Tiếng thở dài ở Trà Bui

Phóng sự: TRẦN HỮU PHÚC 07/09/2013 09:02

Vì nguồn điện tương lai cho Tổ quốc, hàng trăm người dân Trà Bui (Bắc Trà My) phải rời làng, nhà cửa đến định cư ở nơi cách xa làng hàng chục ki lô mét. Làng mới bây giờ đã định hình, đường ô tô chạy thẳng lên tận rừng sâu. Hơn 5 năm qua, dân tái định cư (TĐC) sống riết rồi quen với cảnh dở khóc dở cười của hệ lụy thủy điện.

Trước ngày diễn tập động đất, men theo con đường ngoằn ngoèo trên lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2, tôi về Trà Bui. Mưa giăng giăng trắng toát  các nóc nhà ẩn hiện trên các sườn đồi chênh vênh. Núi gối lên núi, nhà nối nhà san sát như… phố thị. Nằm lưng chừng mỗi khoảnh rừng xanh thẳm là các làng TĐC. Có làng bị kẹp giữa núi nhìn giống thung lũng sâu. Dường như khi “đẩy” dân trong vùng bị ảnh hưởng dự án thủy điện, người ta nghĩ rằng những cánh rừng phòng hộ sẽ chở che cho họ! Gặp nhà báo, cán bộ xã niềm nở tiếp chuyện, tình nguyện đưa lên chứng kiến cảnh nhà cửa bỏ hoang, công trình phụ trần ai trong mưa nắng, lắng nghe những lời than thở về cuộc tìm kiếm sinh kế nhọc nhằn của người dân...  

Nhà tái định cư xây dựng kiên cố ở Trà Bui.Ảnh: H.PHÚC
Nhà tái định cư xây dựng kiên cố ở Trà Bui.Ảnh: H.PHÚC

Bỏ làng

Lương Xuân Viên - cán bộ Văn phòng UBND xã Trà Bui vui vẻ dẫn tôi lên các làng TĐC thuộc thôn 5 và 6 (xã Trà Bui) – nơi mà theo anh là “đau đớn” nhất. Từ trụ sở UBND xã, theo con đường lởm chởm đá, dốc dựng đứng chừng vài cây số là vào thôn 5. Làng có hơn 70 ngôi nhà tường xây kiên cố, kèm theo đó là hàng chục ngôi nhà sàn phụ mái lợp tôn hoặc tranh sát bên được đồng bào Ca Dong dựng lên. Trước khi đến đây TĐC, người dân được chủ đầu tư dự án thủy điện xây mỗi ngôi nhà ở kiên cố với giá trị từ 90 - 110 triệu đồng. Thế nhưng, những “ngôi nhà Nhà nước” (theo cách nói của đồng bào) suốt ngày đóng cửa im lìm, nhiều nhà làm nơi chứa dụng cụ sản xuất, bồ thóc, thực phẩm, thậm chí biến thành chuồng trâu, còn nhà sàn phụ mới là chỗ ở chính của người dân. Bà Hồ Thị Xuân (thôn 5) kể: “Mình theo gia đình lên đây không nhớ rõ vào năm nào, nhưng cũng hơn 6 mùa rẫy rồi. Cả nhà không ai thích ở nhà xây vì ngột ngạt lắm. Gần đây, nghe cán bộ chỉ dẫn nếu có động đất phải chạy ra khỏi nhà đề phòng tường sụp đổ, nên ở nhà sàn an toàn hơn”.

Người dân ở Trà Bui bây giờ không thích sống trong những ngôi nhà xây khang trang vì sợ động đất.
Người dân ở Trà Bui bây giờ không thích sống trong những ngôi nhà xây khang trang vì sợ động đất.

Người dân cho biết, từ ngày xảy ra động đất ở Bắc Trà My, nhiều người dân gần như “xa lánh” nhà xây. Thêm nữa, nhà xây xuống cấp nhanh, cửa kính bể nát, lấy tay gõ vào mảng tường, cát rơi lả tả lộ cả màu gạch đỏ chói. Ngay cả nhà văn hóa thôn 5 xây rồi bỏ đó, chưa một ngày dân vào sinh hoạt. Hầu hết công trình vệ sinh trong các ngôi nhà xây TĐC bỏ hoang. Hỏi vì sao không sử dụng công trình phụ để giữ vệ sinh, bà con lắc đầu bảo rằng công trình nước sinh hoạt đã đầu tư tại làng nhưng không đưa vào vận hành. Muốn có nước, bà con phải tạm thời bắc ống từ con suối Ý trên đỉnh núi cao dẫn về, nhưng nước rất hạn chế. Trong cơn mưa chiều xám xịt, bà Xuân hối thúc thằng con và mấy đứa cháu trần truồng tranh thủ ra tắm nước trời ngay sát công trình nước sinh hoạt của thôn đã ngừng hoạt động nhiều năm.

Tôi leo lên dãy nhà bố trí cao nhất ở thôn 5. Ngước mắt lên là điệp trùng rừng cây cổ thụ, thấy rõ mồn một nhiều vạt rừng cây đổ ngả nghiêng vừa bị đốt cháy đen; thi thoảng nghe tiếng cưa gỗ phát rè rè trong rừng. Nhìn xuống làng, nhà cửa sắp xếp thứ tự như ruộng bậc thang. Đi trong làng nhìn thấy nhà nào cũng chất đầy gỗ, vài ba xưởng mộc mọc lên. Ở Trà Bui, tôi nghe người dân kể rằng, cách đây vài năm, một thanh niên của làng trước khi vào tù do phạm tội phá rừng còn “năn nỉ” cán bộ cho vợ con vào ở chung, vì theo anh nếu ở nhà họ sẽ… chết đói!  Một chuyện bi hài khác xảy ra vào năm 2011, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh đề nghị xử lý 12 hộ ở Trà Bui phá rừng, thì các thôn, thậm chí có cả cán bộ xã kéo lên phản ứng dữ dội, vì thời điểm này nếu xử lý nghiêm thì phần lớn người dân ở đây đều là “lâm tặc”. Còn bây chừ ra sao? Nhiều thanh niên bảo, biết phá rừng là phạm tội, nhưng dân không còn lựa chọn nào khác. Tiền đền bù mua sắm hết, tiền tiết kiệm gửi ngân hàng cũng rút sạch, không đất sản xuất nên phải đổi gỗ lấy miếng ăn. Phó Chủ tịch UBND xã Trà Bui – ông Nguyễn Dương Thi ngồi đếm, 12 hộ TĐC đành bỏ hoang nhà, di chuyển về nơi ở cũ để sản xuất. Chính quyền liên tục tuyên truyền, truy quét song tình trạng khai thác gỗ trái phép vẫn nóng.

Khan hiếm đất sản xuất

Vì dòng điện, “những đứa con của rừng” phải chấp nhận rời làng, định cư ở nơi mới với một tương lai không mấy sáng sủa. Thời gian qua, tỉnh đã chấp nhận thu hẹp rừng để mở rộng diện tích đất sản xuất cho dân. Với nông dân, đất là sự sinh tử. Không đất canh tác là đồng nghĩa với đói, là nghèo vĩnh viễn. Song, thực tế giải quyết câu chuyện về đất sản xuất cho đồng bào Trà Bui không đơn giản như phép tính cộng-trừ-nhân-chia, là phương án này, phương án nọ mà người ta đã đưa ra. Từ ngày lên TĐC, để chống chọi tư tưởng không quay về làng cũ, hộ ông Hồ Văn Phong (thôn 5) phải xoay xở mượn đất của người dân sở tại sinh sống lâu năm tại đây. Năm 2012, ông Phong mượn đất của ông Nguyễn Thế Vinh, đến năm nay lại mượn tiếp gần 1ha đất của ông Nguyễn Xuân Niên (thôn 4). Đôi mắt buồn rười rượi, giọng ông Phong chùng xuống: “Đất Nhà nước cấp ít ỏi, không trồng cây được, tao phải thuê, mượn lại của dân bản địa. Nhưng khi địa phương triển khai đo đạc, chuẩn bị giao đất cho dân, họ đã lấy lại hết rồi. Không đất, tao biết lấy gì sản xuất để nuôi con cái đây?”.

Phụ nữ và trẻ em ở làng tái định cư thôn 3, xã Trà Bui.
Phụ nữ và trẻ em ở làng tái định cư thôn 3, xã Trà Bui.
Theo báo cáo của UBND huyện Bắc Trà My, xã Trà Bui có 321 hộ (1.817 nhân khẩu) thuộc diện TĐC theo kế hoạch và 353 hộ (1.706 nhân khẩu) TĐC tự do. Mới đây, địa phương giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 131 hộ TĐC với diện tích hơn 290ha, giao đất theo hiện trạng sử dụng cho 227 hộ dân sở tại với diện tích hơn 638ha. Cả xã có 1.000 hộ nghèo, chiếm hơn 87% dân số của cả xã, trong đó người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 98%.

Leo lên một quả đồi cao ngất ở thôn 5, tôi vào “thăm rẫy” của đồng bào Ca Dong. Bên ngoài thì rừng còn màu xanh, nhưng càng vào trong “rỗng ruột”, với vô vàn gốc cây cháy đen trên mặt đất. Những rẫy lúa của bà con nơi đây cũng mơn mởn trong gió chiều. Ông Hồ Văn Xen nói như than: “Vất vả lắm tao mới khai hoang được 2 miếng rẫy. Sau thời gian người dân triệt hạ cây, đốt trơ trụi rừng, làm đất sạch sẽ mới gieo lúa. Có khi, lúa lên thì thú rừng phá sạch, trắng tay. Nhưng tao còn hạnh phúc hơn nhiều người dân khác, vì có đất trồng cây”. Ông Nguyễn Dương Thi nói, toàn bộ thôn 5 và 6 đều chưa có đất khai hoang ruộng nước. Một ít diện tích sản xuất trong rừng thực chất là do dân lén lút vào đốt rừng làm rẫy. Đa số người dân TĐC đều mượn đất sản xuất của dân sở tại. Dân thôn 3 và 4 đều mượn đất cả. Với đồng bào trên này, muốn phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng hợp lý thì phải có tư liệu sản xuất. Đằng này lại không một miếng đất cắm dùi. Xã, huyện đã đề nghị mỗi hộ được nhận từ 1,2 - 1,8ha đất sản xuất, tỉnh đồng ý nhưng đến nay vẫn chỉ ở giai đoạn khảo sát, đo đạc. “Giao đất là cấp thiết, nhưng liệu đất có sản xuất được không. Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng để khai hoang mỗi héc ta ruộng lúa nước là quá thấp. Đất của rừng phòng hộ biến thành đất ruộng là cả vấn đề lớn. Không có đất sản xuất cho bà con thì làm sao nói đến chuyện giảm nghèo được” – ông Thi trăn trở.

Đêm Trà Bui xuống rất nhanh. Mưa núi càng nặng hạt mang theo những tiếng thở dài não nề...

Phóng sự: TRẦN HỮU PHÚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiếng thở dài ở Trà Bui
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO