Tiếp nối và phát huy truyền thống

BÍCH LIÊN 06/08/2019 15:55

Nhân kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Thượng Đức, trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam về phát huy truyền thống, xây dựng, nâng cao đời sống nhân dân vùng A Đại Lộc, ông Nguyễn Công Thanh - Bí thư Huyện ủy Đại Lộc  nói:

Tri ân, phát huy truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”; đầu tư có trọng điểm nhằm tạo động lực giảm nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng, tạo “đòn bẫy” phát triển, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân vùng A Đại Lộc… là những nhiệm vụ trọng tâm được Đảng bộ, chính quyền huyện Đại Lộc chú trọng.

Tượng đài Chiến thắng Thượng Đức, nơi ghi dấu một thời oai hùng của đất và người vùng A Đại Lộc. Ảnh: T.C
Tượng đài Chiến thắng Thượng Đức, nơi ghi dấu một thời oai hùng của đất và người vùng A Đại Lộc. Ảnh: T.C

* Thưa ông, phát huy tinh thần, ý nghĩa của Chiến thắng Thượng Đức, đến nay Đại Lộc đã chú trọng trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, giáo dục truyền thống trong thế hệ trẻ ra sao?

Ông Nguyễn Công Thanh: Chiến thắng Thượng Đức là mốc son lịch sử quan trọng trong công cuộc giải phóng quê hương, bảo vệ Tổ quốc. Thượng Đức, địa danh, di tích gắn liền với chiến thắng này được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Để phát huy tinh thần, ý nghĩa của chiến thắng và phát huy hiệu quả của di tích, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đại Lộc luôn tổ chức các hoạt động tri ân người có công, các anh hùng liệt sĩ nhân các ngày lễ lớn. Huyện cũng tiếp tục phối hợp với Sư đoàn 304, Sư đoàn 324 thường xuyên tổ chức các hoạt động “Về nguồn”; tổ chức các đợt tham quan, dã ngoại, cắm trại, giao lưu, gặp gỡ nhân chứng lịch sử nhằm bồi dưỡng, vun đắp, phát huy truyền thống cách mạng nơi thế hệ trẻ. Hằng năm, huyện chỉ đạo các nhà trường, đơn vị, cơ quan tổ chức cho cán bộ, giáo viên và học sinh tham quan, dã ngoại tại Khu tưởng niệm Chiến thắng Thượng Đức, tổ chức viếng hương tại nghĩa trang liệt sĩ các xã vùng A nhân các ngày lễ lớn.

Việc tổ chức giảng dạy lịch sử truyền thống quê hương, đưa sự kiện Chiến thắng Thượng Đức vào chương trình giảng dạy bộ môn Lịch sử lâu nay được triển khai ở bậc THCS và sẽ đưa vào giảng dạy ở bậc THPT trong giai đoạn tới nhằm bồi dưỡng, hun đúc lòng yêu nước, yêu quê hương trong các thế hệ học sinh. Huyện cũng sẽ góp phần cùng với các sở, ban ngành đề xuất các ngành chức năng đưa Chiến thắng Thượng Đức vào sách giáo khoa Lịch sử cả nước giảng dạy, bởi vai trò, ý nghĩa, tầm vóc của chiến thắng này rất lớn.

* Để Di tích Chiến thắng Thượng Đức - Khu tưởng niệm Chiến thắng Thượng Đức thực sự trở thành “địa chỉ đỏ”, có ý nghĩa thiết thực trong giáo dục truyền thống cách mạng, huyện đã, đang và sẽ có chủ trương, động thái tích cực như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Công Thanh: Huyện ủy, UBND huyện Đại Lộc đã tích cực phối hợp với Sở VH-TT&DL trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di tích Khu tưởng niệm Thượng Đức xứng tầm di tích quốc gia, là “địa chỉ đỏ”, nơi diễn ra các buổi cắm trại, dã ngoại, giáo dục truyền thống cách mạng trong thanh niên và cán bộ trẻ. Huyện tiếp tục phối hợp với Sư đoàn 304, Sư đoàn 324 và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, cùng với sự hỗ trợ của UBND tỉnh tiếp tục nâng cấp, tôn tạo một số hạng mục di tích tại Khu tưởng niệm Chiến thắng Thượng Đức với hầm hào, công sự, nhà đón tiếp khách, tường rào, cổng ngõ… Để hoàn thành những hạng mục này đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn. Đại Lộc rất mong có sự chung tay góp sức của các đơn vị, các cấp, ngành, đoàn thể, sát cánh cùng với địa phương phát huy ý nghĩa của di tích trong thực tiễn.

Ông Nguyễn Công Thanh - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đại Lộc. Ảnh: BÍCH LIÊN
Ông Nguyễn Công Thanh - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đại Lộc. Ảnh: BÍCH LIÊN

* Cùng với phát huy giá trị Di dích Chiến thắng Thượng Đức, việc tập trung cải thiện diện mạo và bức tranh kinh tế đời sống ở vùng A Đại Lộc cũng là một cách “đền ơn đáp nghĩa”, thưa ông?

Ông Nguyễn Công Thanh: Được sự hỗ trợ của tỉnh, thời gian qua huyện chú trọng tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng A. Cụ thể là tuyến ĐT609 đi qua Đại Lãnh nối với An Điềm - Đại Hưng đi Đông Giang, Nam Giang; rồi tuyến ĐH12 từ Đại Lãnh kết nối với tuyến ĐT609 và kết nối với Đại Sơn, và khi cầu Tân Đợi được đầu tư xây dựng, sẽ tạo động lực kết nối vùng. Giao thông thuận lợi, phát triển, kết nối vùng sẽ tạo động lực thúc đẩy kinh tế, đời sống, xã hội phát triển. Huyện cũng chú trọng tạo các trục kết nối, liên thông giữa Khu tưởng niệm Chiến thắng Thượng Đức với Khu du lịch suối nước nóng Thái Sơn (Đại Hưng), Khu du lịch Bằng Am - Khe Lim ở Đại Hồng, Khu du lịch Cổng Trời (Đông Giang), các khu du lịch ở Tây Giang và các vùng lân cận, tạo đà phát triển du lịch lịch sử - văn hóa, tạo điều kiện cho các tầng lớp cán bộ, nhân dân huyện và các địa phương đến tham quan, dã ngoại, hiểu biết hơn về lịch sử truyền thống cách mạng của quân và dân Đại Lộc. Việc kết nối các tuyến đường trọng điểm, kết nối các tour tuyến du lịch trọng điểm góp phần làm cho bức tranh du lịch phát triển, tạo động lực giảm nghèo nơi vùng A. Huyện cũng xác định tập trung xây dựng vùng A trở thành vùng trọng điểm về thương mại, du lịch.

Cùng với đó, Đại Lộc ưu tiên các chính sách giảm nghèo, hỗ trợ giống cây con, tổ chức các lớp học nghề cho thanh niên, hỗ trợ việc làm, tổ chức trao sinh kế… cho nhân dân vùng A. Huyện ủy, UBND huyện cũng ban hành các cơ chế, chính sách có trọng điểm, tạo động lực để cuối năm 2019 xã Đại Lãnh có đủ tiềm lực về đích nông thôn mới và xã Đại Hưng về đích vào năm 2020.

* Xin cảm ơn ông!

UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN

Tri ân các anh hùng liệt sĩ, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” là đạo lý tốt đẹp đối với những người đã ngã xuống trên đất Đại Lộc nói chung, nơi vùng A - Đại Lộc gắn liền với các trận đánh tại Thượng Đức nói riêng. 

Ông Trần Văn Mai - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc: Tích cực phối hợp tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ

“Cách đây 5 năm, từ nguồn vận động xã hội hóa của Ban liên lạc Sư đoàn 304 cùng với một phần ngân sách huyện, Tượng đài Chiến thắng Thượng Đức đã hình thành, công trình nhà truyền thống cũng được xây dựng từ nguồn hỗ trợ kinh phí của tỉnh. Song, để phát huy hiệu quả công trình, vẫn còn một số hạng mục như: xây dựng tường rào, tu bổ hầm hào, công sự, nhà đón khách và một số công trình khác có liên quan cần tiếp tục được xây dựng. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện đã và đang khảo sát, xây dựng quy hoạch trình UBND tỉnh đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đại Lộc cũng quan tâm, bố trí kinh phí trùng tu, tôn tạo các nghĩa trang liệt sĩ, hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Dịp này, Ban chỉ đạo 24 của huyện cùng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy Quân sự huyện và Ban liên lạc Sư đoàn 304, Sư đoàn 324 tổ chức đợt tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trận Thượng Đức 1974 tại điểm cao 1062. Theo đó sẽ mở đường công vụ từ điểm cao 700 lên điểm cao 1062; phát quang, rà phá bom mìn, xử lý vật liệu nổ... Tiếp đó là giai đoạn khai quật, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ diễn ra từ ngày 4 - 23.8 và 5 - 30.9 tới”.

Ông Nguyễn Trung Chính - nguyên Huyện đội trưởng Huyện đội Đại Lộc: Mong lớp trẻ tiếp bước cha ông

“Mong rằng lớp trẻ kế tiếp phải giữ vững niềm tin, tiếp bước cha ông. Cán bộ trẻ phải hết sức hỗ trợ, giúp đỡ thân nhân các liệt sĩ trong việc tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ, trong việc hỗ trợ điều tra, xác minh thông tin để thân nhân liệt sĩ cảm thấy ấm lòng. Việc xây dựng công trình Khu tưởng niệm Chiến thắng Thượng Đức thể hiện sự cố gắng rất lớn của địa phương, từ nguồn từ vận động xã hội hóa của Ban liên lạc Sư đoàn 304. Tuy nhiên, còn một số hạng mục cần tiếp tục đầu tư xây dựng, nhằm tạo sức sống cho quần thể di tích, để di tích trở thành “địa chỉ đỏ”. Công tác giáo dục truyền thống bài vở có rồi nhưng cần đi vào thực tiễn, cần phải có những con người tâm huyết”.

Ông Ngô Xuân Yến - Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh: Chú trọng giáo dục truyền thống

Công tác giáo dục truyền thống trong học đường, nhất là đối với học sinh THCS được địa phương chú trọng. Xã thường mời các cựu chiến binh nói chuyện truyền thống dưới cờ ở Khu tưởng niệm Thượng Đức và một số trường học. Mỗi dịp lễ tết, địa phương tổ chức các lễ viếng, dâng hương tưởng niệm tại Khu tưởng niệm Thượng Đức và nghĩa trang liệt sĩ xã. Cùng với đó, tuổi trẻ địa phương thường xuyên phát động các hoạt động chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, thắp nến tri ân, dâng hương tưởng niệm, thăm hỏi gia đình người có công... Thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” cũng là cách địa phương giáo dục tiếp nối và phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc nơi thế hệ trẻ.

BÍCH LIÊN (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiếp nối và phát huy truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO