Tiếp sức hộ nghèo

VIỆT NGUYỄN 17/10/2018 04:23

Thực hiện Nghị quyết 13/2017/NQ-HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững (Nghị quyết 13), trong 9 tháng qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh Quảng Nam đã cho 4.771 hộ vay số tiền 232,142 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ cho vay ưu đãi hơn 259,599 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Nhiêu (ở thôn Kỳ Phú, Tam Phước, Phú Ninh) đặt nhiều kỳ vọng thoát nghèo dựa vào mô hình nuôi bò. Ảnh: Q.Việt
Ông Nguyễn Văn Nhiêu (ở thôn Kỳ Phú, Tam Phước, Phú Ninh) đặt nhiều kỳ vọng thoát nghèo dựa vào mô hình nuôi bò. Ảnh: Q.Việt

Khuyến khích thoát nghèo

Xã Tam Phước (Phú Ninh) là một trong những địa phương triển khai tốt công tác hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững. Đến nay, toàn xã còn 46 hộ nghèo, đặt mục tiêu thoát nghèo bền vững cho 3 hộ trong năm nay bằng cách giúp người dân tiếp cận cơ chế hỗ trợ vốn vay của tỉnh, vận động đóng góp từ các nhà hảo tâm để đầu tư sinh kế. Như trường hợp ông Nguyễn Văn Nhiêu ở thôn Kỳ Phú, vợ mất vì bệnh hiểm nghèo, ông phải chăm lo cho 2 con ăn học, trong khi thu nhập từ công việc bảo vệ tại 1 trường học trên địa bàn chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng. Trước hoàn cảnh của ông Nhiêu, Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Phú Ninh cho vay 50 triệu đồng theo Nghị quyết 13. Từ nguồn vốn vay này, ông Nhiêu mua 1 con bò và đàn gà. Đến nay, gia súc, gia cầm phát triển tốt, dự kiến đầu năm tới bò sẽ đẻ bê con. “Tôi sẽ cố gắng chăm sóc tốt để bò, gà phát triển thành đàn, tạo nguồn thu nhập ổn định lo cho con cái học hành đàng hoàng. Tôi đã đăng ký và phấn đấu thoát nghèo bền vững”- ông Nhiêu nói.

Hay như gia đình bà Cao Thị Tung ở thôn Phú Mỹ cũng là hộ nghèo nhiều năm qua. Được sự vận động của chính quyền địa phương, bà Tung đăng ký thoát nghèo, được vay vốn 50 triệu đồng từ Nghị quyết 13. Trước đó, thông qua vận động các tấm lòng thiện nguyện, UBND xã Tam Phước đã mua tặng bà Tung con bò trị giá 15 triệu đồng. Từ nguồn vốn được vay, bà Tung đầu tư chuồng trại, mua thêm 1 con bò về nuôi. “Tôi sẽ gầy 2 con bò thành đàn để có nguồn kinh tế ổn định. Nuôi bò không quá vất vả và tôi đang phấn đấu để sớm thoát nghèo” - bà Tung cho biết. Ông Nguyễn Minh Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Phước nói, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,3% là thành quả phấn đấu của các hộ và chính quyền địa phương. Phần lớn hộ nghèo ở địa phương là người cao tuổi, không ở cùng con cháu. Sau khi rà soát, vận động nhân dân thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, nhiều hộ nghèo thuộc diện người cao tuổi đã về ở cùng con cháu, bảo đảm cuộc sống ổn định, đầy đủ về vật chất, tinh thần. Số hộ nghèo còn lại được xã tuyên truyền các chính sách hỗ trợ vốn vay của nhà nước rồi vận động đăng ký thoát nghèo, vay vốn và được ưu đãi 100% lãi suất vốn vay trong vòng 36 tháng để có thể giải quyết việc làm, học nghề mới tạo sinh kế hoặc sản xuất, kinh doanh để thoát nghèo.

Tạo đà phát triển

Tạo điều kiện, hỗ trợ vay vốn giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững là chính sách rất nhân văn, tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã gặp không ít khó khăn. Bà Nguyễn Thị Tám - Chủ tịch Hội LHPN xã Tam Phước cho biết, vẫn còn nhiều hộ nghèo chưa tiếp cận được cơ chế vay vốn theo Nghị quyết 13 nên không thể đăng ký thoát nghèo. Có 2 luồng ý kiến xung quanh việc này. Không ít người dân sợ không dám vay vốn để thoát nghèo vì trong thời gian qua, sản xuất nông nghiệp quá bấp bênh, thua lỗ. Trong khi đó, nhiều người cho rằng, số tiền 50 triệu đồng không đủ để chuyển đổi sinh kế theo hướng đầu tư cho kinh doanh, làm dịch vụ nên rất mong được nâng mức cho vay từ 50 triệu đồng lên 70 triệu đồng. “Rất mong các ngành chức năng của tỉnh phối hợp với địa phương, phổ biến các mô hình sản xuất mới rồi sau đó tập huấn, trang bị kiến thức giúp người dân tiếp cận, đầu tư được thuận lợi, hiệu quả” - bà Tám nói.

Ông Lê Hùng Lam - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh Quảng Nam cho rằng, nguồn vốn cho vay mặc dù đã được trung ương, tỉnh quan tâm bổ sung nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu vay vốn thoát nghèo bền vững của người dân. Để phát huy hiệu quả chính sách, các địa phương cần cân đối ngân sách, bố trí vốn để ngân hàng tăng thêm số hộ được vay vốn thoát nghèo. Đồng thời đẩy mạnh huy động vốn từ dân cư, tổ chức kinh tế, huy động vốn thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn. Ngân hàng tiếp tục tổ chức giải ngân kịp thời vốn thu hồi cho vay quay vòng và vốn được bổ sung mới theo chỉ tiêu kế hoạch được trung ương, tỉnh giao, không để tồn đọng vốn. Ngành ngân hàng nâng cao chất lượng tín dụng, phấn đấu thu hồi nợ quá hạn và có giải pháp ngăn ngừa nợ quá hạn phát sinh, nâng cao chất lượng hoạt động ở các điểm giao dịch tại cấp xã bảo đảm hiệu quả, tuân thủ đúng quy định.

VIỆT NGUYỄN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiếp sức hộ nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO