Những ngày này người dân xứ Quảng và đồng bào cả nước hướng về kỷ niệm 39 năm giải phóng miền Nam, hai miền thống nhất. Bao câu chuyện lịch sử lại khơi dậy, như ngọn lửa hùng thiêng sông núi nhắc nhớ mỗi con dân đất Việt về cái giá của độc lập tự do cho Tổ quốc.
Chúng tôi vừa có dịp thực hiện chuyến hành hương qua những di tích lịch sử của miền Trung. Một miền tâm linh đã cháy lên khát vọng và tự hào, xen lẫn những thương cảm về nỗi đau của dân tộc trong cảnh mưa bom bão đạn. Ai đã đến Quảng Trị, thăm thành cổ, Thạch Hãn, Hiền Lương… sẽ không thể nào tả xiết những xúc cảm từ mất mát hy sinh của thế hệ đi trước cho nền độc lập. Nhà báo Trương Đức Minh Tứ, Tổng biên tập Báo Quảng Trị, tỏ bày tâm tư rằng nếu không có chiến tranh thì gần hai vạn người con của nước Việt, những thanh niên ưu tú nhất của dân tộc đã không phải vùi chôn vĩnh viễn tuổi thanh xuân ở Thành cổ Quảng Trị. Một nấm mồ chung đã dựng trên đất ấy để nhắc nhớ một điều rằng, bom đạn không chừa một ai cả, và những gì hôm nay chúng ta có đã phải trả bằng cái giá “máu xương nơi này chồng lên máu xương”. Nhưng ở nơi tối nhất cũng là nơi sáng nhất của sức mạnh Việt Nam, mà bằng chứng là địa đạo Vịnh Mốc (Vĩnh Linh). Trong vòng mấy năm khốc liệt của cuộc chiến, hơn 40km đường hầm địa đạo đã được dựng lên bởi lòng quả cảm, chí kiên cường của quân dân nơi đây. Trong địa đạo có hầm vũ khí, có trạm cứu thương, có những vọng gác, có phòng tuyến chiến đấu… phục vụ cho công cuộc đánh giặc để sinh tồn. Nhưng cũng ở nơi ấy có đến 64 trẻ em đã ra đời trong lòng đất, thể hiện một khát vọng vô bờ của con người là hiếu sinh, hòa bình, thèm khát lời ca tiếng hát, giọt sữa lành đất mẹ…
Không riêng Quảng Trị, câu chuyện về những con người miền Trung dãi dầu nắng gió, một lòng hy sinh cho Tổ quốc vẫn còn nồng đượm trên trang sử và mạch đất cỏ cây. Vũng Chùa, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp yên nghĩ vĩnh hằng trở thành nơi hành hương của đồng bào, chiến sĩ cả nước, và cả những cựu binh của cuộc chiến Việt Nam phía này hoặc phía khác. Nườm nượp dòng người đi như trở về bất tận để tỏ lòng kính phục một bậc đại dũng, đại trí, đại nhân, và mang theo bao ước vọng cho hòa bình. Phía không xa đó, Ngã ba Đồng Lộc nghi ngút khói hương tưởng tiếc các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh cho dân tộc, cho con đương huyết mạch phục vụ công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Địa danh lịch sử Ngã ba Đồng Lộc có nhiều câu chuyện kể mà chỉ riêng về 10 cô gái thanh niên xung phong đã kết nên một “vầng trăng trinh nữ”. Trong câu chuyện ấy, nước mắt đẫm đầy hố bom chiến tranh và gửi gắm cả một miền tâm linh về sự tồn sinh của dân tộc.
Tiếng vọng lịch sử của miền Trung, của đất Quảng trong những ngày kỷ niệm giải phóng miền Nam, nhắc nhớ cho thế hệ trẻ biết bao điều. Cái chết và sự sống, niềm thương cảm và lòng tự hào, gợi lên câu chuyện về một tâm thế. Tâm thế ấy là sự lựa chọn của lịch sử, là sự cống hiến và hy sinh cho dân tộc mà sau nhiều năm hòa bình vẫn còn vang vọng. Những thực dụng đời thường, bụi thời gian trùm lấp, tất cả cần một tiếng chuông thức tỉnh về lịch sử để thấy đất dưới chân ta đã thấm máu xương biết bao người, để thấy cái giá của hòa bình không thể nào đo đếm. Và, hơn nữa là một khát vọng sống, những mầm xanh đã mọc trên sa mạc chi chít hố bom, nơi xương rồng trổ hoa.
ĐIỆN NAM