Tiếp sức để hàng Việt hấp dẫn hơn

VIỆT NGUYỄN 27/12/2019 13:20

Qua các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, hàng Việt đã được người tiêu dùng ưa chuộng. Để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng thực chất, tạo ra sức hút hơn nữa với người tiêu dùng, các cơ quan Nhà nước nên có thêm các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp trong nước.

Các sản phẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp và dược liệu Tây Giang được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Các sản phẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp và dược liệu Tây Giang được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Thích thú hàng Việt

Qua các hội chợ, các sản phẩm nông nghiệp xanh của Quảng Nam được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Tại hội chợ hàng Việt được Trung tâm Khuyến công & xúc tiến thương mại TP.Đà Nẵng tổ chức vừa qua, nhiều người dân Đà Nẵng đã mua các sản phẩm măng điền trúc, măng rừng, chè dây, mật nhân, chuối hột rừng, tiêu rừng, cà gai leo, táo mèo, gạo nếp than, nấm lim xanh của Hợp tác xã Nông nghiệp và dược liệu Tây Giang.

“Các loại sản vật rừng như dược liệu và thực phẩm có tác dụng rất tốt trong trị liệu cũng như trong cuộc sống. Tôi luôn tin tưởng các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng của HTX Nông nghiệp và dược liệu Tây Giang” - chị Lê Mỹ Ý (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) nói.

Anh Phạm Thanh Trà - phụ trách bán hàng của hợp tác xã cho biết: “Người tiêu dùng ngày càng thích dùng các sản phẩm sạch, tự nhiên nên đơn vị rất chú trọng nguồn nguyên liệu bản địa để tạo sản phẩm chất lượng tốt, cung ứng theo nhu cầu của khách hàng. Được người tiêu dùng đón nhận là vinh dự rất lớn của chúng tôi”. 

Theo đánh giá của Sở Công Thương, hàng Việt đã chiếm thị phần đáng kể trong các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, chợ vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Đến nay, hàng Việt đã chiếm thị phần khá lớn trong dòng hàng hóa lưu thông trên địa bàn tỉnh. Hàng Việt từng bước tạo được sự tin cậy đối với người tiêu dùng về chất lượng, mẫu mã, giá cả. Sản phẩm Việt đang dần thay thế hàng nhập ngoại. Người dân đã từng bước hình thành thói quen lựa chọn những hàng hóa sản xuất trong nước như hàng dệt may, hàng nội thất, xe máy, đồ gia dụng, đồ dùng học tập, văn phòng phẩm, điện tử, điện lạnh và nhiều mặt hàng thiết yếu khác để dùng.

Hỗ trợ doanh nghiệp

Theo ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công - xúc tiến thương mại & quản lý cửa khẩu (Sở Công Thương), doanh nghiệp Quảng Nam đang đứng trước nhiều thách thức. Áp lực cạnh tranh ngày càng cao do sự thâm nhập của hàng hóa nhập khẩu. Hoạt động mở rộng hệ thống phân phối hiện đại của doanh nghiệp nước ngoài sẽ khiến hàng Việt mất dần chỗ đứng, thị phần bán lẻ thu hẹp nếu doanh nghiệp không thích ứng kịp. Các sản phẩm nông sản thực phẩm còn chưa hoàn thiện truy xuất nguồn gốc nên chưa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Do đó, Nhà nước cần xây dựng những cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Trước hết là vốn, lãi suất vốn vay ưu đãi giúp doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống phân phối bán lẻ, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn. Khoa học - kỹ thuật ngày càng phát triển thì các cơ quan cần phổ biến, giúp doanh nghiệp tiếp cận để sản xuất hàng hóa, dịch vụ có chất lượng cao, qua đó nâng cao thương hiệu dịch vụ, hàng hóa Quảng Nam. 

Theo ông Phan Đức Tú - Giám đốc Công ty TNHH May mặc Mỹ Hưng tại Cụm công nghiệp Kế Xuyên - Quán Gò (Thăng Bình), hầu hết doanh nghiệp đều mong muốn được hưởng chính sách ưu đãi về thuê mặt bằng như các nhà đầu tư nước ngoài đang được hưởng. Khi được giảm giá thuê mặt bằng, giá thành sản xuất giảm xuống, doanh nghiệp sẽ cung cấp hàng hóa chất lượng với giá rẻ hơn cho người tiêu dùng. Tại Quảng Nam, hầu hết doanh nghiệp thuộc loại vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp này đều gặp khó về vốn liếng nên chưa thể đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại. Do đó, sản lượng, năng suất các sản phẩm chưa cao, bao bì, nhãn mác còn chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, sẽ tiếp tục đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh. Bộ Công Thương khuyến khích doanh nghiệp thành lập các hiệp hội bán buôn, bán lẻ tại các vùng miền và theo mặt hàng để đón đầu thị trường, đáp ứng thị hiếu mua sắm của người tiêu dùng. Cùng với đó, khuyến khích doanh nghiệp phát triển những loại hình thương mại kinh doanh hàng hóa chuyên ngành hoặc kinh doanh hàng hóa tổng hợp, công ty thương mại bán lẻ hiện đại và công ty kinh doanh dịch vụ logistic. Điều này sẽ góp phần tạo thành chuỗi giá trị hàng hóa thương hiệu Việt, tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt.

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, sẽ luôn hỗ trợ doanh nghiệp về khuyến công, kết nối tìm đầu ra để sản phẩm rộng đường tiếp cận thị trường, nhanh đến với người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiếp sức để hàng Việt hấp dẫn hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO