Đêm thứ hai Tú ngủ tại căn nhà xưa dựng lại khiêm tốn trên nền ngôi nhà ngói ba gian đã bị máy bay giặc Pháp thả bom san bằng hồi đầu năm 1948. Căn nhà hiện tại trên dùng làm từ đường do gia đình chú em út ở và giữ.
Chú em biết Tú từ nhỏ chỉ thích ngủ trên chiếc chõng tre nên đã dành sẵn một chiếc đợi anh về. Chõng tre nhỏ, chỉ một người nằm, đóng toàn bằng tre già, không sử dụng một chiếc đinh nào. Vạt giường cũng bện bằng tre. Tuy bằng tre nhưng chõng rất chắc chắn. Tú nằm trên chiếc chiếu Bàn Thạch trải trên vạt, chiếu trơn thôi, không có in hoa giữa chiếu.
Mưa đã dứt hẳn từ hôm Tú về. Các nà bên triền sông bắt đầu cày rồi bừa cho đất mịn để trỉa bắp. Lần này về quê, Tú không còn bị bó buộc thời gian vì anh vừa nghỉ hưu. Tú sẽ ở lại quê lâu hơn những lần trước.
Tuy nhà xưa nhưng Tú vẫn là người lạ nên anh khó ngủ. Cánh cửa hông có một lỗ nhỏ, ánh trăng chiếu qua đó thành một chấm trăng xê dịch rất chậm trên mặt bàn có để tích nước chè xanh.
Buổi sáng đầu tiên về quê, người đầu tiên Tú đến thăm là bác trưởng tộc. Ông cười ha hả vỗ vai Tú và cứ khen mãi “được lắm! được lắm!”. Tú cũng không biết mình “được” cái gì. Bác trưởng tộc vốn là một võ sư nên đã gần trăm tuổi mà ông vẫn còn khỏe, tiếng nói sang sảng, đi đứng vững chãi… Ông chỉ có một anh con trai, vợ chồng anh cũng làm việc ở tỉnh, họ có nhà và ở luôn ngoài ấy để tiện đi làm và cho hai con theo học đại học.
Ngồi trò chuyện, Tú hỏi ông bác trưởng tộc về thu nhập để sống. Ông cười:
- Sống bằng lương.
- Lương gì hả bác?
- Thì mình làm việc cho đất nên đất cấp lương cho mình.
Ông đứng lên dắt Tú ra vườn. Diện tích khu vườn vẫn còn y nguyên như Tú đã thấy hồi còn ở nhà.
Ông bác nói:
- Đó, lương của bác đó.
Ông chỉ hàng mít sát cổng rào, bên trong là hàng dừa, đu đủ, phần đất trong cùng rộng nhất trồng nhiều thơm và các loại rau.
- Vài ba ngày tới lứa của mỗi thứ, bạn hàng dưới chợ lên thu hoạch, trả tiền. Mọi thứ ở đây đều bảo đảm sạch, an toàn thực phẩm.
- Cháu mừng cho bác. Cháu chúc bác mạnh khỏe mãi như hàng cây mít kia và sức sống, tâm hồn cứ xanh mãi như lá trong vườn này.
Tú vẫn chưa ngủ được vì nhà xưa thành nhà lạ. Anh ngồi dậy. Chấm trăng nhỏ đã khuất hẳn trên mặt bàn nước.
Bỗng Tú lắng nghe những tiếng chat chat chat… đều đặn phát ra từ ngoài đường. Anh nhớ ra đó là tiếng con vạt sành kêu đêm. Nó chỉ kêu về đêm nhưng phải là đêm tạnh mưa.
Vạt sành thuộc họ châu chấu nhưng lớn hơn nhiều. Nó phát tiếng kêu từ đôi cánh. Ban ngày, nó ẩn trong lá tre xanh điệp màu với nó và nó không kêu nên gần như không ai trông thấy nó.
Con vạt sành này chắc đang đậu cố định trong lùm tre bên hông nhà.
Chat chat chat chat…
Tiếng vạt sành đều đặn. Ban đêm ở thôn quê rất tĩnh lặng nên tiếng vạt sành càng rõ.
Chat chat chat chat…
Con vạt sành và tiếng kêu của nó là hiện hữu, được Tú xem là sợi dây tình cảm vô hình để anh lần theo đó mà gặp lại những cảnh xưa, người xưa tại nơi anh chôn nhau cắt rún.
Ngôi nhà xưa hiện lại.
Tám giờ sáng ngày khó quên hôm đó, bốn chiếc máy bay khu trục ào đến trút bom xuống xóm Tú. Ngôi nhà Tú lớn quá nên giặc chú ý nhất. Chúng thả bom thật trúng đích. Bốn quả bom chia đều cho ngôi nhà. Trước khi bay về căn cứ, bốn chiếc máy bay còn bắn nhiều loạt đạn 12 ly 7 xuống cả xóm.
Phần trên ngôi nhà là nhà thờ có ba gian thờ, kế đến phía dưới là nhà ngang khá rộng để sinh hoạt gia đình và chứa thóc gạo, sau cùng là bếp.
Tất cả đều tan hoang. Đồ vật trong nhà không mót lại được chút gì. Mẹ Tú tiếc nhất là ba bộ ván gõ đặt trước mỗi bàn thờ. Có người hỏi mua những mảnh ván ấy để họ làm đũa, thứ đũa gõ đen này rất quý.
Mãi đến sau cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, mẹ mới dựng lại nhà với diện tích thu nhỏ hơn trên nền nhà cũ.
Chuyện trên Tú nghe mẹ kể chứ hồi ấy anh em Tú chưa ra đời.
Chat chat chat chat…
Quá nửa đêm. Ngoài trời trăng đã lặn. Tú vẫn chưa ngủ được. Tiếng vạt sành, thứ tiếng của quá khứ tiếp tục dẫn Tú trở lại với những sự kiện, những cảnh, những người vui có, buồn có, vui ít, buồn nhiều.
Tú “gặp” lại cảnh cha anh từ trần cách nay hơn ba chục năm. Ngày ấy Tú còn rất nhỏ.
Cha anh mất chỉ sau nửa tháng nằm bệnh tại nhà. Đứa em trai áp út và đứa em gái út của Tú càng quá nhỏ dại đến nỗi chúng không biết việc chết là gì. Giờ tẩm liệm cha, đứa em gái còn nói: cha nằm trong cái thùng gỗ này ấm lắm!
Lúc di quan, hai đứa không đi theo đoàn bà con đưa tiễn cha. Thằng bé hỏi mẹ “khiêng cha đi đâu rứa?”
Mẹ đáp:
- Cha đi chơi ít bữa rồi về.
Chiều hôm sau và mấy buổi chiều sau đó, hai đứa em Tú cứ ngồi trên ngạch cửa ngó ra sân đợi cha về. Hai đứa đã thấy nhớ cha. Trên cây thầu đâu góc vườn, con chim vịt cứ kêu hoài khiến chiều thêm phần ảm đạm.
Đứa em gái của Tú hỏi mẹ:
- Bữa mô cha về hả mẹ?
Mẹ đáp cho qua chuyện:
- Ít hôm nữa cha về.
Nói xong, mẹ giật mình vì đã mắc với con món nợ không bao giờ trả được.
Nằm trên chõng tre, Tú nhớ tiếp. Anh nhớ từng bạn cũ ở chung xóm thời thơ ấu. Những Tủng, Phương, Yên, Đức, Bằng không còn nữa. Quyền ra thành phố ở với con cháu, Ngọ sinh sống bên Mỹ, Lễ đi đâu cũng phải chống gậy, mấy ngày đầu năm anh ta thường chống gậy, nách cặp cuốn truyện Kiều đến mấy nhà quen thân để bói Kiều cho gia chủ.
Còn ai nữa? Đệ đi tu nay đã là đại đức trụ trì ở chùa làng. Hiếu dạy trung học cấp ba trường huyện cũng sắp nghỉ hưu. Hòa điên điên khùng khùng nặng nhất là vào mùa nắng. Gà trống nuôi con đáng khen là Trí. Vợ chết, anh làm lụng để nuôi ba con một gái hai trai học hành đến nơi đến chốn. Cũng vợ chết sớm, không có con, Hải bỏ nhà, bỏ làng đi đâu, ở đâu không ai biết và xem như anh biệt tích từ đó. Đáng thương nhất trong đám bạn cũ cùng xóm cùng làng của Tú là Thân. Nhà anh này ở sát chân núi. Thân chịu nghèo khổ mãi với mấy sào ruộng bậc thang, nhiều mùa lúa sắp gặt, người chưa kịp thu hoạch đã bị lũ heo rừng xơi một đêm là hết sạch.
Lần này về quê lâu ngày, Tú sẽ đi thăm gia đình các bạn kể trên kể cả người còn sống hay đã khuất.
Tú vẫn chưa ngủ được. Bây giờ anh cũng không cần ngủ nữa mà chỉ nằm trên chiếc chõng tre như thời thơ ấu để nhớ về từng mảng của quá khứ.
Tú nhớ ngôi đình làng, ngôi miếu, lăng Ông thờ Bạch hổ sơn quân có bức bình phong lớn bằng vôi gạch trên đá đắp nổi hình mặt con cọp dữ dằn.
Cây đa ở đầu làng đã thành cổ thụ. Cây không cao lắm nhưng có rất nhiều nhánh tỏa đều xung quanh, lá rậm rạp. Trẻ con ở hai thôn gần đó thường tụ tập dưới bóng mát của cây đa để chơi, trong đó có Tú. Anh nghe các cụ già nói: thần đa, ma gạo, tức là thần thường ở cây đa còn ma thì ở cây gạo. Cây gạo cao, hoa đỏ chúc xuống. Tú và đám trẻ không dám chơi gần các cây gạo.
Lần này Tú sẽ đến nhà ông bác trưởng tộc để ông nói rõ về ngôi miếu có tên Tam Vị nghe nói rất linh, ai làm sai quấy không dám đến đây thề thốt. Tam Vị là ai, tại sao một miếu mà thờ đến ba vị?
Còn lăng thờ Bạch hổ sơn quân ở đầu cửa truông vào núi có những huyền thoại gì mà bà con ở làng Tú rất kính ngưỡng nơi này.
Ông bác trưởng tộc, vị cao tuổi nhất làng chắc rõ về các điều này.
Thời gian còn ở lại quê nhà, ban ngày Tú sẽ thăm người, thăm cảnh chốn quê hương; ban đêm anh sẽ nhờ tiếng vạt sành dẫn để gặp lại từng mảnh tình cảm của quá khứ. Tiếng vạt sành kêu đêm đã khiến không gian và thời gian không còn là vấn đề vì có gì cản phá được cái nhớ.
Chat chat chat chat…