Tiếp lửa truyền thống

VINH ANH 22/03/2021 06:08

Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn, lần đầu tiên, một hoạt động về nguồn được Tỉnh đoàn phối hợp với Hội Cựu chiến binh (CCB) và Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh tổ chức, có sự tham gia của Lữ đoàn 161 Vùng 3 Hải quân - đơn vị kết nghĩa với Tỉnh đoàn. Mang tên gọi “Trẻ mãi một thời”, hành trình về nguồn để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho người trẻ và cả thế hệ đi trước về bài học giáo dục truyền thống cách mạng.

Kết nối hai thế hệ qua hoạt động giao lưu “Ký ức vui vẻ” dưới rừng cây thuộc Khu di tích Bộ Tư lệnh Quân khu 5 (Bắc Trà My).
Kết nối hai thế hệ qua hoạt động giao lưu “Ký ức vui vẻ” dưới rừng cây thuộc Khu di tích Bộ Tư lệnh Quân khu 5 (Bắc Trà My).

"Trẻ mãi một thời"

Là cán bộ đoàn đi trước, ông Đỗ Tấn Hùng nhắn nhủ người làm công tác đoàn hôm nay 2 chữ “lửa” và “làm”. “Lửa” ở đây là rực lửa cách mạng. “Làm” là nhiệt tình, nhiệt huyết. Cán bộ đoàn phải trở thành thủ lĩnh thanh niên để hướng dẫn, làm cho anh em giác ngộ, đi theo cách mạng, đảm nhận vai trò lịch sử mà Đảng và Nhà nước giao phó. Trong khi đó, Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Thị Dự mong muốn tuổi trẻ tiếp tục học tập, làm theo tấm gương, đạo đức của Bác để dựng xây đất nước, như lời bài thơ “Theo chân Bác” của nhà thơ Tố Hữu: “Đời sẽ tươi hơn, xây dựng mới/ Đàng hoàng to đẹp, sáng trời Đông/ Tuổi xanh vững bước lên phơi phới/ Đi tới, như lòng Bác ước mong”.

Anh Lê Quang Quỳnh - Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, hành trình là dịp để tuổi trẻ đi để học, để thấy, cảm nhận và thấu hiểu sâu sắc những bài học ân tình. “Đi về địa chỉ đỏ, đến những vùng căn cứ kháng chiến ngày xưa hay mở rộng hơn là căn cứ lòng dân. Bởi không có lòng dân thì không có hầm nào đủ sâu, không có địa đạo nào đủ dài để người chiến sĩ đi hết con đường cách mạng” - anh Lê Quang Quỳnh nói.

Sau khi viếng hương Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ), đoàn hành trình về nguồn “Trẻ mãi một thời” đến các địa chỉ đỏ: Nhà lưu niệm Cụ Huỳnh Thúc Kháng (Tiên Phước), Khu sinh hoạt truyền thống Thanh thiếu nhi Nước Oa, Khu di tích Bộ Tư lệnh Quân khu 5 (Bắc Trà My)... Với những người trẻ, thăm mỗi địa chỉ đỏ là dịp để họ hiểu giá trị lịch sử. Với thế hệ đi trước, mỗi nơi là một sự trở về, gọi lên quá khứ hào hùng, nơi họ đã cống hiến tuổi xuân vì quê hương, đất nước…

Đã gần 10 năm, nữ cựu TNXP Trần Thị Đông (TP.Tam Kỳ) mới có dịp trở lại Nước Oa. Dạo một vòng quanh khu trưng bày ở Khu sinh hoạt truyền thống Thanh thiếu nhi Nước Oa, bà không khỏi xúc động khi bắt gặp những hiện vật, hình ảnh gợi nhớ một thời thanh xuân. Những năm 1969 - 1972, lúc chỉ mới 18, 20 tuổi, bà Đông cùng đồng đội ngày ngày cõng hàng, tải đạn phục vụ chiến trường. Những năm tháng cực khổ, gian nan nhưng đầy tự hào đó, bà chưa bao giờ quên. Hôm nay trở lại, bà Đông mang theo những tấm ảnh chụp thời thanh xuân của mình ở chiến trường Khu 5.

“Bây giờ nơi này thay đổi nhiều nhưng những kỷ niệm tuổi trẻ ở đây tôi không thể nào quên. Ngày đó, cực khổ, gian nan nhưng tinh thần anh chị em luôn tràn đầy nhiệt huyết phục vụ cách mạng, bảo vệ Tổ quốc” - bà Đông tâm sự.

Kết nối hai thế hệ

Điểm nhấn của hành trình về nguồn là cuộc giao lưu với tên gọi “Ký ức vui vẻ”. Dưới tán rừng yên tĩnh thuộc Khu di tích Bộ Tư lệnh Quân khu 5, mọi người chăm chú lắng nghe câu chuyện về quá khứ chiến đấu, lao động đầy vinh quang của những “nhân chứng sống”. Họ là một phần của lịch sử, đi qua nhiều thời khắc hào hùng gắn với những sự kiện quan trọng. Và, câu chuyện của họ là sợi dây kết nối hai thế hệ, truyền lửa cho tuổi trẻ hôm nay.

Ông Đỗ Tấn Hùng tặng một học sinh huyện Bắc Trà My chiếc khăn quàng đỏ - kỷ vật thời còn làm công tác đoàn. Ảnh: VINH ANH
Ông Đỗ Tấn Hùng tặng một học sinh huyện Bắc Trà My chiếc khăn quàng đỏ - kỷ vật thời còn làm công tác đoàn. Ảnh: VINH ANH

Với ông Đỗ Tấn Hùng - nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn, nguyên Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh là câu chuyện ông cùng đồng đội liều mình xông vào vùng địch để cắm lá cờ giải phóng tung bay trên đình làng Đông An - mảnh đất đầu nguồn sông Thu trong thời khắc thiêng liêng...

Còn Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Thị Dự (huyện Núi Thành) dẫn dắt người nghe qua từng câu chuyện như thước phim quay chậm về những lần bà và đồng đội mưu trí diệt giặc, bắn rơi máy bay địch. Ngày ấy, chưa tới tuổi 20 mà bà Dự đã 2 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ.

Gần hơn là hình ảnh thanh niên Quảng Nam trong những năm tháng xây dựng đại công trình thủy nông Phú Ninh. Đại diện cho những nhân chứng thời kỳ lịch sử đó, cựu TNXP Phạm Hồng Phước (xã Tam Phước, Phú Ninh) mang đến những câu chuyện sinh động về sự sáng tạo, nhiệt huyết của thanh niên trong thời gian tham gia xây dựng công trình.

Mỗi câu chuyện, ký ức được kể mang lại nhiều cảm xúc, đặc biệt với thế hệ trẻ. Blúp Hè (cán bộ Huyện đoàn Tây Giang) nói, những câu chuyện được kể từ nhân chứng lịch sử giúp anh thêm một lần được biết về quá khứ hào hùng của cha anh. Mỗi câu chuyện cho anh hiểu thêm về sự hy sinh, cống hiến cho Tổ quốc của thế hệ đi trước. Qua đó tiếp tục hun đúc ngọn lửa cách mạng và tinh thần nhiệt huyết cho bản thân.

“Thật có lỗi nếu thế hệ trẻ hôm nay quên đi những bài học lịch sử giá trị đó. Mỗi câu chuyện được nghe hôm nay làm tôi xúc động và tự hào về thế hệ đi trước. Để từ đó, biết mình phải cố gắng nhiều hơn, góp phần giữ gìn, phát huy thành quả cách mạng của cha ông” - Blúp Hè nói

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiếp lửa truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO