Ngày 7/12/2017, Nghệ thuật Bài chòi được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sự kiện này không chỉ tôn vinh giá trị bài chòi mà còn tạo điều kiện để bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật cổ truyền này. Và, trong hành trình lan tỏa đó không thể thiếu những nghệ nhân, nghệ sĩ bài chòi, những người góp phần tạo nên sự mới lạ, hấp dẫn cho loại hình diễn xướng dân gian độc đáo này.
1. Tính đến nay anh Nguyễn Văn Quý đã có gần 20 năm theo “nghiệp” bài chòi. Xuất ngũ năm 2003 anh xin vào làm việc tại Trung tâm VH-TT TP.Hội An (nay là Trung tâm VH-TT&TT-TH thành phố), dưới sự dìu dắt của những nghệ nhân đi trước, vừa học, vừa diễn đến năm 2005, anh Quý đã vững nghề.
Không chỉ biểu diễn trong phố cổ phục vụ du khách, anh còn tham gia giảng dạy nghệ thuật bài chòi cho học sinh các trường phổ thông tại Hội An, nhiều em trong số này đã trưởng thành và hiện đang công tác, cộng tác tại Trung tâm VH-TT&TT-TH thành phố.
Dân ca bài chòi chủ yếu dựa trên 4 làn điệu cơ bản gồm xuân nữ, cổ bản, xàng xê và hò Quảng. Tuy nhiên, để bài chòi hấp dẫn và phong phú hơn, anh Quý cùng các diễn viên Nhà hát múa cổ truyền TP.Hội An (thuộc Trung tâm VH-TT&TT-TH TP.Hội An) đã vay mượn thêm các làn điệu dân ca khác như vọng kim lang, lý, hò, vè… vào trình diễn.
“Bài chòi có 3 mảng được cải tiến, phát triển theo thời gian. Ban đầu là hô hát bài chòi, sau đó cải tiến thành dân ca bài chòi và cuối cùng là ca kịch bài chòi. Khi diễn chúng tôi thường kết hợp 3 loại hình này, kể cả vay mượn nhiều ca dao, tục ngữ vào hô hát vừa tránh trùng lặp vừa không hết bài để phục vụ khách du lịch” - anh Quý chia sẻ.
Bài chòi được xem là môn nghệ thuật có tính mở. Nếu dân ca bài chòi chỉ thể hiện trong phạm vi bài hát thì hô bài chòi, ngoài hát còn phải diễn xuất nên đòi hỏi khả năng ứng biến của diễn viên rất cao. Đây cũng là nét hấp dẫn mà hô hát bài chòi mang lại.
So với các địa phương khác trong tỉnh như Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn, Núi Thành, bài chòi Hội An không chỉ độc đáo về nội dung diễn xướng mà cách thức hô hát cũng khác biệt. Theo anh Quý, vì hô hát bài chòi ở Hội An chủ yếu phục vụ du lịch nên từ trang phục, lời hát cho đến đạo cụ, nhạc cụ phải có sự cải tiến phù hợp.
Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền Hội An hiện có khoảng 30 người tham gia các hoạt động bài chòi (ca, nhạc, chạy cờ, lính lệ…), riêng diễn viên hô, hát bài chòi là 12 người, ngoài tham dự một số sự kiện, nhóm chủ yếu trình diễn tại khu vực bùng binh Chùa Cầu.
Ở tuổi 43 không còn trẻ nhưng chưa phải đã già, hàng đêm Nguyễn Văn Quý cùng những đồng nghiệp của mình vẫn miệt mài hô hát những làn điệu dân ca đến người xem và du khách.
“Hội An là mảnh đất lý tưởng để những người như chúng tôi có điều kiện tiếp tục theo đuổi, thực hành, tận hiến với nghề một cách tốt nhất” - anh Quý tâm sự.
2. Cùng thế hệ Nguyễn Văn Quý, Lê Thị Thu Sang được xem là một trong những nghệ sĩ bài chòi giỏi ở Hội An. Quê phường Cẩm Nam (Hội An), từ nhỏ Thu Sang đã thích bài chòi. Năm 2001 chị gia nhập Đội văn nghệ Trung tâm VH-TT TP.Hội An, thời gian đầu cũng chỉ hát dân ca, mãi đến năm 2007 mới chính thức tham gia hô hát bài chòi.
Theo Thu Sang, yếu tố thu hút khách tham gia trò chơi bài chòi chính là cách diễn, người diễn viên phải dí dỏm, ứng đối trước khán giả để người nghe thích thú.
“Cái hay của bài chòi là mình có thể lồng ghép các vấn đề đời sống xã hội vào tuyên truyền như đạo làm con, phòng tránh tệ nạn ma túy…, do đó ngoài thuộc một số bài mẫu đôi khi cũng phải sáng tạo thêm trong quá trình biểu diễn” - chị Sang kể.
Tuy ngoài tuổi 40 nhưng so với các thế hệ bài chòi đi trước của Hội An như nghệ nhân Lương Đáng, Thu Hương… thì Thu Sang vẫn là thế hệ trẻ về tuổi nghề. Hiện tại, hầu hết diễn viên hô hát bài chòi của Nhà hát múa cổ truyền TP.Hội An có tuổi đời trên 40.
Cũng như Nguyễn Văn Quý, ngoài biểu diễn phục vụ du lịch, chị Thu Sang còn tham gia các lớp dạy hô hát dân ca bài chòi tại trường và trong phố cổ. Mỗi đêm tại khu vực bùng binh Chùa Cầu diễn ra 5 - 10 suất hô hát bài chòi, trở thành một sản phẩm du lịch không thể thiếu về đêm của phố cổ. Không chỉ khách Việt Nam háo hức mà khách nước ngoài cũng thích thú với trò chơi hô hát bài chòi vì vui nhộn.
Có thể khẳng định, sau 5 năm kể từ khi nghệ thuật bài chòi được UNESCO vinh danh, loại hình nghệ thuật này đã dần trở nên quen thuộc với người dân và du khách.
Tiếp nối những giá trị bài chòi, thời gian qua TP.Hội An cũng đã xây dựng nhiều kế hoạch đào tạo đội ngũ kế cận, và những nghệ sĩ như Nguyễn Văn Quý, Lê Thị Thu Sang… đã trở thành mạch nguồn tiếp nối những giá trị của loại hình diễn xướng dân gian độc đáo này.
Ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An khẳng định, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ bài chòi kế cận đã được thành phố triển khai hàng chục năm nay từ việc đưa bài chòi vào trường học đến học miễn phí trong phố cổ hàng đêm, kể cả lồng ghép bài chòi vào các hoạt động văn hóa văn nghệ địa phương để tìm ra những nhân tố mới.
“Việc trao truyền nghề không chỉ là tuyển chọn diễn viên mà còn mong muốn bài chòi được lan tỏa rộng rãi để số người biết và nắm vững các giai điệu bài chòi tăng lên. Như thế giá trị của di sản sẽ có chiều rộng và chiều sâu hơn và phát triển bền vững” - ông Lanh nói.