Nước ta có nhiều thế kỷ quan hệ với Tàu, với Tây, vậy mà dân ta không nhiều người nói được tiếng Tàu, đến nỗi khách du lịch Trung Quốc “tràn sang như… quân Nguyên” mà không có người thông dịch cho đàng hoàng. Còn tiếng Tây (chỉ tiếng Pháp) đọc thông viết thạo thì chắc phần lớn chỉ có những du học sinh từ Pháp, Bỉ về. Các cụ ngày xưa “nói tiếng Tây như bắp rang” hầu hết đã quy tiên. Người học xứ ta ngày nay chỉ ưu tiên tiếng Anh. Các khoa Pháp ngữ ở các trường đại học đều ở trong thế tiến thoái lưỡng nan, hoặc phải giải thể hoặc chỉ đào tạo để… được nhận viện trợ từ chính phủ Pháp, bởi Việt Nam cũng là một thành viên trong cộng đồng Pháp ngữ mặc dù chỉ có khoảng 0,5% dân số “có biết tiếng Pháp”.
Chú thích tiếng Anh gây cười trên tấm bia di chỉ cây gạo cổ thụ ở Hải Phòng. Nguồn: Internet |
Tiếng Anh thực dụng hơn ư? Điều đó không ai cãi. Nhưng nếu tính từ năm 1954, hoặc thực tế hơn là từ 1975, hoặc gần hơn nữa là sau 20 năm từ khi gia nhập WTO đến nay (7.11.2006), trình độ tiếng Anh của chúng ta vẫn tiến triển rất chậm dù rằng việc giảng dạy đã được tổ chức rầm rộ dưới nhiều hình thức và quy mô khác nhau. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2016 có tới 91% thí sinh đạt điểm dưới trung bình về môn tiếng Anh, trong đó hầu hết chỉ được 2 - 4 điểm. Mặt khác, người Việt “biết tiếng Anh” chủ yếu trên… “mặt chữ”, nghĩa là biết đọc và viết nhiều hơn là nghe và nói. Một lần có mấy vị khách “Tây ba lô” đi tắm biển ở quê tôi bị lạc đường, công an phải cạy cục một thầy giáo dạy tiếng Anh nổi tiếng ở trường cấp 3 đến làm thông dịch giúp, nhưng dường như hai bên vẫn… ai nói nấy nghe, các “ông Tây” vẫn cứ xòe hai bàn tay… ngơ ngác. Gần đây, một diễn viên xinh đẹp đi Hàn Quốc nhận giải thưởng, tỏ ra khá tự tin khi lên bục phát biểu bằng tiếng Anh, các fan hâm mộ cũng… nín thở tự hào. Nhưng hình như cô nàng quên mất bài phát biểu đã chuẩn bị ở nhà nên chỉ lắp bắp được mấy câu đầy lỗi ngữ âm rồi… cười miết. Dù sao, cô vừa đẹp vừa hiền lành lại đóng phim giỏi nên những người khó tính cũng sẵn lòng bỏ qua (!).
Tình trạng “hay chữ” nhưng yếu về giao tiếp khi sử dụng ngôn ngữ nước ngoài của người Việt vốn đã trầm trọng từ thời phong kiến. Trong nền nho học ngày xưa, các cụ nhà ta học chữ Hán không thua gì người Tàu, có khi còn nổi trội hơn họ ở một số thơ văn, đối đáp. “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán/ Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường” (vua Tự Đức). Vua quan triều đình phương bắc đã nhiều phen xanh mặt trước những câu ứng tác, ứng đối tài tình của các sứ thần, danh sĩ nước ta như Mạc Đĩnh Chi (1272 – 1346), Nguyễn Đăng Cảo (1619 - ?), Đoàn Thị Điểm (1705 - 1748), Nguyễn Quỳnh (Cống Quỳnh 1677 - 1748)… Đáng khâm phục nhất là câu chuyện về Thám hoa Giang Văn Minh (1573 - 1638) khi đi sứ sang nhà Minh. Trước vế đối đầy ngạo mạn của Chu Do Kiểm: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” (Trụ đồng đến nay rêu vẫn còn xanh), ông đã khẳng khái đáp ngay: “Bạch Đằng tự cổ huyết do hồng” (Sông Bạch Đằng từ xưa máu vẫn còn nhuộm đỏ). Do Kiểm đem chuyện Mã Viện xây trụ đồng thời Hai Bà Trưng với lời nguyền độc địa “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (Trụ đồng gãy, người Giao Chỉ diệt vong). Sứ thần Giang Văn Minh đã dội một gáo nước lạnh vào mặt họ bằng cách nhắc lại nỗi ô nhục trên sông Bạch Đằng của các triều đại phương Bắc. Giỏi chữ Hán như thế nhưng người Đại Việt không mấy người nói lưu loát tiếng Hán, cho nên trong các cuộc hội đàm chính thức của các sứ bộ Việt - Trung ngày xưa thường phải dùng phương thức “bút đàm” nhằm đảm bảo tính chính xác và khả năng lưu trữ, mặc dù trong đoàn sứ bộ vẫn có người làm thông dịch nhưng chỉ dùng trong những cuộc trao đổi thông thường.
Tính từ thời Triệu Đà đến cuối nhà Nguyễn, người Việt đã có hơn 2.000 năm dùng chữ Hán làm văn tự chính thức nhưng vẫn không bị đồng hóa về ngôn ngữ là nhờ cha ông ta đã có một cách học rất thông minh là đọc chữ Hán theo âm Việt, mà ta thường gọi là chữ Hán - Việt hay chữ Nho. Đó là một tài sản ngôn ngữ riêng của người Việt. Nhưng cũng từ đó mà cùng một bản Hán văn nhưng đọc theo cách của chúng ta thì người Hán chính hiệu cũng chả hiểu gì. Có lần gặp một anh bạn người Hoa từ Phòng Thành sang chơi ở Hải Phòng, tôi đọc bài thơ Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế theo âm Hán - Việt thì anh ta tỏ vẻ không hiểu. Nhưng khi tôi đọc lại bằng tiếng Quảng Đông (nhờ học lóm được của nhà thơ Hồ Dzếnh) thì anh ta vỗ tay khen “chính xác, chính xác!”.
Việc học tiếng Tây sau này cũng xảy ra tình trạng tương tự. Thời học phổ thông, từ lớp 6 bọn tôi được học mỗi tuần 6 tiết “sinh ngữ 1” (Pháp hoặc Anh). Lên lớp 10 lại được học thêm mỗi tuần 3 tiết “sinh ngữ 2” (Anh hoặc Pháp). Ai “leo” được lên đại học còn phải nghiên cứu nhiều tài liệu nước ngoài chưa được dịch sang tiếng Việt. Vậy mà cho đến nay, mặc dù có người đã thành phó giáo sư, tiến sĩ, nhà văn, nhà báo nổi tiếng nhưng không mấy người nói sõi tiếng Pháp, tiếng Anh. Trình độ ngoại ngữ của bọn tôi vẫn dậm chân ở mức… “tiếng bồi”, ghép tiếng thành câu theo phép… toán cộng, kiểu như “Léo léo mẹ dồng - lô” (L’élève maison l’eau - Học trò nhà + nước) hoặc “Nô xì - ta hoe”(No star where – Không + sao + đâu)!
Có người bảo, so với nhiều dân tộc khác, người Việt có vùng định vị ngoại ngữ trên não bộ mờ nhạt hơn. Nhận định này có khi chỉ là võ đoán. Sự thật có lẽ nằm ở chỗ cách học tiếng nước ngoài của chúng ta xưa nay đi theo một… quy trình ngược. Chúng ta thường học đọc - viết - nói - nghe trong khi đúng ra phải là nghe - nói - viết - đọc thì mới có hiệu quả bền vững. Hy vọng với những đổi mới về phương pháp và phương tiện dạy học hiện nay của ngành giáo dục, người Việt sẽ sớm đuổi kịp trình độ ngoại ngữ của các nước đang phát triển, ít ra là đối với tiếng Anh trong khu vực Đông Nam Á.
PHAN VĂN MINH