Theo nhận định của nhiều văn nghệ sĩ, với việc vừa duy trì, làm mới các chính sách “cũ”, vừa tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chính sách mới, Quảng Nam đã gián tiếp “đặt hàng” - một kiểu đặt hàng hết sức khéo léo và tinh tế, đối với giới văn nghệ quê mình.
"Cam kết” của lãnh đạo tỉnh là tùy vào tình hình thực tế, sẽ điều chỉnh, bổ sung các chính sách phù hợp nhằm khuyến khích, động viên văn nghệ sĩ sáng tác, góp phần tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh nhà.
Một chính sách “động lực”
“Tôi không nghĩ có lúc sẽ viết sách và in sách cho riêng mình, cho đến khi UBND tỉnh có chương trình hỗ trợ công bố tác phẩm văn học viết về Quảng Nam...”. Đó là lời tâm sự của tác giả Nguyễn Thị Diệu Hiền (Tiên Phước) sau khi chị xuất bản được 2 tập sách vào các năm 2018 và 2020 từ nguồn kinh phí của “Chính sách hỗ trợ sáng tạo và phổ biến tác phẩm, công trình văn học, nghiên cứu về Quảng Nam giai đoạn 2017-2025”.
Thực ra, tác giả Nguyễn Thị Diệu Hiền không nghĩ đến chuyện in sách không phải vì thiếu tiền, mà cái “thiếu” chủ yếu, theo chị, đó là động lực. Từ mấy năm trước, chị đã tập hợp những bài tản văn của mình đăng rải rác trên các báo thành một tập bản thảo, nhưng vì nghĩ mình chỉ là người viết không chuyên nên làm xong thì... để đó.
Khi “Chính sách hỗ trợ sáng tạo và phổ biến tác phẩm, công trình văn học, nghiên cứu về Quảng Nam” được triển khai, chị mới nhớ ra, gửi bản thảo dự xét và được hỗ trợ kinh phí xuất bản. Sau khi in tác phẩm đầu tay, thay vì chỉ viết theo kiểu ngẫu hứng để đăng báo, chị Diệu Hiền quyết định “phải viết để làm sách”. Cuối năm 2019, chị lại có một bản thảo được xét hỗ trợ và được in thành sách vào giữa năm nay.
Cùng với tác giả Nguyễn Thị Diệu Hiền, kể từ khi “Chính sách hỗ trợ sáng tạo và phổ biến tác phẩm, công trình văn học, nghiên cứu về Quảng Nam” được thực hiện vào năm 2017, đến nay đã có hơn 50 lượt tác giả được hỗ trợ kinh phí để xuất bản sách. Ngoài ra, nếu kể cả đợt xét mang tính “thử nghiệm” vào năm 2014 thì đến nay đã có gần 70 lượt tác giả được hỗ trợ kinh phí để xuất bản sách; trong đó có nhiều trường hợp được hỗ trợ 2 hoặc 3 lần.
Nhà thơ Lê Văn Ri, một trong những người từng được hỗ trợ kinh phí xuất bản, cho biết anh hoàn toàn có thể tự in sách bằng tiền của mình và một phần hỗ trợ từ “kênh” Hội VHNT tỉnh - nơi anh là hội viên. Tuy nhiên, anh vẫn ưu tiên theo đuổi chính sách mới này, bởi một khi được tỉnh hỗ trợ, không chỉ tác phẩm trở nên “có tầm” hơn mà tác giả còn cảm thấy tự hào và có thêm động lực để tiếp tục sáng tạo... Và đây cũng không phải là suy nghĩ của riêng nhà thơ Lê Văn Ri.
Theo nhà văn Lê Trâm - Chi hội trưởng Chi hội Văn học, chính sách nói trên của UBND tỉnh đã tạo động lực cho nhiều hội viên của chi hội, làm cho họ có ý thức hơn, biết đầu tư tập trung hơn trong sáng tác.
Duy trì và làm mới
Ngoài chính sách hỗ trợ sáng tạo và phổ biến tác phẩm, công trình văn học, nghiên cứu về Quảng Nam ra đời cách đây 3 năm và đang còn “nóng hổi”, một số chương trình, chính sách hỗ trợ, khuyến khích văn nghệ sĩ được ban hành từ nhiều năm trước cũng tiếp tục được thực thi. Trong đó, “cũ” nhất và được nhiều văn nghệ sĩ quan tâm nhất là Giải thưởng VHNT Đất Quảng và Tặng thưởng VHNT Quảng Nam.
Được ban hành từ năm 2008, đến nay Giải thưởng VHNT Đất Quảng (xét 5 năm một lần) đã qua 3 lần xét giải với hơn 150 lượt văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh có tác phẩm chất lượng cao được vinh danh. Riêng Tặng thưởng VHNT Quảng Nam (xét hằng năm, dành riêng cho hội viên Hội VHNT tỉnh), sau 11 lần xét giải đã có hơn 130 lượt tác giả được vinh danh. Với cơ chế vừa xét giải hằng năm vừa “xét lại” theo chu kỳ 5 năm, giá trị giải thưởng 5 năm lại rất cao (30 triệu đồng đối với giải A và 5 triệu đồng đối với giải khuyến khích), nên lúc mới đưa vào thực hiện, giải thưởng và tặng thưởng này đã gây tiếng vang trên cả nước, được xem là “đột phá” trong chính sách dành cho VHNT.
Đến nay, một số điều khoản, quy định của giải thưởng và tặng thưởng này không còn phù hợp nữa. Tuy nhiên, đáng mừng là, thay vì hủy bỏ, UBND tỉnh đã cho phép chỉnh sửa, “làm mới” theo hướng nâng cao hơn nữa ý nghĩa và tầm vóc của giải.
Không chỉ đột phá và linh hoạt trong việc thực hiện giải thưởng và tặng thưởng VHNT, Quảng Nam còn được xem là địa phương “hào phóng” đối với VHNT nói chung và văn nghệ sĩ nói riêng. Trong đó, cơ chế khen thưởng cho văn nghệ sĩ đoạt giải cao tại các cuộc thi cấp khu vực, quốc gia và quốc tế là một ví dụ. Không chỉ được thưởng bằng hiện kim, các văn nghệ sĩ còn được tặng bằng khen, được vinh danh ngay tại quê nhà. Một nghệ sĩ nhiếp ảnh từng 3 lần được khen thưởng theo cơ chế này cho biết, với những khoản đãi như thế, anh cảm thấy tự hào và có thêm động lực để sáng tạo.
Chỉ tính trong 5 năm trở lại đây đã hơn 50 lượt văn nghệ sĩ được UBND tỉnh “thưởng nóng” kiểu này; trong đó có trường hợp được thưởng với giá trị lên tới hơn 30 triệu đồng. Trong khi đó, tại các kỳ liên hoan, triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh cấp khu vực hằng năm, nếu không có sự hỗ trợ đáng kể và kịp thời của tỉnh về mặt kinh phí thì có lẽ rất nhiều nghệ sĩ của Quảng Nam đã không thể dự phần. Cũng vậy, nếu không được trợ lực kịp thời, đúng lúc, những người làm văn học và âm nhạc Quảng Nam đã không thể có được những cuộc tọa đàm, giới thiệu tác phẩm mới... Ngoài ra, việc lãnh đạo tỉnh duy trì chương trình gặp mặt, đối thoại định kỳ với văn nghệ sĩ từ nhiều năm nay cũng là một cách ứng xử hay mà không phải tỉnh thành nào cũng làm được. Không chỉ để hiểu hơn tâm tư, tình cảm của văn nghệ sĩ, việc làm này còn thể hiện sự trân quý của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với VHNT nói chung và văn nghệ sĩ nói riêng.