Tiếp sức cho kinh tế vườn, trang trại

NGUYỄN SỰ 23/09/2021 06:48

Những năm qua, nhờ thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ, người dân có điều kiện đầu tư phát triển mạnh kinh tế vườn – kinh tế trang trại (KTV–KTTT) và đã xuất hiện nhiều mô hình mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, KTV–KTTT còn bộc lộ không ít hạn chế. Dự kiến, tại Kỳ họp lần thứ 3, HĐND tỉnh khóa X sẽ xem xét thông qua cơ chế Hỗ trợ phát triển KTV-KTTT Quảng Nam giai đoạn 2021 – 2025. Đây được xem là động lực để tạo bước đột phá.

Hiện nay, phần lớn người dân gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư phát triển mô hình kinh tế trang trại. Ảnh: N.S
Hiện nay, phần lớn người dân gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư phát triển mô hình kinh tế trang trại. Ảnh: N.S

Nhận diện khó khăn

Ông Trần Văn Lưu – Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Nông Sơn cho biết, toàn huyện có 2.825 mô hình sản xuất KTV với tổng diện tích hơn 350ha. Tuy nhiên, hạ tầng thủy lợi chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ nên mới chỉ có 30% diện tích đảm bảo nguồn nước tưới. Do vậy, năng suất cây trồng và giá trị kinh tế không cao.

Trong khi đó, ông Trần Huy Tường – Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho rằng, nhu cầu đầu tư phát triển lĩnh vực KTV-KTTT trong nhân dân khá lớn. Tuy nhiên, năng lực vốn của chủ vườn, chủ trang trại còn yếu, trong khi việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng gặp nhiều khó khăn, thủ tục vay vốn phức tạp, mức vay chưa đảm bảo để đầu tư đồng bộ.

Còn ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn nhìn nhận: “Thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ KTV-KTTT không ổn định, nhất là 2 năm qua dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn. Vấn đề đáng quan tâm nữa là tính liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ KTV-KTTT còn hạn chế. Nhiều địa phương thiếu các đơn vị, doanh nghiệp liên kết sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ nông sản...”.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, KTV-KTTT của nhiều nơi còn chưa chuyên canh theo hướng hàng hóa; việc định hướng sản xuất các loại cây trồng, con vật nuôi, loại hình sản xuất còn chưa phù hợp. Công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát và phát triển các loại giống cây trồng, con vật nuôi còn bất cập. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh thiếu các đơn vị cung ứng giống có chất lượng.

Tạo động lực phát triển

Tại Kỳ họp lần thứ 3 HĐND tỉnh khóa X dự kiến diễn ra ngày 24.9, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh xem xét thông qua đề án về cơ chế hỗ trợ phát triển KTV-KTTT giai đoạn 2021 - 2025. Ông Trần Út – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, theo dự thảo đề án, từ năm 2021 – 2025 tổng nguồn kinh phí phát triển KTV–KTTT khoảng 2.475 tỷ đồng. Trong đó, vốn của nhân dân hơn 2.025 tỷ đồng, vốn hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách tỉnh gần 283 tỷ đồng, vốn ngân sách cấp huyện 34,6 tỷ đồng, vốn lồng ghép hơn 132 tỷ đồng.

Phần lớn kinh phí từ ngân sách tỉnh và huyện đều ưu tiên hỗ trợ đầu tư phát triển KTV-KTTT. Theo đó, hỗ trợ xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến cho các sản phẩm từ KTV–KTTT. Hỗ trợ 50% chi phí thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói, tem điện tử với mức tối đa 5 triệu đồng/sản phẩm; tổng mức hỗ trợ không quá 5 triệu đồng/chủ vườn và không quá 10 triệu đồng/chủ trang trại...

Đối với trang trại, hạn mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tiền vay không quá 60% tổng vốn đầu tư cho trang trại, mức vốn vay tối đa được hưởng hỗ trợ là 1 tỷ đồng/trang trại; mức hỗ trợ là 50% tổng mức tiền lãi suất vay thực trả.

Thời gian hỗ trợ tối đa là không quá 1 năm/chủ trang trại trồng cây hàng năm, trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản có chu kỳ nuôi dưới 1 năm, trang trại tổng hợp; không quá 3 năm/chủ trang trại trồng cây lâu năm, trang trại lâm nghiệp, trang trại tổng hợp, trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản có chu kỳ nuôi lớn hơn 1 năm.

Ngoài ra, còn có chính sách hỗ trợ kinh phí cho chủ vườn chỉnh trang, cải tạo vườn, mua giống cây trồng dài ngày, mua phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; hỗ trợ chủ trang trại kinh phí thiết kế và cải tạo mặt bằng, đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiếp sức cho kinh tế vườn, trang trại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO