Tiếp nối “dòng chảy” Mẹ Thu Bồn

LÊ PHƯỚC LAN NHI 23/02/2013 08:38

Dự án phim tài liệu “Mẹ Thu Bồn” vừa tiếp tục lên sóng truyền hình Đài PT-TH Quảng Nam (QRT) trong dịp Tết Quý Tỵ với 11 tập phim đã tiếp nối “dòng chảy” Mẹ Thu Bồn kể từ Tết Nhâm Thìn 2012 đến nay.
Mỗi tập phim tiếp theo sê-ri phim tài liệu “Mẹ Thu Bồn” (tập 11 đến tập 21) vừa được QRT sản xuất và phát sóng là một câu chuyện kết nối vào “dòng chảy” văn hóa của Mẹ Thu Bồn, bắt đầu từ Tây Giang - nơi được mệnh danh là “cổng trời Quảng Nam”, qua các vùng đất Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Hội An và ra đến Cù Lao Chàm. Mỗi tập phim là thêm một lần giúp khán giả cảm nhận tên sông, tên đất, tên làng... cùng những số phận gắn liền với quá khứ, hiện tại và khát vọng hướng đến tương lai của cư dân bên dòng sông Mẹ.

Kết thúc chuyến quay đại cảnh bằng máy bay dọc Thu Bồn. Ảnh: H.X.H
Kết thúc chuyến quay đại cảnh bằng máy bay dọc Thu Bồn. Ảnh: H.X.H

Tập phim “Ngọn nguồn dòng chảy hai sông” đưa người xem về với núi rừng Tây Giang - nơi khởi nguồn của sông A Vương và sông Bung - để hiểu thêm về vùng đất, con người và văn hóa Cơ Tu. Đến với “Đôi bờ sông Tiên”, quê hương của nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng là để thưởng thức phong cảnh hữu tình, nhấm vị lòn bon ngọt lịm cùng những câu chuyện lịch sử - văn hóa của vùng quê Tiên Phước. Với “Ngó lên Hòn Kẽm”, các địa danh Nông Sơn, Tí, Sé, Dùi Chiêng, Hòn Kẽm - Đá Dừng được nhắc lại gắn liền câu ca lay động tâm thức mỗi người dân xứ Quảng: “Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng/ Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi”, cũng là dịp trở lại “miệt vườn Nam Bộ” Đại Bình, chợ Trung Phước. Cứ thế, những ai yêu thích “dư địa chí truyền hình” hay “du lịch qua màn ảnh nhỏ” được mãn nhãn với những khuôn hình cùng địa danh văn hóa, cảnh sắc và con người qua các tập phim “Cù Lao Chàm”, “Nỗi nhớ sông Tranh”, “Thao thức vùng Đông”, “Khơi dòng Lộ Cảnh Giang”...

Bà Lê Thị Thương (chủ bến đò Ông Đốc, xã Điện Hồng - Điện Bàn), nhân vật trong tập phim “Những bến đò sông Thu”. Ảnh: L.P.T
Bà Lê Thị Thương (chủ bến đò Ông Đốc, xã Điện Hồng - Điện Bàn), nhân vật trong tập phim “Những bến đò sông Thu”. Ảnh: L.P.T
“Mẹ Thu Bồn” từ tập 11 đến tập 21 vừa được trình chiếu gồm: Ngọn nguồn dòng chảy hai sông (đạo diễn Đình Phương); Những bến đò sông Thu (Phước Trịnh); Đôi bờ sông Tiên (Đình Phương); Nỗi nhớ sông Tranh, Ngó lên Hòn Kẽm (Xuân Lộc - Văn Trường); Thao thức vùng Đông (Hà Thi); Khơi dòng Lộ Cảnh Giang (Trương Vũ Quỳnh); Cù Lao Chàm (Duy Hiển); Vang vọng trống tuồng (Ngọc Kết); Còn mãi với Thu Bồn, Khúc tưởng niệm bên dòng sông (Vinh Quang).

Theo dòng chảy Mẹ Thu Bồn, người xem cũng đến với các làng “ca ra bộ” ở Quảng Nam qua tập phim “Vang vọng trống tuồng”, giới thiệu về nghệ thuật tuồng (hát bội) với những gánh hát vang bóng một thời như Đức Giáo, Khánh Thọ, Khánh Đức, Bầu Toa, An Quán... Sau thời gian tưởng chừng mai một, nghệ thuật tuồng truyền thống xứ Quảng vẫn được các “nghệ sĩ chân đất” ở Nông Sơn, Quế Sơn, Duy Xuyên, Hội An... duy trì và phát triển, trở thành món ăn tinh thần đối với người dân ở đất tuồng Quảng Nam.

Cảnh quay trong tập 20 “Còn mãi với Thu Bồn” . Ảnh: L.P.T
Cảnh quay trong tập 20 “Còn mãi với Thu Bồn” . Ảnh: L.P.T
Tri ân văn nghệ sĩ - chiến sĩ nằm lại bên dòng sông Thu
Trong loạt 11 tập tiếp theo phim tài liệu “Mẹ Thu Bồn”, QRT đã dành 2 tập để tri ân những văn nghệ sĩ - chiến sĩ đã nằm lại bên dòng sông Thu trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. “Còn mãi với Thu Bồn” và “Khúc tưởng niệm bên dòng sông” là những câu chuyện bằng hình ảnh, những hồi ức của đồng đội, người thân, nhân chứng... về con người, tác phẩm và sự hy sinh cao cả của gần 50 văn nghệ sĩ bên sông Mẹ Thu Bồn, từ ngọn nguồn Đắk Là ở Trà My đến hạ nguồn Thu Bồn tại Duy Thành (Duy Xuyên). Đó là những văn nghệ sĩ như Nguyễn Mỹ, Hà Xuân Phong, Nguyễn Hồng, Võ Thị Phương Thảo, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Trọng Định... Nhiều người trong số ấy hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ và tài năng đang độ chín.

Nối tiếp sê-ri phim tài liệu Mẹ Thu Bồn, một số tập phim chiếu trong dịp tết năm nay cũng sử dụng có hiệu quả những đại cảnh (quay bằng trực thăng) bao quát từ trên cao gây ấn tượng mạnh cho người xem. Những cảnh núi non hùng vĩ, sông nước hữu tình, những làng quê thơ mộng, những con người mộc mạc chân chất... đã tạo gam màu sáng cho phim. Là phim tài liệu văn hóa, nhưng những người làm phim QRT đã khéo léo lồng ghép “câu chuyện thời sự” vào trong phim, như hệ lụy của thủy điện Sông Tranh 2, khơi dòng Cổ Cò, huy động nguồn lực phát triển vùng đông Quảng Nam... Bên cạnh những nhà văn tên tuổi như Nguyễn Khắc Phục, Hồ Duy Lệ, Nguyễn Bá Thâm, nhà thơ Phùng Tấn Đông và đạo diễn Trương Vũ Quỳnh (VTV Đà Nẵng), những ê-kíp làm phim tài liệu “Mẹ Thu Bồn” của QRT tiếp tục khẳng định vị thế chủ công của mình trong xây dựng kịch bản, đạo diễn, quay, dựng, viết lời bình và xử lý hậu kỳ cho phim... QRT sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu để tiếp tục dự án phim tài liệu dài hơi “Mẹ Thu Bồn” (dự kiến 55 tập), phản ánh đa chiều về vùng đất, con người và trầm tích văn hóa về một trong những dòng sông hùng vĩ và thơ mộng ở miền Trung.

LÊ PHƯỚC LAN NHI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiếp nối “dòng chảy” Mẹ Thu Bồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO