Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Nam, các hộ nghèo, cận nghèo đã có điều kiện thuận lợi để xây dựng mô hình kinh tế ổn định, vươn lên thoát nghèo.
Ở thôn Khánh Tân (xã Tam Dân, Phú Ninh), gia đình ông Đỗ Quang Phong được mọi người nhắc đến là tấm gương vượt khó. Năm 2012, gia đình ông Phong nằm trong danh sách hộ đặc biệt nghèo. Đến năm 2014, gia đình vươn lên hộ cận nghèo và làm đơn xin thoát nghèo vào năm 2016. “Gia đình tôi không cam chịu nghèo khó để nhận trợ giúp của chính sách. Khi có cơ hội, chúng tôi vươn lên, xây dựng mô hình kinh tế phù hợp để ổn định cuộc sống” - ông Phong nói.
Việc trợ giúp nguồn vốn kịp thời, hiệu quả giúp nhiều hộ thoát nghèo bền vững. Ảnh: V.QUANG |
Trong vòng 6 năm qua, gia đình ông Phong 3 lần được Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh huyện Phú Ninh cho vay vốn ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo để phát triển sản xuất. Hiện tại, điều kiện kinh tế của gia đình ông Phong ổn định với 5 con bò và 5 con trâu sinh sản, 5 con heo nái cùng đàn gà, vịt hơn 100 con. Ngoài ra, gia đình cũng mua máy cày, máy gặt lúa phục vụ sản xuất của các nông hộ trên địa bàn. “Gia đình anh Phong là một trong những điển hình lao động giỏi. Hầu như vợ chồng anh làm việc không ngơi tay, mùa nào việc nấy, đem lại cho họ nguồn thu nhập ngày càng ổn định hơn”, bà Nguyễn Thị Tâm - Tổ trưởng tổ ủy thác vay vốn thôn Khánh Tân cho biết.
Theo ông Nguyễn Dương Quang - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh huyện Phú Ninh, thời gian qua, phần lớn hộ nghèo được vay vốn đều sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, tạo điều kiện thoát nghèo bền vững. “Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo được tiếp cận vốn vay ưu đãi. Điều quan trọng nhất là họ phải định hướng rõ, cụ thể các mô hình kinh tế sẽ triển khai từ vốn vay, qua đó nâng cao mục đích sử dụng vốn” - ông Quang nói. Ngoài ra, ngân hàng cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các xã trên địa bàn, triển khai giao dịch ngay tại cơ sở. Ngân hàng kêu gọi các tổ ủy thác vay vốn, các tổ chức hội, đoàn thể như thanh niên, nông dân, phụ nữ... cùng sát cánh, khách quan bình xét nhu cầu, phương án vay vốn của hộ nghèo rồi cùng kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng nguồn vốn, qua đó tăng cường chất lượng tín dụng vốn vay ưu đãi. “Tin vui đối với các hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo là mức vay tối đa đã được nâng lên 50 triệu đồng/hộ. Chúng tôi rất kỳ vọng với trợ lực tăng lên, các hộ sẽ có thêm điều kiện để tăng quy mô khi nhân rộng các mô hình kinh tế đạt hiệu quả bước đầu, qua đó phát triển bền vững, nâng cao thu nhập, làm giàu chính đáng. Đó là cơ sở để bộ mặt nông thôn mới của địa phương ngày càng khởi sắc hơn” - ông Quang cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Quang Dinh - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Nam, thời gian qua, đơn vị đã áp dụng nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay đối với các hộ nghèo, cận nghèo. Ban đại diện Hội đồng quản trị của ngân hàng chính sách xã hội cấp tỉnh, cấp huyện đã xây dựng, ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát cho từng thành viên, phù hợp với nhiệm vụ của từng đơn vị. Ngay từ đầu năm, đơn vị đã ban hành kế hoạch kiểm tra, kiểm toán nội bộ và đã thực hiện toàn diện ở một số địa phương, qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành quy trình nghiệp vụ. Các tổ chức hội, đoàn thể và chính quyền cơ sở cũng đã tăng cường giám sát quy trình bình xét cho vay, đảm bảo dân chủ, đúng đối tượng, đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh của các hộ gia đình.
VIỆT QUANG