(VHQN) - Định danh văn hóa xứ Quảng không thể thiếu những làng nghề có từ trăm năm, nơi bảo tồn giá trị đặc trưng của dấu ấn từng vùng đất...
Từ thuở cha ông dựng làng, những nghề nghiệp truyền thống theo tiếng đất tiếng làng mà vang xa, trong ký ức, trong bước chân của người Quảng mọi nơi.
1. Người làm nghề ở làng đúc đồng Phước Kiều (Điện Phương, Điện Bàn), những ngày này vẫn tất bật với câu chuyện trưng bày sản phẩm của làng trong những điểm đến sẽ đón khách trở lại vào tháng 4 tới.
Các làng nghề Quảng sẽ có dịp được gọi tên, làm sống lại mạnh mẽ những giá trị truyền thống - như mong cầu của nghệ nhân trên các cung đường chúng tôi tìm đến.
Và dĩ nhiên, tên làng Phước Kiều sẽ được gợi nhắc, bằng thanh âm của chiêng đồng, thanh la - như cái cách mà Phước Kiều đi vào lòng người khắp xứ. Bao đổi dời của thời cuộc, khiến Phước Kiều nay không vẹn nguyên một làng đúc chiêng đồng, thanh la qua suốt 4 thế kỷ nhưng tên làng này vẫn là làng đúc đồng duy nhất trên đất Dinh trấn Quảng Nam xưa.
Còn tên gọi làng qua cuộc bể dâu, là còn đó những trân quý, còn đó một “tiếng thiêng” để người làm nghề soi rọi. Tôi vẫn luôn giữ quan niệm như vậy. Một khi tiếng làng tiếng đất còn, còn đó cả nền văn hóa truyền thống được bảo tồn, dù có thể sẽ rất đau lòng vì những chỉ dấu đang dần phai lạt.
Từ ngày 30.4 đến ngày 4.5.2022, tại Quảng trường sông Hoài và Công viên vườn tượng An Hội (TP.Hội An) diễn ra Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất - Quảng Nam 2022.
Khai mạc vào lúc 20 giờ ngày 30.4 tại Quảng trường sông Hoài, tham gia Festival dự kiến có 250 đơn vị trên địa bàn Quảng Nam, khu vực miền Trung - Tây Nguyên và một số tỉnh thành trên cả nước.
Là một trong những hoạt động trọng tâm của Năm du lịch quốc gia 2022, Festival nhằm tôn vinh nghệ nhân, tái hiện sinh động các giai đoạn phát triển nghề truyền thống của Quảng Nam nói riêng và các tỉnh thành khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên nói chung.
Qua đó giới thiệu, quảng bá văn hóa, lịch sử, thành tựu, tiềm năng, thế mạnh của vùng đất và con người Quảng Nam trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội đến với du khách, nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19...
Nhưng lạ lùng, người sống trong các không gian làng nghề có cái nết ăn, nếp nghĩ, nếp sống mang khí chất của những cư dân bôn ba lâu đời với nghề nghiệp của tổ tiên. Với làng đúc đồng Phước Kiều, những người họ Dương - dòng tộc khai căn nghề, mỗi người một suy tư.
Khi ông Dương Ngọc Thắng đắn đo với từng dòng chảy của thị trường hàng lưu niệm, thì ông Dương Ngọc Tiễn mất ăn mất ngủ với tượng đồng doanh nhân, còn ông Dương Ngọc Thuần chắt chiu để lập nên đội cồng chiêng làng đúc.
Dù chỉ vài lần trong các chuyến lưu diễn, rồi tan rã như cái hưng vượng ngày cũ của làng nghề Phước Kiều ở một cuộc sống gấp gáp, thì cái danh của Phước Kiều vẫn cứ theo cách này hay cách khác, đọng sâu trong trí tưởng người Việt yêu quê nhà.
Một tháng vài lần, người ta vẫn sẽ nghe tiếng chiêng đồng rung lên, ở những căn nhà dọc đường Một. Mỗi tháng vài bữa, vẫn có những người làm nghề tạt qua Đền thánh Andre Phú Yên tại Phước Kiều - nơi được coi như khởi đầu của chữ Quốc ngữ, để giữ cho lòng người tròn trịa với thanh âm của làng... Và hẳn, lòng người xứ Quảng sẽ lại rung lên trước những thanh âm của từng tên làng gắn với chỉ dấu của ngành nghề truyền thống.
2. Trong cuộc chuyện trò về di sản văn hóa làng nghề, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Hội An Nguyễn Chí Trung nói, các làng nghề còn đến hôm nay là minh chứng rõ nhất cho sức sống bền bỉ của văn hóa làng.
“Người Việt ở vùng châu thổ Thu Bồn đã tạo lập được hệ giá trị đặc thù trong di sản văn hóa làng Việt ở Quảng Nam. Và chính hệ giá trị văn hóa làng này đã hiển hiện rõ nét trong các làng nghề truyền thống của xứ Quảng. Văn hóa làng còn được bảo tồn để thấy đó là cơ may cho cuộc hồi sinh giá trị truyền thống và khả năng thích ứng của những làng nghề trong các giai đoạn khác nhau” - ông Nguyễn Chí Trung nói.
Những làng nghề đã làm trọn phận sự của nó, trong sứ mệnh gìn giữ dấu ấn cha ông. Và hơn thế, nó định vị trong lòng người khắp nơi về một Quảng Nam với sự đa dạng của văn hóa truyền thống. Đó là làng dệt Mã Châu, làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, làng mộc Kim Bồng, làng đúc đồng Phước Kiều, làng chiếu cói Bàn Thạch...
Những làng nghề với các sắc thái và không gian sống, không gian làm nghề khác nhau, đủ để gợi lên những niềm tự hào riêng có về vùng đất có tuổi đời tròn 550 năm.
Và không gian sống ở các làng nghề xứng đáng có vị trí đường bệ trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể nếu thật sự buộc phải làm một cuộc kiểm kê. Ở không gian đó, có những gắn kết và giá trị riêng biệt về văn hóa cộng đồng không thua kém so với nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã được định danh lâu nay.
“Toàn tỉnh có 61 làng nghề thủ công truyền thống hình thành trên 100 năm và 40 làng nghề hình thành dưới 100 năm. Nghĩa là xứ Quảng đủ sức để gọi tên thành “đất trăm nghề”.
Những làng nghề đi cùng sự hình thành của xứ sở, vừa là kế sinh nhai, vừa là bản sắc văn hóa của đất ấy. Đôi khi, chính những nghề nghiệp cộng với không gian sinh tồn bắt đầu từ hoạt động sản xuất, làm nên bản ngã của con người nơi ấy.
Nguyên chất, gốc rễ tính chất và tâm hồn mỗi con người, được hình thành từ chính không gian sống của mình. Người ta cứ mãi tấm tắc về những cô gái quê lụa Duy Xuyên, có sự nền nã, sự dịu dàng từ chính sinh kế của gia đình mình.
Người ta nói về những người đàn ông làng đúc đồng Phước Kiều, với sự vạm vỡ, cái khẳng khái của người phải xắn hai tay và huy động tổng thể sức lực mới cho ra được những tiếng ngân dài ám ảnh... Rất nhiều so sánh thú vị để gán cho mỗi con người lớn lên từ những quê hương đặc biệt...” - dòng viết cũ về những không gian làng nghề xứ Quảng của tôi năm nào, nay vẫn in như vậy.
Bởi khi đã hình thành và xác lập là dấu ấn văn hóa truyền thống, thì bao nhiêu cơn cớ xảy ra đi nữa, nó vẫn trọn vẹn sứ mệnh ký ức của mình.
3. Nhưng thách thức là điều không thể phủ nhận với sự tồn vong của nghề truyền thống. Làng vẫn còn tên gọi qua bao bể dâu, là điều đáng quý.
Nhiều dự án, chương trình phát triển du lịch di sản văn hóa gắn với làng nghề ở các địa phương cũng như các chương trình tái hiện, phục dựng, trải nghiệm làm nghề,... cũng đã được tổ chức đôi lần ở các làng nghề. Nhưng sau lần khai trương, thì câu chuyện duy trì phát triển du lịch, kinh tế văn hóa ở làng nghề gần như lụi tắt.
Thiếu tính liên kết giữa các làng nghề, cảnh quan làng quê thiếu quy hoạch định hướng, cơ sở hạ tầng dở dang hay thậm chí câu chuyện quảng bá hạn chế,... là những thách thức từ phía làng nghề mà các doanh nghiệp lữ hành nhìn ra.
Trong khi ở phía thị trường, tiêu chí cho sản phẩm thủ công nghiệp truyền thống ngày càng khắt khe hơn để được nhìn nhận... Tất cả những trở lực này, chắc chắn không thể đẩy hết về phía người làm nghề.
Để giữ những tên làng, không chỉ cần sự tự tôn của người làng nghề...