(QNO) - Ngày 29/9, Bộ TT-TT có Công văn số 4970 về việc trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Quảng Nam gửi tới Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Ngày 1/8/2023, Bộ TT-TT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Nam do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 907, với nội dung: “Người dân ngày càng quan tâm đến quyền tiếp cận thông tin đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là các lĩnh vực pháp luật liên quan trực tiếp, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.., nhất là khu vực miền núi, biên giới, hải đảo.
Đề nghị chỉ đạo đẩy mạnh triển khai hệ thống mạng internet đến các khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận thông tin, nâng cao chất lượng sống của người dân và hiệu quả công tác quản lý của chính quyền các cấp”.
Tiếp nhận kiến nghị, Bộ TT-TT có ý kiến trả lời như sau:
Việc phủ sóng biên giới, hải đảo đã được Bộ TT-TT đặc biệt quan tâm nhằm đảm bảo thông tin liên lạc, nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông của người dân và các cấp chính quyền và đảm bảo chủ quyền biên giới trên đất liền và trên biển.
Theo Bộ TT-TT, Việt Nam có 28 tỉnh, thành ven biển với hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Về cơ bản các doanh nghiệp viễn thông di động (Viettel, VNPT, MobiFone) đã triển khai cơ sở hạ tầng phủ sóng di động tại 29 tỉnh, thành ven biển bao gồm các trạm phủ sóng gần bờ, xa bờ và các trạm đặt trên các đảo (truyền dẫn ra đảo bằng các phương thức truyền dẫn cáp quang, viba, vệ tinh) với các công nghệ 2G/3G/4G (đa số là 2G và 4G).
Tổng số cơ sở hạ tầng phủ sóng di động cho các khu vực biển, đảo của các doanh nghiệp hiện nay là 2.596 vị trí bao gồm các trạm phủ sóng gần bờ và các trạm phủ sóng xa bờ và các trạm phủ sóng trên các đảo.
Trong thời gian tới Bộ TT-TT sẽ tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp, nghiên cứu triển khai phương án phủ sóng, thiết lập truyền dẫn ra các đảo để có băng thông rộng, tốc độ cao, chất lượng đảm bảo phục vụ người dân sinh sống trên đảo.