Đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung và đa dạng về hình ảnh, đáp ứng nhu cầu xem truyền hình, trở thành kênh của đồng bào vùng cao,... là những mục tiêu hướng đến của Chương trình Phát thanh - truyền hình (PT-TH) tiếng dân tộc thiểu số (DTTS), Đài PT-TH Quảng Nam (QRT).
Đã tròn 10 năm, kể từ khi Chương trình PT-TH tiếng DTTS lần đầu tiên phát sóng trên QRT, thu hút sự quan tâm đặc biệt của đồng bào vùng cao. Không chỉ hình ảnh đẹp, nội dung hấp dẫn, phong phú,... chương trình còn tạo sự kết nối giữa cộng đồng các DTTS trong tỉnh, trở thành “tiếng nói của đồng bào”, như chính cái tên của chương trình.
Tọa đàm “Nâng cao chất lượng truyền hình tiếng dân tộc” vừa được QRT tổ chức. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Kênh của người nhà
Ông Mai Văn Tư - Giám đốc Đài PT-TH Quảng Nam cho biết, chương trình tiếng DTTS được thực hiện nhằm tổng hợp các thông tin thời sự, chính trị - xã hội trong tỉnh chuyển tải đến đồng bào vùng cao. Đồng thời phổ biến kiến thức khoa học - kỹ thuật, tuyên truyền, định hướng và nâng cao nhận thức cho đồng bào, thông qua các vấn đề đời sống kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, y tế - giáo dục... vùng đồng bào DTTS. Bám sát nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể theo từng thời điểm, phản ánh kịp thời các sự kiện nổi bật diễn ra ở vùng đồng bào miền núi... giúp chương trình có được sự phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của đồng bào vùng cao. Ngoài ra, chương trình còn lồng ghép tuyên truyền các chuyên đề về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, an toàn giao thông, nghị quyết của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước. “Để tạo sự thu hút, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của những người làm chương trình, trong đó phải kể đến công tác biên tập và dịch ra tiếng DTTS. Bởi, người biên tập không chỉ dịch đúng với văn bản, mà còn phải dịch sao cho phù hợp với tư duy của đồng bào, tức ngôn ngữ dịch phải trong sáng, dễ hiểu” - ông Tư nói.
Chương trình truyền hình tiếng Cơ Tu của QRT phát sóng vào tối thứ Sáu hàng tuần. |
Tại tọa đàm “Nâng cao chất lượng truyền hình tiếng dân tộc” do QRT tổ chức mới đây, ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho rằng, chương trình cần có thêm nhiều nội dung sâu rộng phản ánh đời sống sinh hoạt, văn hóa - xã hội vùng đồng bào DTTS. Qua đó, giúp đồng bào có cơ hội nắm bắt thêm nhiều thông tin bổ ích, học cách làm giàu bằng các mô hình phát triển kinh tế theo hướng bền vững của mỗi vùng. Trong bối cảnh rất nhiều lựa chọn kênh thông tin khác nhau, việc thu hút đồng bào quan tâm đến “kênh của người nhà” cần có tư duy chiến lược, nhất là việc mở rộng phạm vi vùng phủ sóng, cũng như nâng cao chất lượng cả về nội dung lẫn hình thức, phù hợp với nhu cầu và thói quen của đồng bào.
Thực hiện lời hứa Ông Đinh Mươk - nguyên Trưởng ban Dân tộc tỉnh chia sẻ, hầu hết chương trình tiếng DTTS phát sóng trong thời gian qua đều tạo sự gần gũi, thân thiết giữa phát thanh viên với người xem và rất sâu sắc về nội dung. Là người am hiểu văn hóa vùng cao, ông Đinh Mươk biết rất rõ những khó khăn khi thực hiện chương trình dành riêng cho đồng bào DTTS. Bởi vậy, ông đánh giá rất cao những nỗ lực của QRT khi thực hiện lời hứa với đồng bào, cho ra mắt lần lượt các chương trình bằng tiếng Cơ Tu và Ca Dong. Trong đó, sự ra đời chương trình truyền hình tiếng Ca Dong, theo ông Mươk là “một nỗ lực rất lớn, tạo cơ hội để đồng bào cùng nhau phát triển, tự hào bản sắc - đầu tiên là giữ gìn tiếng mẹ đẻ của dân tộc mình trước nguy cơ mai một”. |
Miền núi Quảng Nam có đến 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, nhưng cho đến thời điểm hiện tại mới chỉ hình thành được 2 chương trình PT-TH bằng tiếng Cơ Tu và Ca Dong. Dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với nỗ lực vượt khó vì mục tiêu phát triển miền núi, chương trình đã nhận được sự chia sẻ, động viên từ chính cộng đồng DTTS, tạo động lực để hướng đến những chương trình đa dạng hơn, hội tụ đầy màu sắc của núi rừng.
Mục tiêu phát triển miền núi
Không thể phủ nhận lợi ích mang lại từ các chương trình PT-TH tiếng DTTS đối với đời sống sinh hoạt của đồng bào vùng cao trong những năm gần đây. Sự đa dạng, phong phú trong cách thể hiện, cùng với chất lượng về hình ảnh và nội dung, đã tạo được sức hút. Với đồng bào vùng cao, “Tiếng nói của đồng bào” luôn là lựa chọn hàng đầu trong ngày có phát sóng chương trình. Tối thứ Sáu hằng tuần, vợ chồng ông Bh’ling Hiêr (ở thôn Arớt, xã A Nông, Tây Giang) luôn dành thời gian theo dõi chương trình PT-TH tiếng DTTS của QRT. Dù thời lượng chương trình phát sóng chỉ hơn 30 phút nhưng ông Hiêr cho hay, chừng đó cũng đủ để vợ chồng ông nắm bắt thông tin, sự kiện của tỉnh trong tuần, nhất là của khu vực vùng cao; học hỏi nhiều kinh nghiệm cuộc sống, kiến thức về chăn nuôi gia súc, phát triển kinh tế gia đình. Bởi vậy, khi chương trình nông thôn mới được triển khai thí điểm tại xã A Nông, vận dụng kiến thức từ chương trình, ông Hiêr đã mạnh dạn vay vốn đầu tư mô hình chăn nuôi gia súc tập trung và đã thành công, đang được nhân rộng trên địa bàn.
Được thành lập từ tháng 7.2004, Phòng Biên tập Chương trình PT-TH tiếng DTTS của QRT ban đầu chỉ sản xuất, phát sóng mỗi tháng một số. Từ năm 2005, sau khi tuyển dụng biên dịch viên và phát thanh viên tiếng Cơ Tu, chương trình nâng lên 2 số/tháng, rồi mỗi tuần một số vào ngày thứ Sáu (chương trình truyền hình phát sóng lúc 20 giờ 30; chương trình phát thanh lúc 5 giờ 45). Hằng năm, Phòng Biên tập Chương trình PT-TH tiếng DTTS sản xuất và phát sóng hơn 100 chương trình PT-TH bằng tiếng Cơ Tu (hơn 50 chương trình phát thanh, hơn 50 chương trình truyền hình); phối hợp với Trung tâm Giáo dục và truyền thông sức khỏe tỉnh sản xuất 26 chuyên mục “Sức khỏe cho mọi người” bằng tiếng Cơ Tu; hàng tháng sản xuất một chương trình văn hóa - văn nghệ và chuyên đề bằng tiếng Cơ Tu để cộng tác phát sóng trên kênh VTV5 - kênh Truyền hình tiếng Dân tộc, Đài Truyền hình Việt Nam. |
Cùng với sự thành công của chương trình tiếng Cơ Tu, đầu năm 2015, QRT ra mắt chương trình truyền hình tiếng Ca Dong, phát sóng mỗi tháng một số (vào lúc 20 giờ 30 thứ Bảy của tuần thứ 2), nhằm từng bước đa dạng hóa truyền hình địa phương bằng tiếng đồng bào DTTS. Theo bà Huỳnh Thị Thùy Dung - Phó Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My, với cách tuyên truyền mộc mạc, giản dị và gần gũi, chương trình đã góp phần đem lại hiệu ứng tích cực, tạo sự chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để ngày càng hoàn thiện, tạo được dấu ấn và trở thành “thương hiệu” trong cộng đồng DTTS, QRT cần tập trung nghiên cứu chuyên sâu, phủ sóng rộng rãi, xây dựng mạng lưới cộng tác viên cơ sở. Dù mới được ra mắt nhưng bà Dung tin tưởng chương trình truyền hình tiếng Ca Dong sẽ là cầu nối kịp thời truyền đạt những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào; tạo đòn bẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, góp phần làm động lực phát triển miền núi gắn với công tác bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống. Thông qua chương trình, đồng bào ở các địa phương có thể học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, áp dụng những mô hình kinh tế phù hợp để cùng phát triển.
Lãnh đạo QRT cho hay, trong tương lai không xa, chương trình sẽ tiếp tục được đổi mới, xây dựng và nâng cao chất lượng, đáp ứng với nhu cầu xem truyền hình của đồng bào. Hướng đến hình thành “lớp học trực tuyến” - giảng dạy tiếng nói, chữ viết của đồng bào các DTTS trên chuyên mục PT-TH tiếng DTTS, nhằm giúp cộng đồng và con em đồng bào miền núi có cơ hội học tập, rèn luyện, nâng cao chữ viết và tiếng nói của đồng bào dân tộc mình.
ALĂNG NGƯỚC