Phấn đấu của cá nhân cộng hưởng với sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng đã giúp cho nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện
Từ việc được trao tặng bò, gia đình ông Lê Hữu Cầu (thôn Quý Hương, xã Bình Quý) quyết tâm thoát nghèo dựa vào phát triển chăn nuôi bò. Ảnh: Q.VIỆT |
Điểm sáng
Bà Nguyễn Thị Một (thôn 1, xã Bình Dương, Thăng Bình) là một trong 4 chủ hộ đã tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã trong năm 2013. Sống ở vùng đông Thăng Bình, bà Một nuôi con ăn học bằng 2 sào ruộng quanh năm thiếu nước tưới. Mỗi năm chỉ sản xuất được một vụ, thu hoạch chừng 400kg lúa, dù tằn tiện lắm bà cũng khó đắp đổi được qua ngày nếu không có sự trợ giúp của cộng đồng. Bởi, số tiền định mức hỗ trợ cho người nghèo không giúp được bà nhiều khi lo cho con ăn học ở trường Cao đẳng Điện lực miền Trung tại Hội An. “Ở vùng cát này có nhiều gia đình hoàn cảnh rất khó khăn. Nhưng ai cũng “viện cớ” nghèo thì làm sao xã hội san sẻ hết được. Khó khăn bủa vây thì quen rồi, mình phải làm gì đó để thoát nghèo chứ?” - bà Một bộc bạch. Tự hứa với mình như vậy, bằng tất cả các nguồn hỗ trợ và vay mượn, bà mua 10 con gà con và một con heo nái. Chỉ trong 2 năm 2011 - 2012, dựa vào chăn nuôi, bà xoay xở được nợ nần và dành dụm đủ tiền lo cho con ăn học. “Ngoài tự phấn đấu, may nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng mà gia đình tôi tuy còn nghèo những đã bớt khó khăn, có thể tự sống được. Tôi xin ra khỏi hộ nghèo để nhường sự hỗ trợ của Nhà nước cho người khác và để họ cũng cố gắng thoát nghèo” - bà Một tâm sự.
Từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Thăng Bình giảm từ 21,7% xuống còn hơn 15%, bình quân hằng năm giảm 2,95%. Từ sự hỗ trợ, các hộ nghèo trên địa bàn huyện đã biết cách thoát nghèo; nhiều hộ vượt khó phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Cạnh đó, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xuất khẩu lao động, hỗ trợ vốn vay đã thực sự là cầu nối giúp các hộ nghèo phát triển sản xuất, ổn định được cuộc sống. |
Cũng tại xã Bình Dương, còn có những tấm gương thoát nghèo của bà Lưu Thị Huyền hay bà Nguyễn Thị Xí - những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi phải chăm lo cho những thành viên trong gia đình không thể lao động hoặc đau yếu, bệnh tật. Hay như đến thôn Quý Hương, xã Bình Quý, hỏi thăm gia đình ông Lê Hữu Cầu, ai cũng chỉ giúp kèm theo lời khen: “Nhà nghèo nhưng biết vượt khó”. Từ việc được trao tặng một con bò từ quỹ “Chung tay vì người nghèo” của huyện Thăng Bình, đến nay, gia đình ông Cầu đã phát triển thành đàn và đang quyết tâm lập nghiệp bằng mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi bò. “Thời gian qua, các hộ nghèo trên địa bàn đã biết cách vượt qua bản thân, không trông chờ, ỷ lại vào các hỗ trợ từ chính sách giảm nghèo. Ý thức phấn đấu phát triển sản xuất, tự tìm việc làm, tự lực cánh sinh đã giúp các hộ nghèo ngày một hòa nhập hơn vào cuộc sống” - ông Nguyễn Tấn Bình, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện, nói.
Tiếp sức
Ông Phan Nghĩa - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình cho biết, thời gian qua huyện đã kiên trì thực hiện giảm nghèo bằng các mục tiêu cụ thể trên từng lĩnh vực, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương và chính hộ nghèo. Để đẩy mạnh giảm nghèo trong thời gian đến, huyện sẽ lấy sự tăng trưởng kinh tế nhanh, hiệu quả và bền vững làm cơ sở. Huyện cũng sẽ chủ động huy động các nguồn lực và tổ chức thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm. “Cùng với việc tạo cơ hội để người nghèo tự lực vươn lên, Thăng Bình sẽ tạo điều kiện để người nghèo thụ hưởng các chính sách xã hội, nâng cao điều kiện sống. Đồng thời, chú trọng đầu tư hạ tầng, đào tạo nghề để các hộ nghèo có cơ hội phát triển sản xuất, hướng đến giảm nghèo bền vững” - ông Phan Nghĩa nói.
Ông Trần Văn Thức - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho hay, từ nay đến năm 2015, huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 8% (bình quân mỗi năm giảm từ 3,5 - 4%); hộ cận nghèo còn dưới 5% (bình quân mỗi năm giảm 3 - 3,5%). Để thực hiện điều đó, ngoài việc tiếp tục củng cố bộ máy thực hiện công tác giảm nghèo, huyện sẽ đa dạng hóa nguồn vốn huy động để triển khai công tác giảm nghèo. “Cùng với việc trích ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn khác, huyện vận động sự đóng góp của các doanh nghiệp, sự tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa bàn để thực hiện giảm nghèo” - ông Trần Văn Thức nói. Còn theo ông Nguyễn Tấn Bình, Thăng Bình đang tích cực tuyên truyền công tác giảm nghèo ở cơ sở bằng việc vận động người dân xóa bỏ tư tưởng “xin nghèo” và phát động các phong trào thi đua “Cùng nhau thoát nghèo” trong các tổ chức, đoàn thể, tộc họ. Bên cạnh việc điều tra rà soát chặt chẽ trường hợp hộ nghèo, cận nghèo, địa phương sẽ thực hiện thường xuyên hơn việc khen thưởng đối với các xã, thôn, hộ nghèo có thành tích giảm nghèo và giảm nghèo bền vững.
NGUYỄN QUANG VIỆT