Huyện Duy Xuyên vừa cam kết tiếp sức cho xã nghèo Chơ Chun (Nam Giang) trong thời gian tới với nhiều hoạt động thiết thực nhằm góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân ở khu vực biên giới này.
Nhiều khó khăn
Chơ Chun là xã vùng biên giới đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Nam Giang. Xã hiện có 3 thôn với 246 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Riah Pêl - Chủ tịch UBND xã Chơ Chun cho biết, hiện nay tình hình kinh tế - xã hội của xã vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất mang tính tự cung - tự cấp, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và con vật nuôi còn khá chậm.
Thêm vào đó, tại khu vực miền núi, việc đa dạng hóa các ngành nghề nông thôn còn rất nhiều hạn chế. Năm 2021 thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ đạt hơn 16 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo hiện chiếm 37,94%.
Tại buổi ký kết bản ghi nhớ giữa UBND huyện Duy Xuyên và UBND xã Chơ Chun (giai đoạn 2020 - 2025), huyện Duy Xuyên hỗ trợ kinh phí xây dựng 2 ngôi nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách ở xã Chơ Chun với tổng trị giá 160 triệu đồng; trao sinh kế cho 5 hộ nghèo, tặng 50 suất quà và 30 triệu đồng góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội thời gian đến. Ngoài ra, khách sạn Long Hân (thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên) cũng hỗ trợ 10 triệu đồng tặng quà cho các gia đình chính sách trên địa bàn xã Chơ Chun...
Những năm qua, mặc dù các cấp, ngành có sự quan tâm hỗ trợ nguồn lực tương đối lớn nhưng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở Chơ Chun vẫn chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ. Theo lãnh đạo địa phương, các công trình như khu thể thao xã, trạm phát sóng Viettel, nhà văn hóa thôn A Xòo và thôn Blăng… triển khai thi công chậm tiến độ.
Cạnh đó, hệ thống đường giao thông nông thôn vẫn còn nhiều bất cập, một số đoạn tuyến thường xuyên bị sạt lở mỗi khi mưa lớn, gây ách tắc cho các phương tiện lưu thông.
Trong khi đó, không ít công trình thủy lợi cung ứng nước tưới cho cây trồng bị sạt lở, hư hỏng nặng nên không phát huy hiệu quả.
Đáng chú ý, cơ sở vật chất, trang thiết bị ở các điểm trường trên địa bàn xã chưa được đầu tư bài bản, không đảm bảo theo quy định… là những trở lực trong việc xây dựng nông thôn mới.
Tiếp sức
Ông Nguyễn Văn Sĩ - Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện Duy Xuyên cho biết, để thực hiện hiệu quả tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh về chương trình kết nghĩa, giúp đỡ các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số - miền núi, xã biên giới giai đoạn 2020 - 2025, chính quyền huyện Duy Xuyên cam kết hỗ trợ xã Chơ Chun đẩy mạnh công tác tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi.
Từ đó, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp thực sự hiệu quả, tạo bước đột phá mới ở xã vùng biên này. Theo ông Sĩ, trước mắt Duy Xuyên sẽ giúp Chơ Chun hình thành một số mô hình điểm về chăn nuôi giống heo cỏ địa phương và trồng cây cam Vinh, mít Thái...
Cạnh đó, các đơn vị liên quan của huyện Duy Xuyên cũng hướng dẫn xã Chơ Chun về hồ sơ thủ tục, kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới. Mặt khác, Duy Xuyên còn hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho các gia đình có công cách mạng, hộ nghèo với mức 80 triệu đồng mỗi nhà và hằng năm tiếp sức cho 5 - 10 hộ nghèo thoát nghèo bền vững...
“Ngoài những phần việc nêu trên, trong giai đoạn 2020 - 2025 huyện Duy Xuyên cũng hỗ trợ xã Chơ Chun xây dựng một công trình trường học, lắp đặt các trang thiết bị phục vụ bếp ăn bán trú, nhà tập thể…” - ông Sĩ nói.
Ông Nguyễn Thế Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho rằng, việc kết nghĩa, giúp đỡ xã Chơ Chun rất ý nghĩa, mang tính nhân văn sâu sắc. Vì vậy, thời gian qua UBND huyện Duy Xuyên luôn duy trì mối liên lạc thường xuyên với chính quyền địa phương, cử nhiều đoàn công tác lên khảo sát thực tế để nắm bắt nhu cầu cần hỗ trợ của xã Chơ Chun một cách đầy đủ và chính xác nhất.
Trong 2 năm 2021 - 2022, UBND huyện Duy Xuyên đã chuyển 725 triệu đồng hỗ trợ xã Chơ Chun thực hiện các hạng mục công trình và mua sắm trang thiết bị phục vụ y tế, giáo dục.
Ông Nguyễn Đăng Chương - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho hay, việc hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền huyện Duy Xuyên đối với xã Chơ Chun trong nhiều lĩnh vực của mọi mặt đời sống xã hội sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thực hiện các nội dung của chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.
“Tôi mong muốn huyện Duy Xuyên xây dựng kế hoạch giúp đỡ cụ thể, xác định các hoạt động, lĩnh vực hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tế, ưu tiên phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ, sản xuất nông nghiệp, chế biến nông - lâm sản theo hướng hàng hóa. Đồng thời, xây dựng chuỗi liên kết giá trị với sự tham gia của doanh nghiệp để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo ổn định đầu ra các mặt hàng nông sản…” - ông Chương nói.