Với các sự kiện khởi nghiệp liên tục đồng hành, thời gian qua những người trẻ Quảng Nam đã, đang và có ý định khởi nghiệp tại khu vực miền Trung như được tiếp thêm ngọn lửa để nhìn ra các rào cản, hạn chế, từ đó vững bước với dự án của mình.
Những tư vấn thẳng thắn từ các chuyên gia khởi nghiệp giúp các start-up nhận ra hạn chế của dự án. Ảnh: N.Q |
Đồng hành
Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2018 (Techfest 2018) tổ chức tại Đà Nẵng vào cuối tháng 11 đầu tháng 12 vừa qua được xem là sự kiện khởi nghiệp lớn nhất trong năm của các start-up. Dễ thấy sự tiến triển mạnh mẽ của phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam chỉ qua 1 năm với việc quy tụ tới 600 doanh nghiệp khởi nghiệp (năm 2017 chỉ có 360 doanh nghiệp). Việc lần đầu tiên Techfest được tổ chức ở miền Trung đã tạo cơ hội lớn cho việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp tại đây bởi không chỉ các doanh nghiệp khởi nghiệp khu vực này tham gia mà hàng ngàn sinh viên, cộng đồng muốn tìm hiểu cũng có cơ hội được tiếp cận sâu với các kiến thức khởi nghiệp mới mẻ. Theo ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ KH-CN), việc nằm cách xa các trung tâm nghiên cứu, trung tâm ươm tạo chất lượng đã là một khó khăn lớn cho các start-up, nhất là tại khu vực miền Trung.
Có thể nhìn nhận lại sự hạn chế thấy rõ của phong trào start-up khu vực miền Trung khi không có đại diện nào nằm trong top 10 đội vào vòng chung kết cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo quốc gia. Trong khi các start-up tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh đã tiếp cận toàn diện và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào phát triển các dự án khởi nghiệp thì điều này tại khu vực miền Trung vẫn còn những rào cản nhất định. Tuy nhiên ông Lê Hoàng Nhật - Giám đốc điều hành Công ty CP Công nghệ BMG AMI cho rằng, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không chỉ dừng lại ở làm sản phẩm mà còn phải đổi mới mô hình kinh doanh quá trình vận hành và chiến lược phát triển trong đó yếu tố con người là quan trọng nhất. Chị Dương Diễm My (quê Duy Xuyên) - Người sáng lập dự án Adei House (Ẩm thực Chăm) bộc bạch: “Rõ ràng qua Techfest 2018 tôi thấy cần phải nỗ lực ứng dụng công nghệ vào dự án khởi nghiệp nhất là trong lĩnh vực du lịch. Nhờ được tham gia Techfest, Adei House đã tiếp cận được các công nghệ về quảng cáo bằng video 3D, các kết nối… cũng như tạo được mối quan hệ với các công ty lữ hành, nhà đầu tư quan tâm rất có lợi cho dự án phát triển sau này”.
Thay đổi tư duy
Với đam mê sáng tạo và khát khao vươn lên không ngừng nghỉ, nhiều dự án khởi nghiệp do người Quảng Nam sáng lập đã vươn cao và được nằm trong gian hàng cộng đồng khởi nghiệp TP.Đà Nẵng tham dự Techfest 2018 để trau dồi, cọ xát với các start-up khắp nơi. Những sinh viên, thợ may đến từ các vùng quê nghèo tại Phú Ninh, Núi Thành, Tiên Phước… với các dự án “UCOM”, “H2O Farm” hay “Minh Hồng” đã chứng minh rằng tiền không phải là tất cả để dự án có thể chen chân trên thị trường khi khởi nghiệp. Hay với dự án “Phở sắn Caromi”, dù dừng bước ở vòng bán kết cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo quốc gia 2018 nhưng sân chơi này cũng đem lại nhiều kinh nghiệm bổ ích cho start-up của dự án, nhất là ở kỹ năng giao tiếp, kêu gọi đầu tư. Anh Dương Ngọc Ảnh (quê Quế Sơn) - người sáng lập dự án, cho hay: “Đơn vị vừa làm xong nhà phơi hiện đại để nâng cao năng suất cũng như chất lượng của phở sắn. Dự kiến sau Tết Nguyên đán chúng tôi sẽ triển khai hệ thống phân phối trực tiếp tại TP.Hồ Chí Minh và cũng có đơn vị ở nước ngoài liên hệ đặt vấn đề tiêu thụ sản phẩm”.
Bên cạnh Techfest 2018, thời gian qua những start-up trẻ của Quảng Nam cũng được tiếp cận với nhiều kiến thức mới, những tư vấn thẳng thắn để phát triển từ các chuyên gia uy tín qua các sự kiện, hội thảo khởi nghiệp quy củ. Ông Nguyễn Việt Đức - Tổng Giám đốc Công ty CP Quản lý đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam cho rằng, hầu hết start-up trẻ tại địa phương hiện nay chưa có kỹ năng để chào mời các nhà đầu tư. “Khi giới thiệu dự án các bạn dường như tập trung thuyết trình để bán sản phẩm thay vì có những biện luận để nhà đầu tư nhìn thấy khả năng sinh lợi của dự án” - ông Đức nói. Ông Phan Xuân Thanh - Chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp Hội An cũng thừa nhận: “Hiện nay phần lớn các dự án khởi nghiệp tại địa phương vẫn còn đi theo lối mòn tận dụng lợi thế bản địa chứ chưa chú trọng nhiều đến tính sáng tạo và rất cần những kinh nghiệm, tư vấn để thay đổi điều này”. Các chuyên gia trong và ngoài nước về khởi nghiệp đều có chung nhận định, Quảng Nam cần thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương phát triển bền vững, có sự tham gia của nhiều thành phần đó sẽ là môi trường thích hợp để ươm mầm nên những start-up tầm cỡ.
NGUYỄN QUỐC