UBND tỉnh vừa thông qua đề án Hỗ trợ đầu tư cấp thiết hạ tầng du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020, mở ra triển vọng cải thiện bộ mặt hạ tầng dịch vụ du lịch Quảng Nam, nhất là các địa phương nằm xa hai trung tâm du lịch di sản chưa hưởng lợi nhiều từ sự phát triển du lịch của tỉnh.
Đề án vẫn chưa thể giúp Làng du lịch cộng đồng Trà Nhiêu có cầu tàu du lịch. Ảnh: K.LINH |
Theo đề án, sẽ có khoảng 40 điểm, khu du lịch của 18 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ kinh phí xây dựng các công trình, hạ tầng du lịch như nhà đón tiếp, bãi đỗ xe, cầu tàu du lịch, nhà vệ sinh công cộng... nhằm đáp ứng nhu cầu đón khách từ nay đến năm 2020.
Hoàn thiện hạ tầng
Thực tế, không phải đến bây giờ việc đầu tư hạ tầng tại các điểm khu du lịch mới được quan tâm, mà từ năm 2001 đến nay Quảng Nam đã phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp đầu tư xây dựng khá nhiều tuyến đường phục vụ du lịch như đường du lịch ven biển, đường Nam Phước - Trà Kiệu - Mỹ Sơn. Ngoài ra, một số tuyến đường đến các khu, điểm du lịch trong tỉnh như Đồi Đá Đen (hồ Phú Ninh), Khe Lim (Đại Lộc), thác Grăng (Nam Giang), Khe Cái (Hiệp Đức)... cũng được xây dựng với tổng nguồn vốn hơn 505 tỷ đồng. Trong đó, nguồn hỗ trợ vốn hạ tầng du lịch của trung ương gần 236 tỷ đồng, 100 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu chính phủ, nguồn vốn địa phương hơn 169 tỷ đồng. Tuy vậy, hệ thống điện đường, cấp thoát nước, nhà đón tiếp, bãi đỗ xe, cầu cảng du lịch, bến thuyền du lịch, nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn tại một số khu, điểm du lịch phần lớn đến nay vẫn chưa được chú trọng đầu tư nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch.
Theo ông Đinh Hài – Giám đốc Sở VH-TT&DL, dù những năm qua hoạt động du lịch Quảng Nam đã đạt được những kết quả tích cực với tốc độ tăng trưởng bình quân lượt khách đến Quảng Nam trong giai đoạn 2004 - 2014 là 15%, doanh thu du lịch tăng bình quân là 26%, nhưng hạ tầng phục vụ du lịch cũng mới chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu phát triển du lịch, còn thiếu khoảng 70% gồm các hạng mục như cầu cảng du lịch, cầu tàu du lịch, hệ thống giao thông, bãi đỗ xe, nhà đón tiếp, nhà vệ sinh công cộng tại khu, điểm du lịch. Vì vậy, việc lập đề án hỗ trợ đầu tư cấp thiết hạ tầng du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh là cần thiết. “Với việc ban hành đề án này, mục tiêu đến năm 2020 sẽ hoàn chỉnh xây dựng cầu tàu, bãi đỗ xe, nhà đón tiếp, nhà vệ sinh công cộng tại các khu, điểm du lịch cấp thiết như trong định hướng điều chỉnh quy hoạch tổng thể du lịch Quảng Nam của UBND tỉnh đã đề ra” - ông Hài nhìn nhận.
Đầu tư đồng bộ
Đề án được phê duyệt với cơ chế và nguồn kinh phí cụ thể khả năng sẽ tạo nên bước đột phá trong đầu tư hạ tầng, dịch vụ du lịch khi mà đa số khu, điểm du lịch thời gian qua dường như vẫn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quy định của Tổng cục Du lịch. Thậm chí tại khu phố cổ Hội An trong số 14 nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách, hầu hết chưa đạt chuẩn cũng như quy mô nhỏ và nằm rải rác trong khu phố cổ. Tại những nơi khác trong tỉnh hầu hết hạ tầng dịch vụ chưa đồng bộ, nhà đón tiếp, nhà trưng bày, nhà vệ sinh, cơ sở dịch vụ ăn uống, cảnh quan môi trường, nhân lực... đều bất cập. Ông Đinh Hài cho rằng, để khắc phục tình trạng này, giai đoạn từ 2016 – 2020 đề án sẽ tập trung đầu tư nâng cấp, chỉnh trang, sửa chữa hạ tầng thiết yếu đã xuống cấp, hoặc chưa đạt chuẩn theo quy định tại khu, điểm du lịch. Cụ thể, đối với các bãi đỗ xe, nhà đón tiếp, nhà trưng bày, cầu tàu, bến thuyền du lịch... các địa phương, doanh nghiệp tự nâng cấp, sửa chữa, trải thảm nhựa đảm bảo theo quy định phục vụ lượng xe tham quan tại điểm du lịch. Ngoài ra, sẽ đầu tư sửa chữa, nâng cấp 35 nhà vệ sinh công cộng chưa đạt chuẩn tại các địa phương. Tổng nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng trong 5 năm đến từ các nguồn khác nhau khoảng 165 tỷ đồng.
Ông Lê Trung Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho rằng, đề án ra đời có ý nghĩa khá quan trọng với địa phương, nhất là tại các làng nghề. Hiện tại làng nghề dâu tằm Đông Yên (Duy Trinh) đã làm xong con đường vào làng từ nguồn kinh phí hỗ trợ của đề án. “Dự án hỗ trợ thì tốt rồi nhưng còn ít quá, nhiều điểm địa phương rất cần như nhà đón tiếp, cầu tàu tại Trà Nhiêu, Duy Vinh... nhưng vẫn chưa được’’ - ông Cường chia sẻ. Còn theo ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, dù một số điểm của thành phố như Hang Yến (Cù Lao Chàm), Làng du lịch cộng đồng Cẩm Thanh, làng rau Trà Quế được hưởng được chính sách này nhưng như thế vẫn là quá ít và không tương xứng với một trung tâm du lịch lớn như Hội An. “Theo tôi, nên tập trung nguồn lực đầu tư trọng điểm chứ không thể dàn trải kiểu phân bổ chính sách cho từng địa phương như thế sẽ không phù hợp. Tôi đã kiến nghị với lãnh đạo sở VH-TT&DL, lãnh đạo Sở cũng đã ghi nhận và hứa sẽ xem xét lại’’ - ông Sơn cho biết.
Có thể nói, dù vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn nhưng đề án đã mang sự kỳ vọng cho những thay đổi lớn trong đầu tư hạ tầng du lịch, nhất là cơ chế và phân bổ nguồn vốn giữa ngân sách nhà nước và các địa phương, doanh nghiệp... Qua đó tạo điều kiện để các điểm khu du lịch hoàn thiện hạ tầng đón khách hướng đến sự chuyên nghiệp cao nhất, để du lịch xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh cũng như các địa phương trong những năm đến.
KHÁNH LINH