Tiếp cận những tư liệu quý

VÕ VINH QUANG 10/06/2023 07:30

(VHQN) - Trong quá trình khảo sát tìm hiểu về làng xã miền Trung, khoảng hơn 10 năm qua, chúng tôi đã có các đợt thực địa điền dã tại các làng xã, gia tộc của Quảng Nam, tiếp cận khá nhiều tư liệu Hán - Nôm có giá trị nổi bật, cần được nghiên cứu, phát huy giá trị.

Toàn cảnh miếu Thai Dương phu nhân ở Điện Minh, Điện Bàn.
Toàn cảnh miếu Thai Dương phu nhân ở Điện Minh, Điện Bàn.

Tư liệu Hán - Nôm Quảng Nam khá đa dạng, phong phú về loại hình, trong đó có nhiều tư liệu độc đáo, tiêu biểu. Nguồn tư liệu Hán - Nôm có số lượng khá đồ sộ và đa chủng loại tập trung tại Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình và Núi Thành.

Ở Hội An, mặc dù các đơn vị đã đẩy mạnh khai thác, tìm hiểu, phát huy giá trị nguồn tư liệu trong khoảng 10 năm qua, song vẫn còn nhiều tư liệu cần tiếp tục được khảo cứu.

Điển hình như hệ thống mộc bản tại các chùa tổ Chúc Thánh, Phước Lâm... khá đặc trưng, độc đáo và cần tiếp tục xâu chuỗi, nghiên cứu sâu hơn để đóng góp cho các công trình về lịch sử văn hóa của vùng đất nói riêng, của Phật giáo và lịch sử Việt Nam nói chung. Hoặc như các thư tịch và di tích liên quan đến mối quan hệ Việt - Nhật (như Lai Viễn kiều – cầu Nhật Bản và văn bia Trùng tu Lai Viễn kiều ký)...

Chế phong của vua Hàm Nghi ban cho Thượng thư Nguyễn Thuật năm Hàm Nghi nguyên niên (1884), tại nhà thờ họ Nguyễn - thị trấn Hà Lam, Thăng Bình.
Chế phong của vua Hàm Nghi ban cho Thượng thư Nguyễn Thuật năm Hàm Nghi nguyên niên (1884), tại nhà thờ họ Nguyễn - thị trấn Hà Lam, Thăng Bình.

Tại Điện Bàn, những tư liệu Hán - Nôm đang lưu giữ ở các gia tộc, làng xã không chỉ có số lượng lớn, mà chứa đựng nhiều giá trị. Điển hình như 8 sắc phong ở miếu Thai Dương (Điện Minh) từ triều vua Minh Mệnh đến Khải Định, được xem là hệ thống sắc phong đầy đủ nhất hiện nay liên quan đến nữ thần Thai Dương phu nhân (làng Thai Dương Hạ của Thuận An, Huế chỉ có 2 sắc phong).

Hoặc như hệ thống sắc phong ở miếu Thất Vị làng La Qua (thôn Trung Phú, Điện Minh) cũng khá đầy đủ và mang nhiều giá trị tiêu biểu, nhưng cho đến nay vẫn chưa được nghiên cứu thấu đáo.

Cùng đó, nguồn tư liệu Hán - Nôm tại các gia tộc ở những làng xã bên sông Thu Bồn đoạn chảy qua Điện Bàn (như vùng Gò Nổi gồm Điện Phong, Điện Trung, Điện Quang) hứa hẹn sẽ cung cấp nhiều thông tin đặc sắc.

Sắc phong Thai Dương phu nhân năm Minh Mạng thứ 7 (1826).
Sắc phong Thai Dương phu nhân năm Minh Mạng thứ 7 (1826).

Với huyện Duy Xuyên, qua các đợt khảo sát ở Nam Phước và Ngũ xã Trà Kiệu, chúng tôi phát hiện hệ thống đồ sộ tư liệu Hán - Nôm. Đó là di sản tư liệu giấy (tư liệu sắc phong thần làng Mỹ Xuyên Đông, chế phong của tộc Nguyễn Quang làng Mỹ Xuyên Đông, địa bạ gốc của Ngũ xã Trà Kiệu với khoảng gần 1.000 tờ giấy dó...).

Các văn bia danh nhân, lăng mộ (bia mộ ngài Nguyễn Quang Hóa làng Mỹ Xuyên Đông, bia mộ thần đạo Ấn Phong tiên sinh Nguyễn Đức Huy ở Trà Kiệu, bia mộ Trấn thủ Quảng Nam Nguyễn Phúc Kỳ ở Chiêm Sơn...). Đấy đều là các nguồn tư liệu giá trị, nổi bật.

Sắc phong cho thần Thạch Tượng Thiên Sinh Bổn Xứ Dương Thần năm Minh Mạng thứ 5 (1824) tại miếu Thất Vị, làng La Qua, xã Điện Minh, huyện Điện Bàn.
Sắc phong cho thần Thạch Tượng Thiên Sinh Bổn Xứ Dương Thần năm Minh Mạng thứ 5 (1824) tại miếu Thất Vị, làng La Qua, xã Điện Minh, huyện Điện Bàn.

Ở Thăng Bình, những dấu ấn của Hà Đình Nguyễn Thuật và Đoan Hùng quận công Nguyễn Văn Trương tại Hà Lam (như hệ thống bia đá ở Văn Thánh miếu Lễ Dương, văn bia Hà Kiều, hệ thống sắc phong, chiếu chỉ của Thượng thư Hà Đình Nguyễn Thuật...) thực sự được xem là những “điểm nhấn” về văn hóa lịch sử của vùng đất ấy.

Tại Núi Thành, qua tìm hiểu sơ lược, chúng tôi thấy nổi bật nơi đây là hệ thống thư tịch liên quan đến danh nhân Trần Hưng Nhượng (thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1) với hàng trăm đơn vị, hàng ngàn tài liệu. Đây chính là “kho tàng” vô giá đối với Quảng Nam nếu có điều kiện khai thác, phát huy giá trị.

Biển gỗ “Lai Viễn kiều” có ngự ấn của Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu ở chùa Cầu, Hội An.
Biển gỗ “Lai Viễn kiều” có ngự ấn của Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu ở chùa Cầu, Hội An.

Xứ Quảng trong lịch sử là vùng đất chiến lược ở nhiều triều đại, nhất là thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Vì thế, Quảng Nam được xem là “cầu nối” giao thoa văn hóa giữa Việt Nam với nhiều nước trên thế giới. Đồng thời Quảng Nam cùng với các địa phương khác, như Huế, Quảng Ngãi, hay các tỉnh ở Nam Bộ đều có sự liên kết khăng khít, chặt chẽ với nhau trong lịch sử.

Để khai thác, phát huy có hiệu quả hơn nữa nguồn tư liệu Hán - Nôm Quảng Nam, sẽ cần nhiều giải pháp thiết thực hơn. Trong đó, việc liên kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa phương, mang tầm quốc gia và quốc tế thực sự là điều cần thiết, và có vai trò quan trọng để “mọi người hiểu rõ Quảng Nam, và người xứ Quảng hiểu rõ mình” hơn.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiếp cận những tư liệu quý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO