Những ngày qua, Tỉnh đoàn Quảng Nam - đơn vị phối hợp tổ chức chương trình “Tiếp sức đến trường” - nhận được nhiều cánh thư từ các tân sinh viên gửi về chương trình. Mỗi lá thư là một câu chuyện sẻ chia, chất chứa những tâm tư trĩu nặng lo âu...
Từ những cánh thư...
Trong thư gửi về chương trình, bạn Huỳnh Nhật Khánh (xã Tam Anh Bắc, Núi Thành) chia sẻ: “Anh em cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ vào năm 2009, do cơn bão số 9 cướp đi sinh mạng của ba mẹ. Anh em cháu được cô ruột đem về cưu mang, nuôi ăn học. Anh trai không may bị đau não từ nhỏ, chị gái đang học đại học, bản thân cháu do bị sốt cao, không được chăm sóc đúng cách nên bị liệt nửa người. Cuộc sống khó khăn thiếu thốn về tinh thần lẫn vật chất”. Từ huyện miền núi Phước Sơn xa xôi, cô học trò Nguyễn Thị Triều (khối 2A, thị trấn Khâm Đức) viết thư gửi về: “Em thi đậu vào ngành sư phạm Văn Đại học Đà Nẵng, hiện nay em rất cần sự giúp đỡ để được đến trường, trở thành giáo viên đem cái chữ đến với các em học sinh của mảnh đất Phước Sơn”. Hoàn cảnh của Triều vô cùng khó khăn, gia đình thuộc diện hộ nghèo, ba bị tai nạn giao thông khiến thần trí không còn bình thường, mình mẹ Triều làm ruộng để nuôi bốn con ăn học. “Hoàn cảnh gia đình khốn khó quá nên việc đi học của em gần như không thể. Nếu nhận được sự hỗ trợ từ chương trình, đó là động lực để em tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình” - Triều chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chín trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho các tân sinh viên năm 2014. Ảnh: PHAN TUẤN |
Tân sinh viên Phan Thị Nhật (xã Bình Dương, Thăng Bình) cũng là trường hợp đặc biệt khó khăn. Viết thư về cho chương trình, Nhật chia sẻ, năm 2006 trong lúc đào gốc cây lấy củi, ba em đã phải lìa xa cõi đời khi quả đạn còn sót lại sau chiến tranh ẩn trong lòng đất phát nổ. Nỗi đau mất cha chưa nguôi thì hai tháng sau gia đình lại rơi vào ngõ cụt khi chị gái bị bệnh tim bẩm sinh phải mổ với chi phí cao… Đầu năm 2008, cơ thể Nhật có những sự biến đổi. Sau nhiều lần khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng I TP.Hồ Chí Minh, các bác sĩ cho biết em bị bệnh lupus ban đỏ hệ thống, hiện chưa có thuốc đặc trị. Mỗi tháng Nhật phải điều trị hóa chất ngăn bệnh phát triển. Vượt qua những khó khăn về vật chất, tinh thần và căn bệnh đang từng ngày hành hạ, kỳ thi vừa qua, Nhật đậu vào ngành thú y Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế).
Có lẽ chính những dòng thư như thế, những hình ảnh như thế đã thôi thúc và nhận được nhiều đồng cảm từ bạn đọc và các mạnh thường quân, mới thấy “Tiếp sức đến trường” là một sự trợ sức đúng lúc, cần thiết của nhiều bàn tay, của nhiều tấm lòng để những ước mơ của các bạn trẻ tiếp tục duy trì và bay cao, bay xa…
Tiếp sức ước mơ
“Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên là một học bổng quý giá, nhưng so với thực tế, với lượng thư của các bạn tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn gửi về sau mùa tuyển sinh, nguồn lực để hỗ trợ lại quá nhỏ. Mỗi năm, trên bàn của ban xét duyệt học bổng bao giờ số lượng thư cũng gấp nhiều lần số học bổng có thể cấp. Và vì vậy, ban tổ chức chương trình năm nào cũng rơi vào tình trạng hết sức khó khăn là phải đọc đi đọc lại, cân nhắc tới lui, với bao nỗi băn khoăn để chọn xếp lại hồ sơ của rất nhiều hoàn cảnh cần sự hỗ trợ.
105 suất học bổng cho tân sinh viên Quảng Nam - Đà Nẵng Ngày mai 3.10, tại khách sạn Palm Garden Hội An, 105 tân sinh viên nghèo của tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng sẽ được nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” (do Báo Tuổi trẻ phối hợp với Thành đoàn Đà Nẵng và Tỉnh đoàn Quảng Nam tổ chức), trong đó Quảng Nam có 85 trường hợp. Được biết năm nay, mỗi suất học bổng có trị giá 7 triệu đồng, tổng số tiền học bổng được trao đợt này là 735 triệu đồng. |
Bạn Lê Thị Hồng Lê (xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn) cho biết, từ hôm gửi hồ sơ đi, em còn hồi hộp hơn chờ kết quả đại học. Đêm nào cũng thao thức lo lắng dù biết hoàn cảnh mình rất khó khăn, mồ côi cha mẹ, sống với bà ngoại già yếu, bản thân em phải tự lo việc ăn học. Đính kèm hồ sơ của em là “Giấy chứng nhận hộ nghèo” như một bảo chứng tin cậy về hoàn cảnh gia đình. Vậy nhưng em vẫn lo. Và giọng nói của em như vỡ òa, khi ban tổ chức thông báo em là người được nhận học bổng đợt này. Hồng Lê xúc động nói: “Nếu không nhận được học bổng đợt này thì em cũng chưa biết sẽ tính cách nào để nhập học”.
Có lẽ, với những người tổ chức chương trình, mối quan tâm là làm sao để học bổng phải đến đúng tay người đang cần, người xứng đáng nhận, để tiếp sức ước mơ đúng đối tượng. “Chúng tôi muốn học bổng đến được với những hoàn cảnh dù gặp khó khăn nhưng có tấm lòng. Vì chỉ khi có tấm lòng, các em sẽ biết nghĩ đến việc sẽ giúp trở lại những người khó khăn khác” - Phó Trưởng đại diện Văn phòng Báo Tuổi Trẻ tại Đà Nẵng, anh Đặng Văn Nam nói.
Chính vì bỏ rất nhiều thời gian rà đi soát lại từng hồ sơ xét học bổng, chăm chú từng câu chữ trong lá thư đề đạt nguyện vọng để cảm nhận được điều trải lòng của mỗi sinh viên trên trang giấy, ban xét duyệt hồ sơ phải mang tâm trạng xót xa khi số người cần thì nhiều mà số học bổng lại có hạn. Chị Trần Thị Ngọc Thảo - Trưởng ban Thanh thiếu nhi trường học Tỉnh đoàn chia sẻ: “Chúng tôi thấy khó khăn trong việc chọn lựa, giá như có thêm nhiều hơn những mạnh thường quân, những nhà hảo tâm để các tân sinh viên đều được giúp đỡ, sẻ chia trên con đường học vấn của mình”.
Mười hai năm qua, chương trình “Tiếp sức đến trường” dành cho tân sinh viên đã làm một chiếc cầu nối, chiếc cầu càng ngày càng dài, càng rộng, kết nối đến vạn tấm lòng. Cũng từ chương trình này, nhiều sinh viên nghèo đất Quảng đã không phải bỏ lỡ cơ hội bước vào giảng đường đại học vì hoàn cảnh khó khăn. Mức 4 triệu đồng, 5 triệu đồng rồi tăng lên 7 triệu đồng cho một suất học bổng có lẽ chỉ đủ trang trải cho các tân sinh viên trong những ngày đầu nhập học. Chặng đường đại học, cao đẳng đầy cam go, nhọc nhằn mà các tân sinh viên phải tiếp tục vượt qua. Nhưng phía sau học bổng “Tiếp sức đến trường” là một cái gì rất lớn, đó là hơi ấm của lòng người, là thêm niềm tự tin ở các bạn, là lực đẩy mạnh mẽ để các bạn có thêm nghị lực bước về phía trước.
THIÊN NGÂN - ĐỖ ĐIỂM