Mô hình “tiếng kẻng học tập” được Hội Liên hiệp phụ nữ xã Quế Phước phát động thí điểm tại tổ 4, 5 thuộc thôn Phú Gia I (Quế Phước). Mô hình ra đời được người dân đồng tình hưởng ứng, thu hút 38 phụ nữ tham gia, mỗi tháng họp định kỳ một lần. Những tổ trưởng thay nhau làm nhiệm vụ đánh kẻng và nhắc nhở, kiểm tra các em trong giờ học. Trong giờ học, các gia đình không mở ti vi, nhạc để cho các em có không gian yên tĩnh học bài, đảm bảo mọi điều kiện để các em học tốt. Chị Đặng Thị Hải Yến - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Quế Phước cho biết: “Mô hình ra đời đã giúp nhiều em cải thiện kết quả học tập. Từ chỗ học sinh trung bình chiếm tỷ lệ cao, đến nay số học sinh giỏi trong mô hình tiếng kẻng học đêm đạt 15%, tỷ lệ học sinh khá chiếm khoảng 65%. Hầu hết các em đều chấp hành một cách nghiêm túc và tự giác với việc học của mình”.
Học sinh tổ chức học nhóm, cùng nhau tiến bộ. Ảnh: D.T |
Thực hiện mô hình này, mỗi gia đình đều dành một góc học riêng cho con em, mỗi học sinh có bàn riêng để học, thường xuyên tổ chức các buổi học nhóm, trao đổi kèm cặp giữa các học sinh để cùng tiến bộ. Em Phạm Thị Thảo Ly (lớp 7) tâm sự: “Trước kia cứ nghe tiếng kẻng là ba mẹ nhắc nhở vào bàn học tập, đến nay em đã quen nên tự giác ngồi vào học bài. Nhờ mô hình này mà từ một học sinh trung bình, nay em đã là học sinh khá, các bạn trong nhóm cũng giúp đỡ em rất nhiều”.
Ông Lương Văn Bá - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Phước nhận xét, đây thực sự là mô hình tạo được sự gắn kết giữa địa phương với gia đình và nhà trường, phát huy sức mạnh cộng đồng dân cư trong việc duy trì và nâng cao chất lượng học tập cho con em địa phương. “Cùng với việc xây dựng phong trào khuyến học, góc học tập, mô hình “Tiếng kẻng học tập” đang cho hiệu quả thiết thực, phong trào học tập tại địa phương được cải thiện đáng kể. Sắp tới chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình trên toàn xã để phong trào đạt kết quả tốt hơn” - ông Bá nói.
DUY THÁI