Nhớ hồi hợp tác hóa nông nghiệp, quê tôi được đưa về chiếc máy cày. Mọi người mừng ra mặt, hết săm soi, sờ mó đầu máy, lại vuốt ve những lưỡi cày to bè bè. Nhưng rồi chưa đầy một ngày quần với mấy sào đất, chiếc máy cày bỗng trở chứng đứng yên, không chạy được nữa. Lãnh đạo hợp tác xã nông nghiệp tức tốc huy động những người thợ trực tiếp đến đồng ruộng tìm cách sửa chữa. Để kịp thời mùa vụ, người nông dân đành hối thúc “con trâu đi trước cái cày theo sau” . Chiếc máy cày trở thành đống sắt nằm giữa đồng. Phải mấy ngày sau, người ta mới di chuyển được cái đầu máy đi đại tu.
Từ khi có chính sách giao khoán trong nông nghiệp, các bờ vùng, bờ thửa thi nhau mọc lên, giăng ngang giăng dọc khắp đồng. “Một miếng” ruộng giữa làng trở thành manh mún, chia năm xẻ bảy. Người dân nhìn những chiếc xe tải chở máy cày qua đường mà đâm ra tiếc ngẩn tiếc ngơ, thèm được như người nông dân Nam Bộ, lái chiếc máy gặt lúa chu du khắp cánh đồng mênh mông.
Và thế là nhu cầu cơ giới hoá nông nghiệp thôi thúc nhiều hộ sắm những chiếc máy cày nhỏ, máy gặt về sử dụng trong gia đình và làm dịch vụ. Bộ mặt nông thôn thay đổi hẳn. Tiếng máy cày nổ phành phạch, tiếng máy gặt chạy xè xè khiến người nông dân cảm thấy lòng thảnh thơi, nhờ được giải phóng sức lao động.
Hôm vừa rồi, tôi về thăm quê, chú tôi vui mừng khoe: “Nhờ có máy gặt liên hợp, vụ ni kiếm lời một sào cũng được chục ang lúa”. Rồi chú tôi kể lại mấy vụ lúa trước, khi chưa có máy gặt liên hợp. Chú bảo tuổi chú đã ngoài bảy mươi, làm một sào lúa thấy vất vả quá. Chú thuê mướn tất tần tật, ngày mùa thì thuê hai thợ gặt, một người bó và gánh lúa về tuốt, vị chi công cán với ăn uống nửa buổi xế chiều hết 500.000 đồng, quy đổi gần hai mươi ang lúa. Ơn trời mưa thuận gió hòa, một sào đất thu được năm mươi ang lúa, trừ chi phí thóc giống, phân bón, thuốc trừ sâu, công cán thuê mướn cày, bừa, sạ, gặt... tính ra lỗ vốn! Bây giờ, gặt bằng máy liên hợp, máy vừa gặt vừa tuốt, vừa đổ thóc vô bao. Tiền công gặt 250.000 đồng/sào, gần bằng mười ang lúa. Được cái khỏi bận rộn lo lắng nửa buổi xế chiều, đỡ nhọc sức vì rơm rạ. Vụ xuân hè này thừa rơm, người ta không mua về cho trâu bò. Rơm ở hết ngoài đồng, chờ người đốt làm tro bón ruộng.
Bỗng dưng mắt tôi cay xè một mùi khói đốt đồng từ đâu bay về...
NGUYỄN TẤT CẢ