(VHQN) - Tiếp thị du lịch, nhất là tiếp thị trực tuyến ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc xúc tiến, quảng bá điểm đến. Làm thế nào để điểm đến Quảng Nam nói chung, miền núi nói riêng trở nên hấp dẫn trong mắt du khách và doanh nghiệp du lịch? Báo Quảng Nam ghi nhận chia sẻ của những người làm du lịch tại hội thảo Tiếp thị điểm đến Quảng Nam trong thời kỳ phục hồi và chuyển đổi số diễn ra hồi đầu tháng 7 cũng như tham vấn thêm góc nhìn của chuyên gia về vấn đề này.
Ông Kai Partale - chuyên gia marketing du lịch (Chương trình Du lịch bền vững Thụy Sĩ): Tiếp thị trực tuyến cần gắn với những câu chuyện
Tôi cho rằng quản lý nội dung đóng vai trò quan trọng trong tiếp thị điểm đến. Đã có nhiều xu hướng tác động đến sự thay đổi trong tiếp thị điểm đến.
Hiện nay ở không gian số có quá nhiều thông tin nên những nội dung đơn giản không có ý tưởng chiến lược ngày càng trở nên kém hiệu quả.
Do đó cần tiếp thị đa kênh để du khách trải nghiệm nhiều hơn. Việc xúc tiến quảng bá du lịch Quảng Nam cần được triển khai một cách có hệ thống.
Từ việc lập kế hoạch chiến lược, quản lý nguồn cung cho đến truyền thông và phổ biến. Nội dung tiếp thị tốt là nội dung thể hiện được ý tưởng khái quát nhất, tiếp cận được nhóm thị trường mục tiêu thông qua các kênh của họ, khơi dậy được cảm xúc, khiến khách phải chia sẻ và thúc đẩy mọi người quay trở lại.
Chúng ta cần xác định rằng thông tin phù hợp và chính xác chỉ hiệu quả khi đúng đối tượng khách, đúng thời điểm và đúng kênh. Để làm được việc đó, những người làm tiếp thị phải quản lý dữ liệu chuyên nghiệp, lập kế hoạch cho nội dung và tiếp thị trực tuyến với các hoạt động khác.
Để quản lý dữ liệu chuyên nghiệp thì không cách nào tốt bằng việc sở hữu cơ sở hạ tầng dữ liệu mạnh. Khi tiếp thị nội dung, để thành công tôi cho rằng tâm điểm là ở câu chuyện. Cần gắn việc định vị điểm đến với câu chuyện làm mọi người có cảm xúc và kết nối với nhau.
Thông điệp truyền đi cũng cần có nội dung cốt lõi thay vì lan man. Nội dung trực quan cũng rất quan trọng bởi bức ảnh có thể thay cho ngàn lời nói và được cảm nhận nhanh chóng cũng như tạo ấn tượng sâu sắc với người xem.
Có nhiều công cụ để tiếp thị du lịch trực tuyến. Trong đó, các trang web vẫn là tâm điểm truyền thông đầu và cuối của tiếp thị trực tuyến. Đó là nơi tốt nhất để giới thiệu thương hiệu và đưa ra những nội dung quan trọng nhất.
Dù vậy, để việc tiếp thị mang hiệu quả cao nhất thì cần xác định các kênh tiếp thị theo hành trình của du khách để nhắm đúng khách hàng mục tiêu, khiến họ thực hiện các thao tác có lợi cho điểm đến như đặt chỗ, theo dõi, kết nối hoặc chia sẻ.(QUỐC TUẤN ghi)
Bà Esther de la Cruz - chuyên gia của Tập đoàn Thiên Minh, biên tập viên trang web visitquangnam.com: Cần mục tiêu cụ thể khi tiếp thị du lịch
Chúng tôi đang hỗ trợ ngành du lịch Quảng Nam trong việc tiếp thị du lịch điện tử. Mục tiêu là tạo ra một cổng thông tin mang tính cạnh tranh, đẳng cấp và có mặt trên mạng xã hội cho Quảng Nam. Từ đó, định vị Quảng Nam là điểm đến bền vững hàng đầu của du khách và ngành du lịch.
Có 3 thành phần chính trong dự án tiếp thị du lịch điện tử này bao gồm: website, mạng xã hội và chạy quảng cáo.
Mục tiêu trong năm 2022 là đạt 100 nghìn lượt xem website và 30 nghìn người dùng mỗi tháng. Với mạng xã hội, mục tiêu đặt ra trong năm nay là đạt hơn 100 nghìn người theo dõi, 100 nghìn lượt tương tác mỗi tháng. Còn với chạy quảng cáo, mục tiêu là đạt 50% lưu lượng truy cập quốc tế với thời gian trung bình 2 phút trên web.
Những dự án mà chúng tôi đang triển khai bao gồm: sê-ri 15 video trong năm 2022, xây dựng 3 tour ảo 360, công cụ tìm kiếm chuyên nghiệp, đồ họa thông tin, quà tặng cho các cuộc thi hàng tháng và tăng cường bản địa hóa trong tương tác với một số thị trường khách.
Dù là với kênh tiếp thị nào thì cũng rất cần việc xác định mục tiêu cụ thể để đo lường tính hiệu quả trong việc tiếp thị du lịch. Từ đó nếu cần có thể điều chỉnh chiến lược tiếp thị nhằm hướng đến tương tác tốt nhất với du khách. Và theo tôi, hai điều quan trọng nhất quyết định thành công khi cung cấp nội dung, thông tin cho du khách là phải truyền được cảm hứng và đáng tin cậy.
Trong tháng 7, chúng tôi cũng khởi động chiến dịch kỹ thuật số đầu tiên của mình ở Việt Nam lẫn quốc tế. Tất cả chiến dịch kỹ thuật số sẽ khởi chạy với các yếu tố hỗ trợ bao gồm: chuỗi video, các bài viết hỗ trợ, quảng cáo kỹ thuật số, quà tặng trên mạng xã hội, thông cáo báo chí quốc tế, bộ nhãn dán chuyên dụng…(HÀ SẤU ghi)
Ông Nguyễn Sơn Thủy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam: Mấu chốt ở năng lực thực thi
Quảng Nam đã bàn về định vị, tiếp thị điểm đến quá nhiều. Du lịch Quảng Nam có rất nhiều tiềm năng lợi thế, nhưng cũng không nên bàn thêm về việc định vị du lịch Quảng Nam là du lịch biển, du lịch di sản, du lịch ẩm thực hay du lịch cộng đồng nữa. Đã đến lúc chúng ta cần chốt lại một chủ đề rõ ràng, xuyên suốt về lâu dài.
Năm rồi, Quảng Nam đã “xới” lên vấn đề du lịch xanh và đã lấy làm chủ đề trong Năm du lịch quốc gia 2022. Tôi nghĩ đó đã là chủ đề đủ để bao hàm hết nội dung của phát triển du lịch bền vững trong tương lai.
Do đó, Quảng Nam cứ theo cơ sở đó mà làm tiếp trong những năm đến và khẳng định rõ ràng du lịch Quảng Nam là “du lịch xanh”, “điểm đến xanh” trong 10 - 20 năm nữa, thậm chí là dài hơn. Điều chúng ta cần là làm sâu sắc thương hiệu này trong tương lai.
Quảng Nam cần làm truyền thông, tiếp thị để nổi bật thương hiệu du lịch xanh, để du khách biết và đến trải nghiệm du lịch xanh đúng nghĩa. Tôi nghĩ hạn chế của du lịch Quảng Nam nằm ở việc thực thi. Điều này đến từ việc nguồn lực phân tán, không tập trung, chưa huy động, khai thác được từ các chủ thể làm du lịch khối Nhà nước, tư nhân, tập đoàn…
Ở thời điểm này, Quảng Nam cần gấp rút triển khai việc thành lập Quỹ phát triển du lịch Quảng Nam. Doanh nghiệp du lịch ở Quảng Nam chủ yếu là vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Cần huy động nguồn lực từ các tập đoàn, chủ đầu tư lớn để tạo nét đặc sắc thương hiệu du lịch Quảng Nam.
Sau khoảng 30 năm làm du lịch, tiêu tốn rất nhiều tài nguyên nhưng du lịch Quảng Nam chủ yếu chỉ được các đơn vị truyền thông bên ngoài quảng bá cho du lịch địa phương chứ việc chủ động của chúng ta hầu như không có.
Ngành du lịch cần chuyển động mạnh mẽ hơn trong việc truyền thông số. Chúng ta chưa có các tài khoản mạng xã hội quảng bá du lịch có “tích xanh” - (chính chủ) hoặc những kênh youtube có chứng nhận “vàng”, “bạc”…
Chúng ta cần đặt hàng và cam kết trong vòng 1 năm, 2 năm phải đạt được định mức gì trên nền tảng số. Từ đó tiếp tục phát triển, duy trì điều này trong dài hạn thì chắc chắn công tác tiếp thị du lịch Quảng Nam sẽ có đột phá. (PHẠM QUỐC ghi)
Ông Lê Hồng Vương - Nghiên cứu sinh Tiến sĩ - Đại học Cao Hùng, Đài Loan: Giá trị văn hóa bản địa là “linh hồn” cho sản phẩm du lịch
Thực tế cho thấy, phát triển du lịch Quảng Nam hiện tại gắn với các di sản thế giới và khu vực phía đông của tỉnh. Vì vậy, phát triển du lịch phía tây là giải pháp cho việc cân bằng trục Đông - Tây và phát triển bền vững của ngành du lịch nói riêng và kinh tế của tỉnh nói chung. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch ở khu vực này còn gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, nhân lực du lịch…
Nhằm hướng đến phát triển du lịch khu vực phía tây, theo tôi cần định hướng và triển khai thực hiện mục tiêu phát triển du lịch từ chính quyền tỉnh đến các huyện, xã và địa phương nằm trong vùng quy hoạch phát triển gắn với chương trình hành động và hướng dẫn cụ thể.
Đồng thời cần đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm phát triển du lịch nói riêng và kinh tế nói chung. Xác định các vùng trọng điểm và đầu tư là một trong những ưu tiên hàng đầu. Mục tiêu ban đầu hướng đến là sự dễ dàng tiếp cận của các nhà đầu tư du lịch và thuận lợi cho du khách trong tham quan du lịch.
Chú trọng hướng dẫn thực hiện các mô hình du lịch cộng đồng tại khu vực trọng điểm cho các đối tượng tham gia hoạt động du lịch: nhà kinh doanh du lịch và cư dân địa phương.
Để thực hiện điều này cần có sự định hướng tiên phong từ chính quyền, sự kết hợp chặt chẽ với các đơn vị kinh doanh du lịch và cư dân địa phương, đặc biệt trong việc khuyến khích đầu tư về cơ sở vật chất phục vụ du lịch. Song song, tổ chức những khóa đào tạo về kiến thức, kỹ năng và nghiệp vụ cho các đối tượng có liên quan trong việc phát triển du lịch của làng, của địa phương.
Đặc biệt, việc bảo tồn và nâng tầm các giá trị văn hóa bản địa như là “linh hồn” cho các sản phẩm du lịch. Từ đó, tạo ra những sản phẩm du lịch văn hóa phù hợp. Khai thác các loại hình du lịch và sản phẩm mới đặc trưng của vùng như: du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm, du lịch trekking, du lịch thám hiểm hang động.
Các nhà du lịch có thể hướng những sản phẩm du lịch mới gắn với các vườn quốc gia, rừng đặc dụng, rừng đặc trưng pơmu, đỗ quyên, khám phá các khu rừng sâm Ngọc Linh tự nhiên... Một điều khá quan trọng lúc này, là cần đẩy mạnh công tác truyền thông cho du lịch phía tây của tỉnh hơn nữa nhằm khai thác những tiềm năng giá trị của vùng đất này.
Tiến sĩ Đoàn Văn Tín - Nhà nghiên cứu du lịch bền vững - Viện Nghiên cứu Du lịch TRC, Đại học Greenwich, Vương quốc Anh: Liên kết - chiến lược thu hút khách du lịch
Giao thông thuận tiện là điều kiện tiên quyết trong sự phát triển của du lịch. Với lợi thế gần 200km đường Hồ Chí Minh lịch sử chạy dọc theo dãy Trường Sơn và nhiều tuyến đường kết nối với quốc lộ 1, các huyện miền núi phía tây Quảng Nam có được vị thế thuận lợi để kết nối tuyến điểm du lịch với cụm di sản miền Trung Hội An - Mỹ Sơn - Đà Nẵng - Huế - Phong Nha.
Vì vậy, chiến lược kết nối tuyến điểm du lịch phải được đầu tư và triển khai nhanh để bắt kịp xu hướng đi du lịch trong nước thời kỳ hậu Covid-19.
Để nâng cao hiệu quả liên kết tuyến điểm du lịch, việc xây dựng hệ thống điểm đến đòi hỏi phải có chiến lược phát triển toàn diện. Theo đó, cần xác định tài nguyên nổi bật tại khu vực. Chính giá trị tài nguyên tự nhiên và văn hóa đặc trưng sẽ làm nền tảng cho các trải nghiệm khác biệt của du khách.
Có thể nói, những địa danh có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ như Prao, Bến Giằng, Đồi E, Làng Rô… sẽ trở thành những điểm dừng chân thú vị cho du khách. Công tác xây dựng tuyến điểm cần có sự phối hợp của các địa phương để tránh sự trùng lặp trong phát triển sản phẩm.
Du khách luôn tìm kiếm những trải nghiệm khác lạ, đặc biệt là các nhóm khách ưa khám phá vùng đất mới. Vì thế, việc liên kết phát triển sản phẩm du lịch giúp các địa phương định vị thế mạnh của mình với du khách.
Hợp tác truyền thông và marketing là công cụ quan trọng quảng bá hình ảnh của khu vực đến với đối tác kinh doanh và du khách. Với tốc độ phát triển nhanh của công nghệ truyền thông (digital media) và mạng xã hội (facebook, tiktok, instagram, travelblog …), việc quảng bá hình ảnh điểm đến có nhiều sắc thái khác nhau.
Vẻ đẹp hoang sơ và hạ tầng du lịch hài hòa với cảnh quan có thể trở thành thế mạnh để thu hút các nhóm khách ưa khám phá. Chính các nhóm khách này sẽ trở thành cánh tay nối dài cho công tác xây dựng hình ảnh và truyền tải thông tin đến những người có nhu cầu.
Với mỗi chiến lược đề ra như trên, các địa phương miền núi phía tây Quảng Nam cần phối hợp với Sở VH-TT&DL để đẩy nhanh công tác thực hiện giải pháp cụ thể để đánh giá tài nguyên nổi bật, điểm nhấn của điểm đến và hợp tác truyền thông đồng bộ. Với quyết tâm phát triển du lịch đa dạng, các huyện phía tây Quảng Nam hoàn toàn có thể tận dụng lợi thế để thu hút khách từ các trung tâm du lịch lân cận.