Sau nhiều năm gián đoạn, Quảng Nam đã xây dựng đề án “Đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố (DDCI)” tiếp tục trao quyền cho doanh nghiệp đánh giá sự điều hành kinh tế của các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương kể từ năm 2023.
“Vá” khoảng trống PCI
Quảng Nam trở thành một trong số ít địa phương đóng góp ngân sách về Trung ương kể từ năm 2017, thể hiện điểm sáng năng lực điều hành kinh tế. Năm năm liên tiếp (2015 - 2019) lọt vào tốp 10 tỉnh thành có Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cao nhất nước.
Chính quyền địa phương tiếp tục hiện thực hóa các nghị quyết chính phủ, cải thiện môi trường đầu tư, đưa ra kế hoạch gia tăng điểm số, thứ hạng bằng những chính sách, cơ chế thích hợp, duy trì các sáng kiến..., hy vọng sẽ trở thành một cực tăng trưởng tại miền Trung.
Tuy nhiên, bất ngờ đã xảy ra là Quảng Nam đã không thể giữ được thứ hạng. Hai năm liền (2020 & 2021) đã bị đánh bật ra khỏi tốp 10, không còn thuộc nhóm tốt. Một trong những nguyên nhân làm giảm điểm, giảm hạng được xác định là việc thừa hành và thực thi chưa tốt các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI.
Không ít sở, ban, ngành, địa phương còn cho rằng chỉ số PCI chỉ liên quan đến trách nhiệm của một vài cơ quan, đơn vị, không phải là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị.
Có thể thấy PCI chỉ khảo sát trên diện rộng, còn nhiều khoảng trống. Chính quyền cấp tỉnh không dễ dàng có được thông tin cụ thể từ chính các đối tượng sử dụng dịch vụ công do các cơ quan nhà nước cung cấp.
Khó có thể đánh giá hiệu quả việc triển khai một số chính sách có liên quan tới doanh nghiệp tại địa phương. Hoặc những vướng mắc trong việc phối hợp giữa các sở, ban, ngành, huyện, thị, thành phố khi thực thi các chính sách, giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Việc thiếu thông tin này gây khó khăn cho chính quyền cấp tỉnh trong việc khắc phục hạn chế từ cơ quan công quyền địa phương để tháo gỡ, điều chỉnh kịp thời, phù hợp, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói, các kết quả khảo sát thường niên tại địa phương cho thấy có rất nhiều sáng kiến hay ở cấp tỉnh chưa được thực thi tốt ở các sở, ngành.
Các chủ trương, chính sách đúng đắn của lãnh đạo tỉnh không được cấp huyện thực hiện tốt. Chính quyền địa phương rất khó đưa ra một chương trình thay đổi đúng trọng tâm, đúng điểm nóng nếu không có thông tin.
Động lực thúc đẩy cải cách phải bằng những sáng kiến, giải pháp cụ thể từ các sở, ban, ngành, địa phương, nhất là chất lượng thực thi từ cơ sở có đáp ứng đúng mức yêu cầu của doanh nghiệp hay không mới là điều quan trọng!
PCI 2017 đã chứng kiến một cuộc “soán ngôi” bất ngờ và đầy ấn tượng. Đà Nẵng từng giữ vị trí đầu bảng xếp hạng trong suốt 4 năm liền đã phải nhường chỗ cho Quảng Ninh - địa phương đã nỗ lực vận hành DDCI (kể từ năm 2015) đã mang lại hiệu quả khi chiếm vị trí quán quân 5 năm liền (2017 - 2021).
DDCI là công cụ góp phần cải thiện PCI hữu hiệu đã được kiểm nghiệm. Chẳng có gì lạ khi Quảng Ninh trở thành mô hình mẫu được 60 tỉnh, thành cả nước tham khảo, học tập. Từ con số 3 địa phương năm 2014 đã lên đến 54 địa phương thực hiện cuộc đánh giá này vào năm 2020 và tăng dần hằng năm.
Theo ông Tuấn, DDCI được xem là công cụ để vá khoảng trống cải cách còn lại của chỉ số PCI đã chỉ ra. Bộ chỉ số này được xây dựng là điều cần thiết. DDCI được xem như truyền lửa cải cách mạnh mẽ từ UBND tỉnh xuống cấp sở, ban, ngành, địa phương. Đây cũng là kênh thông tin rất đáng tin cậy để doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến cụ thể với cơ quan công quyền.
Mục tiêu kép
DDCI không còn là chuyện đơn lẻ của mỗi địa phương mà đã trở thành “mệnh lệnh” từ Chính phủ. Hiện thực hóa DDCI hướng đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đang là động lực của các địa phương. Quảng Nam không ngoại lệ (thực hiện 2018 & 2019, đã bị gián đoạn 2020 & 2021).
Chính quyền tỉnh Quảng Nam quyết định ban hành đề án đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương, kèm theo một kế hoạch nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về cải thiện chỉ số PCI, DDCI Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025.
Theo ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đề án đưa ra để nâng cao hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của các cơ quan công quyền hành chính và địa phương; cung cấp cho lãnh đạo tỉnh bộ công cụ hiệu quả để giám sát, chỉ đạo, cải thiện chất lượng điều hành đối với cơ quan công quyền.
Việc đánh giá này sẽ tạo sự thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa các cơ quan công quyền và địa phương. Từ đó sẽ tạo nên động lực cải cách quyết liệt, đồng bộ trong nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực. Sẽ tạo thông tin tin cậy, rộng rãi, minh bạch để nhà đầu tư, doanh nghiệp, đóng góp ý kiến xây dựng cơ quan công quyền.
Kết quả chỉ số DDCI được xem là một trong những căn cứ để đánh giá công tác điều hành, xếp loại thi đua cuối năm của các đơn vị, địa phương và người đứng đầu. Sẽ là kênh hỗ trợ lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, thị, thành phố xác định nhiệm vụ trọng tâm cần cải cách, triển khai các giải pháp kịp thời, phù hợp để cải thiện hiệu quả hoạt động của đơn vị mình, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Khác với những cuộc đánh giá DDCI đã thực hiện. Đề án lần này tính đến việc hoàn thiện hệ thống chỉ số và tiêu chí đánh giá được lựa chọn tương tự các chỉ số thành phần của PCI trên cơ sở áp dụng linh hoạt, phù hợp với thực tiễn tại địa phương và có sự tham vấn của chuyên gia PCI trong suốt quá trình hoàn thiện, triển khai thực hiện.
Hệ thống chỉ tiêu được hoàn thiện theo hướng dễ áp dụng, dễ hành động để các đơn vị có thể dễ dàng tìm kiếm và lựa chọn giải pháp cải thiện. Kết quả khảo sát, điều tra lấy ý kiến phải được tổng hợp, phân tích, đánh giá một cách đầy đủ, khách quan, minh bạch để báo cáo lãnh đạo tỉnh.
Các cơ quan công quyền tiếp thu ý kiến góp ý của nhà đầu tư, doanh nghiệp để đề ra những giải pháp thực chất, hiệu quả, khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng điều hành của chính quyền các cấp.
Năm 2023 bắt đầu đánh giá DDCI, công bố kết quả vào đầu quý IV-2023. Ông Hồ Quang Bửu nói, DDCI được xây dựng với mục đích kép. Một mặt trao quyền cho cộng đồng doanh nghiệp địa phương đóng góp tiếng nói, thực thi vai trò giám sát các hoạt động điều hành kinh tế địa phương. Mặt khác, đặt các cơ quan công quyền vào tâm thế “thường trực” cải cách.
“Với sự cân đong, đo đếm được, những thông tin từ DDCI, chính quyền có thể đưa ra một chương trình để chấn chỉnh, cải thiện. Định kỳ đánh giá khả năng điều hành của địa phương, sẽ tạo ra văn hóa tự điều chỉnh hành vi thực thi pháp luật, thể hiện vai trò công bộc” - ông Bửu nói.