Tiếng quê

NGUYỄN HẢI TRIỀU 07/11/2015 09:19

Một lần về thăm quê. Buổi chiều yên ắng. Bạn tôi không ngớt lời khen quê nhà bây giờ đã khác đi nhiều lắm, bộ mặt nông thôn ngày một đổi mới, đẹp giàu… Mừng vui, đồng cảm với bạn nhưng trong tôi vẫn lây lất chút bâng khuâng về một thời quá vãng. Thiển nghĩ của tôi, quê kiểng thì muôn đời vẫn vậy thôi. Vẫn cứ bàng bạc như mây chiều, vẫn đau đáu nỗi nhớ quắt quay của người đi xa, và…vẫn in đậm những hồi ức không quên của tình yêu xứ sở. Có phải tôi quá cực đoan, quá hoài cổ hay không với niềm suy tư của mình khi tốc độ đô thị hóa đang mỗi ngày làm thay đổi diện mạo xóm thôn. Rồi để mặc bạn bè với những niềm vui mới, tôi một mình lan man về cõi nhớ xa vời với âm thanh của những “tiếng quê”…

Góc quê.  Ảnh: VŨ CÔNG ĐIỀN
Góc quê. Ảnh: VŨ CÔNG ĐIỀN

Rưng rức âm thanh quê đầu tiên trong tôi là tiếng ru làng. Gọi là tiếng ru làng vì ngày ấy làng tôi chẳng lúc nào vắng câu à ơi ru trẻ mỗi sáng chiều. Buổi tối dưới ánh đèn tù mù của những ngôi nhà tranh vách phên, tiếng ru à ơi văng vẳng trong gió nghe nao nao, tha thiết đến mát ruột mát gan đưa trẻ thơ vào giấc ngủ yên bình: “À ơi! Lụt nguồn trôi trái loòng boong/ Cha thác mẹ còn chịu chữ mồ côi/ Mồ côi ba hàng mồ côi/ mồ côi có kẻ trâu đôi nhà rường…”; Rồi: “À ơi! Giả đò mang giỏ hái dâu/ Ghé vô thăm bạn cũ nhức đầu khá chưa/ Chưa khá, ta băng đồng chi sá/ Bẻ một nồi lá vô xông/ Phải chi nên điệu vợ chồng/ Đổ mồ hôi ra ta chặm, ngọn gió lồng ta che…”. Tuổi thơ tôi được sống trong đầy ắp những lời ru, từ lời ru của nội, của cô, rồi mẹ tôi nữa. Họ ru tôi, ru những đứa em, tôi nghe đi nghe lại và chẳng biết tự khi nào đã thuộc làu làu những lời ru ấy như chất dinh dưỡng làm nên thân xác, tâm hồn tôi vậy. Ôi, tiếng ru làng xa xưa mang mang cồn bãi, dặt dìu trong gió sớm, nắng chiều, sương sa những đêm đầy sao trời quê kiểng.

Tiếng quê làm hành trang đi cùng trời cuối đất đời tôi còn có âm thanh của bờ xe gió “răng rắc, răng rắc” đêm thâu. Bờ xe gió làng tôi có đến mười hai bánh, đặt ở bến sông cuối làng. Bờ xe đem nước đổ về con mương dọc làng chảy ra đồng nuôi những mùa lúa tốt tươi. Bờ xe cho lũ trẻ chúng tôi những trưa hè được thỏa thuê nghịch nước; đu người leo lên tận máng xối rồi phi thân xuống dòng nước trong xanh để tận hưởng cảm giác phiêu lưu của tuổi mới lớn. Cho đến cái ngày tôi như mây ngàn phương, âm thanh bờ xe gió trong đêm thâu tĩnh mịch cứ luôn trắc ẩn trong tôi trên từng bước đường xa mỗi khi nghĩ về cố xứ.

Rồi đâu còn tiếng nghé ọ chiều đông mốc thếch làn da, se sắt đến nao lòng? Những buổi mưa phùn lạnh đến cóng người; hơ bàn tay khô gầy trên đống lửa giữa đồng làng được hun lên bằng rơm rạ, phân trâu, phân bò khô… nghe âm ấm; thơm lừng mùi ốc bươu, cua đồng, cá rô nướng. Tiếng gọi nghé buổi chiều tàn quê kiểng ấy còn vọng cả trong giấc chiêm bao.

Rồi đâu âm thanh tiếng gọi mùa lên những bữa dắt trâu theo cha ra đồng cày ải đất. Lục cục tiếng va chạm của cày, bừa; tiếng mở cổng chuồng giong trâu nghe keng kéc, tiếng gọi nhau í ới của lũ bạn cùng xóm. Âm thanh ấy vang lên trong giờ khắc tàn đêm khi bình minh chưa lộ sao cứ lẩn khuất trong ngóc ngách tâm hồn cho mãi đến bây giờ…

Quê tôi mấy chục năm trước đây còn nghèo lắm. Phần lớn nhà cửa đều mái tranh mái rạ, vách phên tre nứa gió lùa. Vườn tược được ngăn bởi những hàng chè tàu, lá nã, vạn linh, duối, nổ…của cải nghèo khó, cửa nhà đơn sơ, cuộc sống kham khổ nhưng tình quê, tình người thì đong đầy, lai láng. Tôi nhớ hoài, những buổi cha con tôi kiếm được mấy con cá đồng, mấy con lươn lơn lớn, mẹ làm bữa mì cá, bữa cháo lươn bồi dưỡng cả nhà. Mẹ sai tôi bưng qua các nhà hàng xóm mỗi nhà một bát “ăn lấy thảo”. Rồi mỗi lần tết đến, không khí náo nức, vui tươi, khi nhà này gói bánh, giết heo thì cả xóm kéo đến để chung cùng, phụ giúp; hết nhà này đến nhà khác. Bây giờ nhớ lại, những bát mì, tô cháo, những lần tết ngày xưa nghe ấm áp vô cùng.

Và… tôi cũng chẳng thể nào quên tiếng la: “huớ làng!”. Trong khoảng không gian tĩnh lặng quê mùa đang những ngày tháng yên ả, bỗng nhiên một đêm người ta nghe tiếng “huớ làng…” đâu đó thì cả xóm, cả làng đều hướng mắt, hướng lòng và sẵn sàng lao đến nơi để chia sẻ, gánh vác cùng xóm giềng những mất mát, bất hạnh.

Làng tôi nằm ven sông, mỗi mùa lụt, khi nước tràn lên đồng, làng tôi chơ vơ giữa biển nước mênh mông đầy gió sóng. Tôi còn nhớ năm ấy khi tôi khoảng sáu, bảy tuổi. Nước lụt tràn vào nhà lúc nửa đêm. Anh em tôi được ông nội cõng lên gác; cha tôi đang chuyển đồ đạc lên cao để tránh lũ thì nghe tiếng la thảng thốt từ phía xóm lẻ ngoài bến sông: “Huớ làng! Cứu, cứu! Bà con ơi!...”. Ông nội dặn mẹ tôi: “Con Hai lo giữ mấy đứa nhỏ, thằng Bốn chống ghe đi với cha ra cứu vợ chồng chú Sách!”. Rồi ông nội cùng cha nhảy lên chiếc ghe nan của nhà tròng trành sóng nước chống sào lao vào bóng đêm theo hướng nơi đang vang lên tiếng huớ làng… Lần ấy, ông nội và cha tôi cùng làng xóm đã kịp thời đến cứu được gia đình chú Sách và đưa họ đến nơi an toàn.

Một lần nghe tiếng “huớ làng!” của chị Phồn vợ anh Tấn ở xóm dưới. Mọi người trong xóm chạy đến cấp cứu cho anh Tấn bị trúng phong hàn. Người lo đốt lửa ủ ấm, người chạy đi bứt lá thuốc, kẻ an ủi người nhà giữ bình tĩnh… lũ trẻ chúng tôi chẳng biết làm gì cũng lăng xăng ra sau hè ôm rơm cho người lớn un lửa dưới gầm giường để anh Tấn mau tỉnh lại. Ôi cái không khí ấy sao đậm đà tình nghĩa xóm giềng biết dường nào!

Xưa, trong chiến tranh, làng tôi là vùng giáp ranh nên bom đạn liên miên. Cứ vài ba ngày lại nghe tiếng “huớ làng!” đâu đó, có thể nhà cháy, người chết, bị thương; có thể sụp hầm, cây đổ… ấy vậy mà khi nghe tiếng “huớ làng” thì tất cả người già trẻ gái trai đều bất chấp bom đạn, bất chấp sự nguy hiểm đến tính mạng mình, họ đều chạy đến nơi để cứu người, để chia sẻ khó khăn, mất mát của xóm giềng. Rồi, vợ chồng cãi vã xô xát, “huớ làng”; mất trộm, nhà cháy, “huớ làng”;…. đều có mặt xóm giềng để cứu chữa, khuyên giải, can thiệp. Tình làng nghĩa xóm luôn là mối liên kết keo sơn.

Làng tôi bây giờ không còn như xưa nữa, đã đổi khác lắm rồi. Đời sống kinh tế khá giả, nhà cửa khang trang, đường sá thông thoáng được đổ bê tông thẳng tắp khắp làng trên xóm dưới, cỏ cũng không còn nơi để mọc. Vườn tược đã vắng những hàng tre; bờ giậu chè tàu, lá nã được thay bằng những hàng rào tường gạch, lưới sắt kiên cố. Nhà ai cũng kín cổng cao tường, tối về đóng ngõ khóa kín như thành phố. Tiếng quê đã chìm khuất từ lâu vào sự lãng quên. Nếu ai đó kể lại thì lớp trẻ bây giờ đều trố mắt lên, xem như chuyện lạ đời!

Tôi xa xứ lâu rồi. Mỗi lần về thăm quê, chỉ còn lại sự hoài niệm quắt quay thời thơ ấu, quắt quay âm vọng những tiếng quê!

NGUYỄN HẢI TRIỀU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiếng quê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO