Mười chín giờ tối, tiếng trống trường ngân vang. Các em học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Tập (Nam Trà My) vội vã mang sách vở lên lớp để ôn bài. Ánh đèn điện sáng choang căn phòng, những đứa trẻ cặm cụi lật giở từng trang vở để “nghiền” lại những kiến thức đã học. Mỗi em ngồi một bàn như buổi học chính khóa. Chỉ khác, lúc này thầy cô giáo chỉ đóng vai trò “nhân viên bảo vệ”, nhắc nhở các em trật tự, tập trung ôn bài. Đều đặn mỗi tối từ thứ Hai đến thứ Bảy, nhà trường phân công 2 giáo viên túc trực trước hành lang các phòng học để giám sát, quản lý. Em Bùi Thị Thiều (học sinh lớp 6) chia sẻ: “Đã thành thói quen, hàng tối, hễ nghe tiếng trống giục là em và các bạn ôm sách vở đến lớp để ôn bài. Ở đây bạn nào cũng lo học hết, nếu không chăm học, bị điểm thấp bạn bè sẽ chê cười”.
Cô giáo Nguyễn Thị Lương nâng cao kiến thức môn toán để các em chuẩn bị thi học sinh giỏi cấp huyện. Ảnh: HÀO VĂN |
Thầy Nguyễn Đức Yên - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, các năm học trước, trường phân công giáo viên đứng lớp mỗi tối để dạy phụ đạo cho học sinh. Nhưng kể từ học kỳ 2 năm học này, các thầy cô chỉ làm nhiệm vụ quản lý, để các em phát huy tinh thần tự giác, rèn khả năng tự học. “Hình thức này nhằm nhắc nhở các em không được chểnh mảng việc học. Tinh thần tự học của những em khá, giỏi sẽ là tấm gương để các bạn khác noi theo” - thầy Yên nói. Nền nếp nhưng không rập khuôn, máy móc. Giờ giải lao, các thầy cô vào lớp kể cho học sinh nghe những câu chuyện cười, hoặc ra câu đố… để thư giãn tinh thần cho các em.
Bên cạnh tinh thần tự học của học sinh, các thầy cô giáo trẻ còn dành khoảng thời gian rảnh rỗi để kèm cặp những em cá biệt, bồi dưỡng cho các em học giỏi. Thầy Nguyễn Nguyên Bá, cô giáo Nguyễn Thị Lương là những người trẻ mới về trường. Mỗi tối, họ cần mẫn nâng cao kiến thức cho các em để chuẩn bị cho đợt thi học sinh giỏi toàn huyện sắp tới. Quan sát cảnh các em được chỉ vẽ từng ly, từ kinh ngiệm khi bước vào phòng thi cho đến các chuyện vụn vặt khác chẳng khác nào những đàn anh, đang chị đang tận tình dạy dỗ cho lứa đàn em thay vì quan hệ thầy - trò. Cô giáo Nguyễn Thị Lương bộc bạch: “Chúng tôi mới về nhận công tác tại trường, rảnh lúc nào là mỗi người nhận kèm cặp riêng 1 - 2 em. Tuy các em tiếp thu còn chậm nhưng rất có ý thức, ra bài tập là tranh thủ làm ngay”. Điều đặc biệt, riêng tối Chủ nhật được nghỉ nhưng các em vẫn tự giác đánh trống rồi tập trung lên lớp học bài.
HÀO VĂN