấn của các “nghệ sĩ núi rừng”.

Miệt mài theo chuyến đi biểu diễn, Arất Thị Cúc và các cộng sự bây giờ đã trở thành gương mặt không thể thiếu, được chính cộng đồng chọn lựa phục vụ trong các cuộc vui văn hóa tinh thần. Chính xác, là sau thời điểm Tây Giang phát hành 2 album ca nhạc “Dân ca Cơ Tu”, tổng hợp hàng chục bài dân ca cổ được cải biên, sưu tầm.

Những năm gần đây, Arất Thị Cúc dành nhiều thời gian cho hoạt động dạy hát dân ca Cơ Tu cho học sinh tại địa phương. Những làn điệu dân ca cổ Cơ Tu như khúc hát giao duyên (cha châp, ba boóch) được truyền dạy khiến học sinh thích thú.

“Không chỉ học sinh, mà ngay cả người già đều rất thích các bài hát dân ca Cơ Tu cổ như hát ru “Con ngủ cho ngoan” (Acoon bêch pa’yêm); “Bắt cá” (T’bơơn axiu); Mừng lúa mới (Hơnh ha’roo t’mêê)… Thông qua lớp học này, tôi muốn góp một phần công sức nhỏ bé cho công tác sưu tầm và bảo tồn các làn điệu dân ca Cơ Tu, giúp người trẻ ngày càng am hiểu và yêu văn hóa của dân tộc mình hơn” - chị Cúc nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiếng hát trên non
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO