(QNO) - Gần Tết Nguyên đán là thời điểm các đối tượng vận chuyển lâm sản trái phép thường sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như gia công, chế biến gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp ra sản phẩm gỗ thành phẩm để dễ dàng tiêu thụ.
Xưởng cưa trá hình
Trong chuyến kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, chế biến mộc theo kế hoạch truy quét dịp trước, trong và sau tết của UBND tỉnh, cuối tháng 1.2019, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phát hiện và bắt giữ một vụ tập kết gỗ không rõ nguồn gốc trên địa bàn xã Sông Trà (huyện Hiệp Đức). Đây được xác định là xưởng mộc chuyên đóng đồ gia dụng của ông T.H.T. (thôn 2, xã Sông Trà). Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 3 bộ phản gỗ không rõ nguồn gốc gỗ đã được đóng thành phẩm ngay trong xưởng. Ngoài ra phát hiện có nhiều phách gỗ lớn (chưa rõ chủng loại) nằm ngổn ngang phía sau xưởng. Lực lượng kiểm lâm đã lập biên bản và tịch thu gần 20m3 gỗ các loại.
Theo Phòng Pháp chế thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh, tình trạng các xưởng cưa trá hình tiêu thụ, chế biến gỗ lậu đã từng rất nóng tại địa bàn các huyện miền núi. Cách đây hơn 2 năm là các xưởng cưa mọc lên như nấm trong khu vực rừng phòng hộ Sông Tranh thuộc xã Trà Bui (Bắc Trà My). Phần lớn các cơ sở này tồn tại nhằm mục đích trực tiếp tiêu thụ gỗ lậu, biến gỗ bất minh thành hợp pháp. Gần đây nhất, tháng 4.2018, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) bất ngờ phục kích đột nhập 4 xưởng cưa tại xã Trà Mai (Nam Trà My) phát hiện đến 5 điểm cất giấu gỗ lậu quy mô lớn.
Vì sao các xưởng mộc hình thành sát bìa rừng? Khảo sát tại khu rừng phòng hộ Sông Tranh thuộc xã Trà Bui, hay trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua thị trấn Khâm Đức (Phước Sơn), mới thấy được sự “lợi hại” của các cơ sở sản xuất đồ mộc gia dụng. Nhiều loại gỗ xẻ thành phách theo quy cách tấm phản có đường kính cả mét nằm ngổn ngang. Theo quy định pháp luật hiện hành, ngành chức năng chỉ tịch thu nguồn gốc gỗ không có xuất xứ, nguồn gốc không rõ ràng; còn gỗ đã ra thành phẩm, chế biến thành đồ gia dụng, hoặc đồ mộc mỹ nghệ… được xem như hợp pháp. Lợi dụng sự lơ là của lực lượng kiểm lâm, các xưởng cưa đã tiêu thụ gỗ lậu, tiếp tay cho lâm tặc phá rừng. Thực tế là các đường dây buôn bán gỗ quy mô lớn đều có quan hệ mật thiết với cơ sở xẻ gỗ miền núi, trong khi việc kiểm tra, xử lý nguồn gốc gỗ tại các cơ sở này rất hạn chế.
Kiểm tra đột xuất xưởng cưa
Trong kế hoạch mở đợt cao điểm kiểm tra, truy quét, xử lý vi phạm Luật Lâm nghiệp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2019, UBND tỉnh xác định được trọng điểm các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn thuộc diện phải thường xuyên kiểm tra như như thị trấn Khâm Đức, thị trấn Trà My (Bắc Trà My), thị trấn Núi Thành (Núi Thành), thị trấn Tân An (Hiệp Đức), thị trấn Thạnh Mỹ, xã Ta Bhing, Chà Vàl (Nam Giang) và thị xã Điện Bàn. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Quảng Nam hiện có khoảng 438 cở sở kinh doanh, chế biến gỗ phân bố trên địa bàn 244 xã thuộc 18 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó có 132 tổ chức và 306 cá nhân, hộ gia đình có xưởng mộc. Riêng 6 huyện miền núi Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang có 79 cơ sở chế biến gỗ.
Theo ông Từ Văn Khánh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thực hiện Quyết định số 1358 ngày 23.4.2018 của UBND tỉnh về thành lập các tổ công tác cấp tỉnh kiểm tra các cơ sở cưa xẻ, gia công, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh, đến nay lực lượng kiểm lâm kiểm tra 37 cơ sở cưa xẻ trên địa bàn các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước, Phước Sơn, Hiệp Đức, Núi Thành, Nông Sơn, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Đại Lộc. Kết quả kiểm tra cho thấy, có 33 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và 4 cơ sở không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Khối lượng gỗ tồn kho tại 18/37 cơ sở gồm hơn 259m3 gỗ tròn và gần 491m3 gỗ xẻ và đã khai tử hồ sơ nguồn gốc lâm sản nhưng không có gỗ tại cơ sở 370m3 gỗ các loại.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, nòng cốt là lực lượng kiểm lâm phải thường xuyên kiểm tra các chủ xưởng cưa có dấu hiệu tiêu thụ gỗ lậu; yêu cầu các cơ sở ký cam kết không sử dụng gỗ bất hợp pháp, trường hợp cơ quan chức năng phát hiện vi phạm sẽ cương quyết thu hồi giấy phép hoạt động vô điều kiện.