Những tiểu phẩm phản ánh chân thực vấn nạn tảo hôn ở vùng cao của tỉnh đã được trẻ em Nam Giang chuyển tải trong một buổi sinh hoạt câu lạc bộ thường kỳ tại trường. Đó là tiếng nói của trẻ em vùng cao, với ước mơ được học hành, được vui chơi và phát triển lành mạnh.
Tiểu phẩm của học sinh Cà Dy - Ta Bhing nói về vấn nạn tảo hôn trong đời sống vùng cao. Ảnh: D.L |
Chuyện đời đi vào tiểu phẩm
Câu chuyện về bé gái người đồng bào vùng cao, 14 tuổi đã bị cha mẹ buộc nghỉ học, ở nhà lấy chồng. Nguyên do là nhà quá nghèo, không đủ gạo nuôi các em nên cha mẹ gả chồng sớm để đỡ miệng ăn. Dù cô bé khóc lóc, van xin được tiếp tục đến trường nhưng cha mẹ vẫn không thay đổi quyết định. Nhưng cô bé không biết đi đâu giữa núi rừng điệp trùng, đành đến nhà cô giáo để cầu cứu. Cô giáo cùng cán bộ dân số của xã đã đến giải thích với cha mẹ cô bé rằng ép con cưới chồng khi chưa đủ tuổi là vi phạm pháp luật, là hủ tục lạc hậu cần được loại bỏ. Qua đó cha mẹ cô bé hiểu được vấn đề và đón con trở về, không còn ép lấy chồng như trước. Tiểu phẩm trên được nhóm học sinh đến từ Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS liên xã Cà Dy - Ta Bhing (Nam Giang) thể hiện trong buổi sinh hoạt câu lạc bộ trẻ em của trường. Các em đã chuyển tải một thực trạng đáng buồn đang diễn ra trong cuộc sống của một bộ phận người đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng núi cao của tỉnh. Nhiều em gái chưa đến tuổi thành niên đã bị cha mẹ ép gả cưới. Cuộc đời các em lại rơi vào vòng luẩn quẩn đói nghèo vì không được học hành, không có nghề nghiệp... Vấn nạn tảo hôn không chỉ để lại nỗi đau, tổn thương cho chính các em mà kéo theo nhiều hệ lụy khác.
Ka Phu Thị Lành (lớp 9) đóng vai nhân vật cô bé 14 tuổi trong tiểu phẩm, tâm sự: “Từ khi tham gia câu lạc bộ ở trường, em đã hiểu thế nào là tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Em cũng hiểu thêm về quy định bảo vệ trẻ em, những điều nên và không nên làm theo quy định pháp luật. Từ đó em về có thể trao đổi với cha mẹ và bạn bè cùng trang lứa, để biết thêm nhiều kiến thức pháp luật liên quan. Ở vùng cao, nhiều bạn bằng tuổi em không đi học đã lấy chồng rồi, cuộc sống khổ lắm”.
Nâng cao nhận thức
Từ khi được Tổ chức Tầm nhìn thế giới hỗ trợ thành lập câu lạc bộ trẻ em trong trường học, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS liên xã Cà Dy - Ta Bhing đều đặn tổ chức sinh hoạt ngoại khóa hàng tháng. Mục đích của các hoạt động nhằm cải thiện năng lực bảo vệ bản thân và bạn bè của trẻ em khỏi bị bóc lột, xâm hại và tai nạn thương tích. Bà Vương Thị Ánh - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Từ khi có câu lạc bộ, buổi sinh hoạt ngoại khóa ở trường luôn trở thành sân chơi bổ ích, trang bị nhiều kiến thức thiết thực với cuộc sống của các em, nhất là học sinh nữ. Thành viên nòng cốt trong câu lạc bộ trở thành tuyên truyền viên tích cực, chuyển tải đến học sinh toàn trường cũng như phụ huynh hiểu cách bảo vệ trẻ em, cách chăm sóc sức khỏe vị thành niên, giáo dục giới tính, loại trừ hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn, dạy trẻ biết cách phòng chống tai nạn thương tích, trau dồi kỹ năng sống cho trẻ”.
Tham gia câu lạc bộ ở trường, em Đinh Tấn Đức (lớp 8) nói rằng bản thân tự tin hơn trong giao tiếp khi được giáo dục kỹ năng sống. Đức nói: “Em tham gia học võ thuật nên khỏe hơn, đồng thời được học kỹ năng bơi lội, chống đuối nước. Thông qua hoạt động, sinh hoạt tại câu lạc bộ, em và các bạn được trang bị nhiều kiến thức bổ ích để tự bảo vệ bản thân. Ngoài ra, em cũng tự tin hơn trong giao tiếp khi được giao lưu, học hỏi trong các chương trình của nhà trường và huyện tổ chức”. Từ các buổi sinh hoạt của câu lạc bộ, học sinh của trường đã biết bảo vệ bản thân và bạn bè, nói lên tiếng nói của trẻ đối với gia đình, nhà trường và cộng đồng qua những buổi đối thoại trực tiếp, lắng nghe ý kiến của trẻ em. Nhà trường cũng tổ chức sân chơi bổ ích cho trẻ như ngày hè có chương trình hè an toàn cho trẻ, tết có ngày tết quê em đậm nét truyền thống. Qua việc sinh hoạt định kỳ của câu lạc bộ trước toàn trường, nhiều học sinh khác ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS liên xã Cà Dy - Ta Bhing được nghe tuyên truyền về giới tính, về sự phát triển tự nhiên của cơ thể, nhận thức đúng về tình bạn và tình yêu lứa tuổi học trò... Và hơn hết, giờ ngoại khóa đã trở nên ý nghĩa với bài học góp phần thay đổi cuộc sống của các em.
DIỄM LỆ