Cuối tháng 5, con được nghỉ hè vài ngày. Lại thêm Tết Thiếu nhi. Đưa con về quê chơi. Đang nằm ngủ trưa, lác đác tiếng ve bên cửa sổ, như gọi về tuổi thơ xa xưa.
Cứ độ vào thượng tuần tháng hai, dịp giỗ bà cố nội tôi, là thời gian giao mùa của những con ve ve. Và đến rằm tháng 6, dịp giỗ ông cố nội, tiếng ve ve dần thưa thớt, như báo hiệu sắp hết hè để tiết trời sơ thu.
Con ve ve mỗi ngày kêu ba lần vào lúc sáng sớm, canh trưa từ khoảng 10 giờ rưỡi đến một hai giờ chiều, và lúc chạng vạng. Trong 3 thời khắc ấy, chỉ có lúc giữa trưa, trong xóm rộn cảnh trẻ con đi bắt ve ve. Nhà tôi, vườn rộng nhất xóm, cây cối nhiều, nhất là ngang dọc những hàng cau. Tôi để ý, con ve ve dường như thích đậu trên thân cây cau hơn là những loài cây khác. Và cái này cũng là cái dại của lũ ve. Thân cau thẳng, không có cành nhánh, chẳng gây vướng khi đưa vợt bắt chúng. Mấy đứa đồng niên thường phải hay sang vườn nhà tôi. Một chút tự hào, một chút xua đuổi. Đến giờ ve kêu râm ran, không hẹn mà gặp, đứa nào cũng cầm trên tay một cái vợt bắt ve có cán dài 4 - 5m. Cán vợt là một cây sào bằng tre cán giáo hay cành trúc. Vợt gồm 2 bộ phận, khung vợt làm bằng sợi dây thép gai đã duỗi thẳng, uốn thành một vòng tròn đường kính khoảng 10 - 15cm và thêm đuôi vợt để cắm hay cột vào cán vợt; túi vợt làm từ bao ny lon trong, lận theo vòng vợt, đứa nào kỹ hơn thì may thêm đường chỉ.
Lắng nghe theo tiếng kêu để xác định vị trí ve đậu. Khi nhìn thấy nó rồi, chỉ cần giơ vợt lên và chụp. Túi vợt bằng bao ny lon trong và giữa nắng trưa, nên ve ve không nhìn thấy cái “nguy” với nó. Hạ thu cần vợt xuống, thò tay vào túi vợt bắt con ve ra và bỏ vào túi ny lon to khác được giắt ở lưng quần. Lúc này, cảm giác trong người thật sung sướng. Cũng có lúc hụt hẫng, khi vừa đưa vợt đến gần, con ve bị đánh động đã vội bay đi. Cũng có khi đã bắt được và thu vợt về thì con ve nhanh thân vụt thoát.
Có lần, sang nhà ngoại cách nhà vài cây số, được biết thêm một cách bắt ve cũng hết sức thú vị, bởi sẽ luyện được sự tập trung tinh thần cao độ và khéo léo. Thời đó, một phần rất khó kiếm được sợi dây thép gai để làm vòng vợt, một phần cần giải quyết cấp bách dụng cụ bắt ve, nên ngoại xuống nhà dưới xẻ lấy quả mít, rút hết mủ vê lại thành viên cỡ ngón tay cái. Ngoại cắm viên mủ đó vào đầu cây sào, dẫn tôi ra vườn và làm mẫu. Chấm vào cánh ve, không con nào thoát được…
Có lúc đang tập trung đưa vợt để úp vào thân ve, bỗng bị một roi tre sau mông đau điếng. Hóa ra ba tôi sè sẹ sau lưng tự bao giờ. Tôi bỏ tất cả, chạy té vào nhà. Một lúc sau, hai đầu gối tôi đã đóng in trên miếng xơ mít. Bị phạt vì không ngủ trưa. Suốt mùa ve, phải bị phạt vậy đôi ba lần, bởi cái thú bắt ve không gì cưỡng lại được.
Lũ trẻ không chỉ bắt ve mà còn thu lượm xác ve để bán cho mấy vị lang y. Đứa nào siêng siêng, tầm 8 - 9 giờ đêm, cầm đèn gió làm từ vỏ lon sữa bò ra vườn, tiến lại những gốc cây để nhặt lấy xác ve. Có khi nhặt được ve non, thứ này càng giá trị, bán được nhiều tiền hơn. Tiền trao đổi từ “chiến lợi phẩm” này cũng đủ ăn kem hằng ngày.
Bắt ve, được cảm nhận các biểu hiện trạng thái tinh thần. Nào là ngó nghiêng, ngưng thần, hồi hộp, sung sướng, hụt hẫng. Chế biến ve và thưởng thức, cảm thấy càng thú vị, được thu nạp cái tươi nguyên, thuần chất của đất trời. Tạo hóa khéo sắp bày. Mùa ve cũng là mùa mít chín, mủ mít làm dụng cụ để bắt ve, xơ mít để làm đồ phạt đứa trẻ bắt ve mà bỏ giấc ngủ trưa. Mùa ve cũng là thời điểm đậu phụng đã được thu hoạch, bứt trái, phơi khô, một phần ép thành dầu ăn. Mùa ve cũng là mùa ớt chín đỏ phơi đầy sân, một vài lọ ớt bột mới đầu mùa đã yên vị trên kệ bếp. Ve bắt được, đem ra vặt hết cánh, chân, bỏ ruột. Nói là bỏ ruột chứ thực ra không có gì nhiều. Bởi con ve vốn bụng rỗng để kêu to. Và điều này là cái chuốc lấy sự tử của lũ ve. Cái loài ếch cũng vậy. Những con ve cái có thân, bụng to hơn, nhưng lúc này chẳng còn kêu; những con ve đực thì thân, bụng nhỏ hơn, phát ra tiếng kêu lần cuối khi tôi chạm vào nó. Rửa sơ qua, để ráo. Tùy độ lớn nhỏ của thân ve, cứ mỗi con nhét vào bụng 1 hay 2 hạt đậu phụng còn vương hương nắng. Đổ dầu phụng mới ép còn sánh bóng vàng vào chảo, khử chín, bỏ vài con để giảm nhiệt chảo và tránh văng dầu, rồi đổ tất cả rổ ve vào chảo. Nhanh tay đảo đều. Khi ve chuyển từ màu xám sang màu vàng nhạt thì nêm chút nước mắm, rắc tí ớt bột đầu vụ. Xong bắc chảo xuống dưới đất. Trình độ chế biến của lũ học trò cấp 2 chỉ có vậy mà thôi. Mấy đứa xúm lại, gắp một con ve còn tươm óng dầu đưa lên, chỉ vừa kịp thổi qua đã vội bỏ vào miệng. Lớp dầu trơn tuột vành môi. Vị ớt hòa vị mắm cùng đậm - cay ở đầu lưỡi. Hai hàm răng cắn vào để nghe thân ve giòn rụm. Dịch vị tiết ra bởi thỏa cái ngậy béo của ve, cái bùi bùi thơm thơm của đậu phụng. Gặp con ve đực thì càng khoái khẩu hơn, bởi thơm và chắc thịt. Tôi thích ăn con ve đồng màu xám hơn là con ve núi màu nâu. Cả lũ trẻ hít hà như những cụ non. Người ta bảo, ẩm thực quý nhất là thời trân, thì thời trân là đây chứ còn ở đâu nữa. Sau này, đi ăn đặc sản ve rang ở các nhà hàng, nhưng không tài nào cảm nhận được cái hương vị chân chất riêng có của ve ve, bởi người ta thêm các gia vị lá chanh, tỏi, hành phi, mì chính, cứ nhờ nhợ lẫn lẫn như hương vị nhộng rang, dế nuôi rang.
Hai mép miệng thấm ướt, chưa kịp mím môi lại thì nghe tiếng xe công trình xây dựng từ xa vọng tới. Quê tôi, một thị trấn nhỏ, cũng đang ngày đêm nhổ bỏ lũy tre làng, san ủi bờ ruộng quê để làm đô thị. Tôi bất thần tư lự. Đưa điện thoại ra ngoài cửa sổ. Áp vào tai xem tiếng ve đã được lưu vào điện thoại chưa. Nhầm phím hệ thống, âm thanh phát to ra, con tỉnh giấc. Tôi vội tắt tiếng loa và ngân ru câu thơ của người xưa: “Hoa đường êm dịu ngày dài/ Gió lùa cửa bắc thoảng mùi hương sen/ Tạnh mưa xanh ngát cây vườn/ Giọng ve ánh ỏi ngâm rền chiều hôm” (Trần Thánh Tông), “Hòe lục đùn đùn tán rợp giương/ Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ/ Hồng liên trì đã tiễn mùi hương/ Lao xao chợ cá làng ngư phủ/ Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương” (Nguyễn Trãi).
HƯƠNG THU