“Rất phấn khởi”, “Công tác cán bộ sẽ thuận lợi hơn”... là chia sẻ chung của các địa phương đối với quy định hỗ trợ luân chuyển, điều động cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh đã được HĐND tỉnh thông qua tại Kỳ họp thứ 15.
Ưu tiên địa bàn khó khăn
Nhiều ý kiến góp ý từ cơ sở đã được tiếp thu, bổ sung hoàn thiện để HĐND tỉnh (khóa X) đi đến quyết định thông qua Nghị quyết quy định hỗ trợ luân chuyển, điều động cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh tại kỳ họp vừa qua.
Nghị quyết quy định cụ thể hai mức hỗ trợ sinh hoạt phí và chỗ ở cho cán bộ được luân chuyển, điều động để giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan trong hệ thống chính trị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, tuy mức hỗ trợ cho cán bộ luân chuyển, điều động theo nghị quyết không nhiều, nhưng có ý ngahĩa động viên, khích lệ lớn, nhất là trường hợp được luân chuyển, điều động đến công tác ở các địa bàn có điều kiện khó khăn của 6 huyện miền núi, xã đảo. Quy định cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy huyện, cấp ủy xã không là người địa phương và công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Ưu tiên cho địa bàn khó khăn, nghị quyết của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ 2 triệu đồng sinh hoạt phí và 2 triệu đồng chỗ ở/người/tháng cho cán bộ được luân chuyển, điều động từ tỉnh, hay các huyện, thị xã, thành phố về 6 huyện miền núi cao (Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My) và ngược lại; từ huyện miền núi cao này sang huyện miền núi cao khác.
Đối với cán bộ được luân chuyển, điều động từ tỉnh về 12 địa phương cấp huyện còn lại và ngược lại, hay giữa các địa phương này với nhau được hỗ trợ 1,5 triệu đồng sinh hoạt phí và 2 triệu đồng chỗ ở/người/tháng.
Cán bộ được luân chuyển, điều động từ huyện về xã, thị trấn và ngược lại ở các huyện miền núi cao; từ huyện, thành phố về các xã đảo và ngược lại; hay giữa các xã, phường, thị trấn với nhau trong địa bàn miền núi cao, xã đảo được hỗ trợ 1 triệu đồng sinh hoạt phí và 1,5 triệu đồng chỗ ở/người/tháng.
Mức hỗ trợ sinh hoạt phí 700 nghìn đồng và 1,5 triệu đồng chỗ ở/người/tháng áp dụng cho trường hợp luân chuyển, điều động từ huyện, thị xã, thành phố đến các xã, phường, thị trấn còn lại và ngược lại, hoặc giữa các địa phương cấp xã này với nhau.
Ngoài ra, trường hợp luân chuyển, điều động là nữ cán bộ, công chức, hay người đồng bào dân tộc thiểu số thì cùng với chính sách quy định như trên còn được hỗ trợ thêm tiền sinh hoạt phí với mức 300 nghìn đồng/người/tháng; trường hợp vừa là nữ vừa là người đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được hỗ trợ 600 nghìn đồng/người/tháng.
Theo ông Hà Đức Tiến - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, nghị quyết được ban hành nhằm cụ thể hóa chủ trương của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nhiệm vụ, giải pháp xây dựng chính sách hỗ trợ đối với cán bộ được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển.
Trong đó, chú trọng đối với cán bộ được điều động, luân chuyển đến địa bàn các huyện, xã, thị trấn miền núi, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; cán bộ là người dân tộc thiểu số cấp huyện được điều động, luân chuyển về tỉnh công tác để đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng lãnh đạo, quản lý.
Tiếp thêm động lực
Ông Đỗ Đức Huynh - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Nông Sơn chia sẻ, cán bộ địa phương rất phấn khởi khi quy định hỗ trợ luân chuyển, điều động cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh được HĐND tỉnh thông qua.
Theo ông Huynh, từ đầu đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, Nông Sơn thực hiện luân chuyển, điều động 7 trường hợp về đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo ở cơ sở, trong đó có 6 trường hợp đủ điều kiện được hưởng hỗ trợ của nghị quyết này.
Ở đây, kinh phí hỗ trợ chỉ là một phần, điều quan trọng là động viên tinh thần, làm cho cán bộ luân chuyển, điều động thấy mình được quan tâm. Từ đó, giúp họ có thêm động lực khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ ở nơi công tác mới.
“Điều kiện của nhiều cán bộ ở cơ sở còn khó khăn. Nếu mỗi tháng được hỗ trợ một khoản kinh phí như quy định tại nghị quyết thì họ sẽ có thêm điều kiện để trang trải cuộc sống, an tâm hơn trong công tác.
Hơn nữa, cán bộ được luân chuyển, điều động từ huyện về xã, giữa các xã với nhau luôn gắn bó với cơ sở nên sẽ phát sinh nhiều mối quan hệ, rồi đám đình, hiếu hỉ... Vậy nên, có thêm khoản hỗ trợ này sẽ đỡ được phần nào” - ông Huynh nói.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tiên Phước - ông Phan Văn Dương cho hay, Tiên Phước đã thực hiện luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác đối với bí thư cấp ủy xã, chủ tịch UBND cấp xã không phải là người địa phương; luân chuyển cán bộ cấp trưởng phòng về xã và ngược lại.
Nay, HĐND tỉnh có cơ chế hỗ trợ thì cán bộ rất phấn khởi. Với cơ chế mới, công tác cán bộ huyện Tiên Phước sẽ thuận lợi hơn, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trong nửa nhiệm kỳ còn lại.
Nghị quyết quy định hỗ trợ luân chuyển, điều động cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh nêu rõ: “Nguồn ngân sách địa phương theo phân cấp ngân sách hiện hành. Cấp quyết định luân chuyển, điều động thì cấp đó đảm bảo kinh phí thực hiện”.
Về vấn đề này, theo bà Phùng Thị Thương - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Trà My, mỗi địa phương đều có khó khăn riêng. Đây là cơ chế động viên cán bộ, công chức thuộc diện luân chuyển, điều động nên huyện sẽ tính toán cân đối ngân sách để thực hiện đảm bảo theo quy định.