Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng

TRỊNH DŨNG 02/01/2019 07:06

Tư duy không lỗi nhịp, lựa chọn đúng con đường, không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế; sẽ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng... Đây là những lưu ý của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với 63 tỉnh, thành vừa tổ chức.

Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất lao động, hiệu quả dự án đầu tư công, kích thích năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp... (ảnh minh họa). Ảnh: T.D
Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất lao động, hiệu quả dự án đầu tư công, kích thích năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp... (ảnh minh họa). Ảnh: T.D

Kinh tế tăng trưởng cao

Theo báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trình bày, tăng trưởng GDP đạt 7,08% (cao nhất kể từ năm 2008), GDP bình quân đầu người đạt 2.587USD là kết quả nổi bật năm 2018. Nông nghiệp tăng 3,76%, cao nhất kể từ năm 2012. Công nghiệp, xây dựng tăng 8,85%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mạnh 12,98%, là động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế. Dịch vụ tăng 7,03%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,7%. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt kỷ lục 15,5 triệu lượt, tăng 19,9% so với 2017. Tỷ giá, thị trường vàng, ngoại tệ ổn định. Dự trữ ngoại hối nhà nước đạt hơn 60 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước vượt hơn 6% so với dự toán và tăng khoảng 9% so với thực hiện năm 2017. Bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát ở mức 3,6%. Nợ công trong giới hạn cho phép. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11,2%, tương đương 33,5% GDP. Vốn đầu tư tư nhân tăng 18,5%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới, bổ sung và mua cổ phần đạt 35,5 tỷ USD; giải ngân đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,1%. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 244,7 tỷ USD, tăng 13,8%. Tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 237,5 tỷ USD, tăng 11,5%,  xuất siêu 7,2 tỷ USD.

Không chỉ thống kê những con số, mô hình tăng trưởng Việt Nam đã có thêm nhiều thay đổi khi tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 5,35%; khoảng 1,65 triệu người đã được giải quyết việc làm năm 2018. Chất lượng nhân lực ngày càng được cải thiện, tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 58,6%, trong đó tỷ lệ nhân lực qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ khoảng 23 - 23,5%. Hạ tầng đô thị phát triển mạnh, tỷ lệ đô thị hóa ước 38,4% (chỉ tiêu đến năm 2020 là 38 - 40%). Sản xuất và cung ứng điện tăng mạnh, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Chất lượng tăng trưởng kinh tế ngày càng được cải thiện, giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói lần đầu tiên trong lịch sử, nông nghiệp đã xuất khẩu hơn 40 tỷ USD. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao kỷ lục trong 10 năm nhưng tăng trưởng tín dụng chỉ đạt dưới 14% so với 17 - 18% của các năm trước, công nghiệp khai khoáng giảm gần 4%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng lên hơn 12%. Chưa có thời điểm nào chứng kiến sự lớn mạnh cùng với quyết tâm vươn ra biển lớn của khu vực kinh tế tư nhân như 2 năm vừa qua. Trước đây, chúng ta lo lắng, sự sụp đổ tài khóa quốc gia thì lần đầu tiên, vượt thu ngân sách so dự toán khoảng 3,5 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục. Nợ xấu giảm sâu... “Rõ ràng chúng ta đang có sự chuyển dịch về mô hình tăng trưởng và sự thăng tiến cao hơn về chuỗi giá trị. Thêm một lần nữa khẳng định con đường chúng ta chọn là đúng. Tư duy không lỗi nhịp mà ngược lại đã đem đến khả năng chủ động ứng phó cũng như dẫn đến nền kinh tế Việt Nam vào những xu thế phát triển của khu vực và toàn cầu” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Quan trọng là chất lượng tăng trưởng

Chính phủ thừa nhận vẫn còn không ít chậm trễ, trì trệ và kém hiệu quả trong xây dựng cơ chế, chính sách, cả trong thực hiện. Không ít những rào cản làm kinh tế tư nhân không thể bứt phá, kinh tế hộ khó chuyển thành doanh nghiệp, những nút thắt của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ và đầu tư vào nông nghiệp, vướng mắc triển khai dự án đầu tư công ở trung ương và địa phương, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm... Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, những con số năm 2018 đáng khích lệ. Song không có bất kỳ con số nào có thể đo lường và phản ánh đầy đủ mọi cố gắng của toàn bộ hệ thống chính trị trong mục tiêu đưa Việt Nam tiến nhanh trên con đường mang tên độc lập, tự cường và thịnh vượng. Chính phủ sẽ không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế. Không thể đổ lỗi cho cơ chế, chính sách. Cần tìm giải pháp mạnh mẽ khơi thông và huy động mọi nguồn lực cho phát triển.

Theo định hướng, mô hình tăng trưởng của Việt Nam sẽ dựa nhiều hơn vào năng suất lao động và thúc đẩy một nền kinh tế số. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói sẽ không đánh đổi hay lựa chọn giữa chất lượng, tốc độ tăng trưởng mà phải đạt cả hai. Nghĩa là phát triển nhanh và bền vững. Chính phủ luôn kiên trì nguyên tắc “3 trong 1” trụ cột (kinh tế, xã hội, môi trường). Phát huy tốt nhất động lực tăng trưởng đã có, tích cực tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới, từ tiến trình đô thị hóa, ứng dụng công nghệ mới và từ các loại hình du lịch đa dạng. Không chỉ cải thiện các hạ tầng cứng, phát huy tài nguyên sẵn có, các yếu tố hạ tầng gắn với mô hình phát triển dựa trên dữ liệu và sức mạnh sáng tạo, thúc đẩy cuộc cách mạng 4.0, đẩy dư địa tăng năng suất lao động...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định chính phủ sẽ tập trung tháo gỡ những yếu kém cố hữu của nền kinh tế; những dự án thua lỗ kéo dài cần được nhận thức, chỉnh đốn một cách nghiêm túc. “Khía cạnh quản trị như Chính phủ điện tử, Chính phủ số, các giá trị kiến tạo phát triển, sự liêm chính… khó đi vào thực tiễn nếu cải cách những nguyên tắc và mô hình quản trị không còn phù hợp với thực tiễn. Sẽ đánh giá lại toàn bộ thực trạng và tiềm năng đích thực của các ngành kinh tế có tính chủ lực nhằm kiến tạo sức bật mới cho sự phát triển” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO