Lựa chọn chủ đề “Di sản văn hóa trong hội nhập và phát triển”, năm nay, Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23.11) tiếp tục nhận diện những thách thức trong bảo tồn di sản trước vòng phát triển ngày một nhanh và phức tạp của những đô thị, vùng đất mới…
Những ngày gần đây, thông tin về các di sản lâu đời của thành phố Venice (Ý) bị chìm sâu bởi triều cường khiến những ai yêu quý vùng đất tuyệt đẹp này đều ít nhiều tiếc nuối. Nhiều người nhìn nhận Venice đang oằn mình đương đầu với thách thức nghiêm trọng, khi các di sản ngàn năm bị đe dọa bởi những du khách thiếu ý thức, hệ lụy quá tải của du lịch đại trà và sự biến đổi khí hậu không ngừng. Và không chỉ với thành phố di sản như Venice, rất nhiều đô thị di sản đang đứng trước nguy cơ bởi sự “ăn mòn” di sản ngày càng mạnh từ câu chuyện phát triển thiếu kiểm soát.
Quy hoạch và phát triển
Đúng 20 năm được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới, Hội An đã có những bước phát triển vượt bậc, với sự thay đổi ngoạn mục của đời sống cộng đồng. Tuy nhiên, những bước đi này đang chững lại bởi sự quá tải cũng như Hội An bắt đầu cảm nhận được hệ lụy từ chính những phát triển thiếu kiểm soát.
Ông Peter Bill Larsen – thành viên UNESCO nhìn nhận, quy hoạch và phát triển không gian xung quanh các khu vực di sản vật thể và thiên nhiên của địa phương là một thách thức lớn đối với các chính quyền. Sự phát triển du lịch với nhiều loại hình sản phẩm và dịch vụ đa dạng đã góp phần cải thiện sinh kế và thu nhập cho người dân.
“Tuy nhiên, các khu dân cư mới hình thành cùng các vấn nạn về môi trường, an ninh… gây không ít vấn đề cho các khu di sản và đô thị. Hình thành các vành đai bảo vệ cũng như các không gian công cộng đô thị là điều cần thiết trong cuộc phát triển. Bên cạnh đó, những khu vực tiếp giáp cùng với khu di sản cần sự kết nối để vừa song hành trong việc bảo tồn các giá trị di sản vừa tạo ra sức sống mới cho những khu vực này. Chưa kể, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ gây không ít áp lực lên những không gian và giá trị truyền thống. Những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thảm họa thiên nhiên khiến cho di sản gặp không ít các vấn đề” – Giáo sư Peter Bill Larsen nói.
Trong một dịp trò chuyện không lâu trước các hội thảo bảo tồn, khá nhiều nhà nghiên cứu văn hóa thế giới nhìn nhận, việc tiếp cận không công bằng với các lợi nhuận kinh tế dẫn đến quản lý di sản đô thị luôn là vấn đề nhạy cảm. Riêng Hội An, trong vòng hơn một thập kỷ, các mối quan hệ về bảo tồn và phát triển đã mang đến một tương lai mới cho đô thị di sản này. Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian này, người ta nhìn thấy những ngôi nhà và cửa hàng giống hệt nhau trên phố. Và chính điều này đang đe dọa giá trị riêng biệt của phố Hội.
Ở các thành phố châu Á, đây cũng chính là điều họ đang gặp phải - chạy theo lợi ích kinh tế và các di sản trong đô thị biến mất. Bảo tồn và phát triển di sản đô thị luôn đi cùng nhau, hai mảng hoạt động phải cân bằng để đảm bảo phát triển bền vững đô thị. Hiện nay, theo thống kê từ UNESCO, có hơn 77% các công trình lớn của đô thị gặp vấn đề về quản lý đối với bảo tồn di sản.
“Áp lực việc tạo ra các điều kiện về nhu cầu kinh tế hiện đại, sự thiếu cân bằng giữa những di sản bị bỏ quên trong quá trình phát triển khiến vai trò của các thành phố thay đổi của các thành phố, cân bằng giữa phát triển xã hội và bảo tồn di sản” – Giáo sư William Logan chia sẻ.
Kinh tế chia sẻ
Từ phía người dân Hội An, việc xung đột lợi ích, thay đổi chủ sở hữu các ngôi nhà cổ gây không ít lo lắng. Chưa kể, một bản quy hoạch từ các vùng đệm phố cổ vẫn chưa thực sự làm thỏa lòng cư dân tại đây.
Ông Trần Đình Thành - Cục phó Cục DSVH, Bộ VH-TT&DL tại cuộc hội thảo về bảo tồn và phát triển bền vững di sản văn hóa Hội An hồi tháng 9, đánh giá sự phát triển kinh tế - xã hội của người dân ở Hội An đang là nguy cơ ảnh hưởng đến di sản. “Trước đây, chúng ta thực hiện rất tôn trọng nhưng hiện bên trong di sản Hội An đã thay đổi, cụ thể là thay đổi chủ sở hữu các công trình, nhà trong phố cổ. Đồng thời người dân ở địa phương khác tới đây kinh doanh” - ông Thành nói.
Theo ông Thành, cơ quan nhà nước cần ban hành những quy định mới để tăng cường sự tham gia của cộng đồng để bảo vệ hiệu quả hai di sản Mỹ Sơn và Hội An. “Sắp tới, sẽ bổ sung quyền của người dân, cộng đồng vào công tác bảo vệ di sản trong những luật có liên quan. Trên thực tế, quy định của Nhà nước đã đề cập vấn đề trên nhưng việc thực hiện còn rất hạn chế. Vấn đề này Chính phủ, Bộ VH-TT&DL sớm thay đổi để cộng đồng tham gia bảo tồn di tích, nhất là trước sự thay đổi chủ sở hữu các công trình cổ ở Hội An” - ông Thành nói.
Năm 1999, khách đến Hội An vào khoảng 100.000 lượt thì trong năm 2018, lượng khách đạt gần 5 triệu lượt. Tăng trưởng du khách đang tạo ra áp lực lớn lên di sản, nhất là ở Hội An. Những con đường ken đặc dòng khách du lịch, các khu phố cổ kín người, thậm chí tại những điểm di tích tham quan như Chùa Cầu đang bị đe dọa vì sự quá tải.
Du lịch tiết kiệm, kinh tế chia sẻ đã tạo ra cơ hội cho nhiều người đi đến nhiều nơi hơn. Nhưng cũng chính đây là nguyên nhân khiến các di sản đứng trước rất nhiều áp lực. Mức thu thuần từ du lịch hiện nay chưa đủ để tái đầu tư vào di sản, hay nói cách khác, du khách vẫn còn đang tận hưởng các di sản một cách miễn phí, nếu họ không sử dụng các dịch vụ lưu trú tại địa phương. Một cán bộ văn hóa lâu năm tại Hội An chia sẻ, nếu chỉ tính tiền vé tham quan hằng năm chi cho công tác tu bổ di tích thì thật sự không thấm vào đâu. Tuy nhiên, không ai phủ nhận đây cũng chính là nguồn thu để di tích Hội An được quan tâm nhiều hơn. Nhưng ở một chiều kích khác, nếu không nhờ vào vùng lõi di sản, thì Hội An khó nào có được sự phát triển vượt bậc như vậy.
KTS. Đặng Khánh Ngọc - Phó Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, chia sẻ, trong phố cổ ngày xưa có bậc cao niên nhưng giờ thì người già, người bản địa ngày càng ít. Di sản ký ức là không thể thiếu những ông già, bà già, những người dân địa phương sống chậm trong không gian, di sản đó. Di sản ký ức cũng là điều đang được quan tâm khi các di sản hiện hữu bắt đầu bị bão hòa dần. Không còn là chuyện bảo tồn hay thả nổi, đã đến lúc phải tính đến cả đường dài để mỗi di sản ký ức dù thuộc số đông cộng đồng hay chỉ hạn định ở một vài cá nhân, cũng cần phải đặt ngang hàng.
Mới đây, nghề gốm Thanh Hà được công nhận là làng nghề truyền thống quốc gia, thì cũng đồng thời mặc nhiên đây sẽ là di sản ký ức, di sản nghề nghiệp truyền thống cần một chiến lược phát huy hẳn hòi. Không giống như Làng tranh Đông Hồ (Hà Nội) đang đau đáu vì thiếu người kế cận, thì Hội An đã nhìn ra câu chuyện về một lớp người sau đi tiếp con đường của tiền nhân. Thế nhưng, hình như ít ai nghĩ đến những cư dân trẻ của Hội An. Liệu họ sẽ làm gì với di sản ký ức, vốn là những nếp sống, nếp sinh hoạt của người Hội An cũ, khi từng ngày một, Hội An đang đón những dòng người mới tìm đến mỗi ngày?
Hẳn di sản của thời hội nhập và phát triển, không chỉ có những bản quy hoạch, đầu tư và phát triển kinh tế bên cạnh việc bảo tồn, trùng tu. Đã đến lúc cần thêm những tiếng nói của cộng đồng cư dân địa phương, kể cả những thế hệ rất trẻ…