Vai trò “bà đỡ” của Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam (Quỹ HTND Quảng Nam) đã được phát huy khi những chuyến biển của các tàu công suất lớn được đóng mới từ nguồn vốn vay không lãi suất đang cho hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, số tàu cá hiện diện tại các vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa của ngư dân Quảng Nam cũng được liên tục tăng lên.
Nhiều chuyến biển bội thu
Gặp chúng tôi khi vừa cập âu thuyền Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) sau hơn 2 tháng bám biển ở ngư trường Hoàng Sa, ông Võ Hồng Nhân (thôn Bình Tân, xã Bình Minh, Thăng Bình) - chủ tàu cá QNa 94646 và 35 “bạn” biển đều vui mừng. Đây là chuyến biển đầu tiên của tàu cá QNa 94646 có công suất 720CV theo nghề câu mực khơi sau khi được hạ thủy nhờ vào nguồn vốn vay 1,5 tỷ đồng của Quỹ HTND Quảng Nam. Chuyến biển này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho chủ tàu và người đi bạn với khoảng 30 tấn mực khô, doanh thu 2,1 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, ông Nhân thu nhập gần 300 triệu đồng, mỗi “bạn” được chia gần 40 triệu đồng. “Chúng tôi chỉ có thể khai thác hải sản được tối đa là 4 chuyến biển/năm nên anh em rất tranh thủ thời gian để bám biển. Bán xong số mực này, chúng tôi sẽ lại vươn khơi sản xuất tại vùng biển Hoàng Sa trong thời gian nhanh nhất” - ông Nhân cho biết.
Tàu cá QNa 91134 của gia đình ông Đỗ Nhựt bán hải sản rồi lại vươn khơi. Ảnh: N.Q.V |
Chiếc tàu QNa 90315 có công suất 718CV được đóng mới từ nguồn vốn vay 1,5 tỷ đồng không lãi suất của Quỹ HTND Quảng Nam của ông Phạm Xuân Lệ (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) cũng vừa cập cảng cá Tam Quang để bán hải sản. Sau hơn 20 ngày bám biển tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa, tàu ông Lệ thu được 25 tấn hải sản, chủ yếu là cá nục và cá ngừ. Với giá bán trung bình 20.000 đồng/kg, tàu ông Lệ đạt doanh thu 500 triệu đồng, trừ chi phí chủ tàu thu nhập gần 200 triệu đồng, mỗi “bạn” được chia khoảng 15 triệu đồng. “Đây là chuyến biển thứ 2 của tàu cá QNa 90315 sau khi được hạ thủy cách đây hơn 2 tháng. Cả 2 chuyến biển đều bội thu nên gia đình chúng tôi đã tích lũy được gần 400 triệu đồng. Với số tiền này, chúng tôi có thể hoàn trả lại một phần vốn vay từ Quỹ HTND Quảng Nam” - ông Lệ nói.
Trong số các tàu cá liên tục cập cảng Tam Quang vào những ngày qua, có nhiều tàu được đóng mới từ nguồn vốn vay của Quỹ HTND Quảng Nam. Đó là các tàu QNa 91134 của gia đình ông Đỗ Nhựt, tàu cá QNa 91827 của ngư dân Huỳnh Văn Diệp hay tàu cá QNa 91069 của ngư dân Huỳnh Văn Bính (đều thuộc thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang). “Được tiếp sức từ Quỹ HTND Quảng Nam nên chúng tôi càng có thêm động lực để vươn khơi. Mình đã đóng được tàu lớn để sản xuất trên các vùng biển xa của Tổ quốc thì phải làm sao để khai thác hải sản đạt hiệu quả cao, có vậy mới hoàn trả lại vốn để Quỹ HTND Quảng Nam tiếp tục tiếp sức cho các ngư dân khác được vay vốn đóng mới tàu có công suất lớn” – ông Đỗ Nhựt nói.
Đảm bảo nguồn vốn
Có thể khẳng định, khát vọng đóng mới tàu cá có công suất lớn để bám biển đi đôi với hoạt động bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa của ngư dân Quảng Nam là rất lớn. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài, do khả năng huy động vốn của ngư dân thấp nên số tàu có công suất lớn được hình thành không nhiều. Hoạt động của Quỹ HTND Quảng Nam bắt đầu từ tháng 3.2013 đến nay đã đóng vai trò “bà đỡ” giúp ngư dân thực hiện được khát vọng này. Số tàu được hạ thủy và đi vào sản xuất từ nguồn vốn vay của Quỹ HTND Quảng Nam đến thời điểm này là 12 chiếc. Hiện tại, 4 hồ sơ vay vốn của ngư dân cũng đang được thẩm định để có thể triển khai trong thời gian tới. Nhờ áp dụng giải pháp tăng cường huy động các nguồn vốn xã hội hóa, sự tiếp ứng của các tổ chức, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đồng thời dành một khoản ngân sách thích hợp cấp bổ sung hằng năm nên Quỹ HTND Quảng Nam đã hoạt động hiệu quả. Đến thời điểm này, nguồn vốn đối ứng của quỹ đã tăng từ 20 tỷ đồng lên 40 tỷ đồng.
Một giải pháp khác cũng đã được Quỹ HTND Quảng Nam áp dụng từ đầu năm 2014 đến nay là hạ công suất tàu được vay vốn từ 600CV xuống còn 400CV. “Với tàu có công suất 400CV, ngư dân Quảng Nam cũng đã đủ điều kiện sản xuất tại các ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Với cách hạ công suất của máy tàu như vậy, ngư dân sẽ dễ tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ HTND Quảng Nam hơn khi họ chỉ cần huy động vốn là 1,5 tỷ đồng so với 2 - 2,5 tỷ đồng như trước kia” - ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ HTND Quảng Nam nói. Tới điểm này, sự hiện diện của tàu cá có công suất lớn của ngư dân Quảng Nam trên các vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa là vô cùng cần thiết. Đó chính là các “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền biển đảo quốc gia. Ông Tấn cho biết, thời gian tới Quỹ HTND Quảng Nam sẽ thực hiện cơ chế vay hợp vốn, đồng cho vay giữa quỹ và các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh để tăng hạn mức đầu tư cho ngư dân.
NGUYỄN QUANG VIỆT