Tuyển sinh lớp 10 công lập năm học 2018 - 2019 tiếp tục thực hiện theo lộ trình giảm chỉ tiêu nhằm đẩy mạnh phân luồng và góp phần nâng cao chất lượng học sinh (HS) đầu vào các trường THPT, phổ thông dân tộc nội trú.
Chỉ tiêu tuyển sinh của các trường THPT miền núi giảm xuống 15% giúp các trường nâng cao chất lượng. Ảnh: X.PHÚ |
Khoảng 2.000 HS không vào được lớp 10
Điểm mới đáng chú ý nhất của phương án tuyển sinh lớp 10 các trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh năm học 2018 - 2019 vừa được UBND tỉnh phê duyệt là tiếp tục giảm chỉ tiêu tuyển sinh so với năm học trước. Cụ thể, từ 90% năm học 2017 - 2018, chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm nay sẽ kéo giảm xuống còn 85% so với số HS tốt nghiệp THCS đăng ký vào lớp 10, sau khi đã trừ đi số HS đã trúng tuyển vào các trường THPT chuyên biệt (gồm trường THPT chuyên, phổ thông dân tộc nội trú). Điều đó cũng có nghĩa, với gần 21.000 HS đang học lớp 9 hiện nay, sau khi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập và các trường THPT chuyên biệt, số lượng HS không vào được lớp 10 công lập cả tỉnh là gần 2.000 trường hợp.
Ở kỳ tuyển sinh lớp 10 năm học 2017 - 2018, lần đầu tiên tỉnh đẩy mạnh phân luồng khi các địa phương miền núi không còn tuyển 100% mà giảm xuống 90% như đồng bằng, dẫn đến xuất hiện những phản ứng khác nhau trong dư luận và các bậc phụ huynh. Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc, đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng là chủ trương lớn của trung ương và của tỉnh (Theo Nghị quyết 11, ngày 25.4.2017 của Tỉnh ủy, mục tiêu đến năm 2020 chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 là 80% còn 20% vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đến năm 2025 con số này sẽ là 70% và 30%). Năm học 2017 - 2018, tỉnh bắt đầu triển khai thực hiện phân luồng theo lộ trình khi tuyển sinh lớp 10 công lập toàn tỉnh với chỉ tiêu 90% so với số HS lớp 9 đăng ký tuyển sinh lớp 10. Theo đó, hơn 1.200 HS không vào được lớp 10 công lập đã có nhiều con đường để chọn học, gồm các trường THPT tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên và học nghề tại các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh. Ông Quốc cho biết, hiện số học viên học chương trình giáo dục thường xuyên kết hợp với học nghề là 560 người. Điều này chứng tỏ công tác hướng nghiệp và phân luồng HS trong giáo dục phổ thông của tỉnh bước đầu có chuyển biến tích cực. Từ kết quả đó và trên cơ sở định hướng tuyển sinh lớp 10 theo Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy (mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 20% HS sau khi tốt nghiệp THCS học nghề), năm học 2018 - 2019 chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 giảm xuống còn 85%.
Theo tìm hiểu, chỉ tính riêng số HS vừa theo học nghề vừa học chương trình lớp 10 hiện nay tại 3 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã lên đến 450 trường hợp. Trong đó nhiều nhất là Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam 240 trường hợp, Trường Trung cấp Nghề kinh tế kỹ thuật miền Trung Tây Nguyên 152 và Trường Cao đẳng Công nghệ - kinh tế và thủy lợi miền Trung 58 trường hợp. Ngoài ra, các trường dạy nghề cũng tuyển được cả trăm HS vào học nghề, song không học thêm chương trình lớp 10, trong đó Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam thu hút được 76 HS theo học.
Nhiều cơ hội cho trường nghề
Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam - Phạm Hồng Chương cho biết, sau khi phương án tuyển sinh lớp 10 công lập năm học 2018 - 2019 được UBND tỉnh phê duyệt với chỉ tiêu 85%, nhà trường xây dựng lại kế hoạch tuyển sinh năm 2018 theo hướng tăng chỉ tiêu đào tạo nghề đối với HS tốt nghiệp THCS. Năm 2017, lần đầu tiên trường tuyển được hơn 300 HS tốt nghiệp THCS vào học trung cấp chuyên nghiệp với các ngành nghề sửa chữa, bảo trì ô tô, điện, chăn nuôi, quản trị kinh doanh du lịch, trong đó phần lớn lựa chọn vừa học nghề vừa học văn hóa. Hy vọng, tuyển sinh đối tượng này năm nay tiếp tục thành công với chỉ tiêu 1.285 HS.
Theo quy định hiện hành, HS tốt nghiệp THCS theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh được miễn 100% học phí toàn khóa học và được hưởng các chế độ chính sách theo quy định. Ngoài ra, HS đăng ký theo học tại Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam còn được nhà trường bố trí một khu ở riêng trong ký túc xá để tạo điều kiện thuận lợi trong việc ăn ở, đi lại; đồng thời giúp công tác theo dõi, quản lý việc sinh hoạt, học tập và giải trí của HS được thuận lợi. Ông Phạm Hồng Chương cho biết, sau 2 năm học nghề, thêm 1 năm học văn hóa, HS có thể tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Như vậy sau 3 năm, số HS này vừa nhận được bằng tốt nghiệp THPT, vừa có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp (thay vì lộ trình thông thường là 5 năm: 3 năm THPT và 2 năm trung cấp chuyên nghiệp). Việc chọn học nghề sớm sau khi tốt nghiệp THCS đem lại cho HS rất nhiều lợi ích như rút ngắn thời gian học tập, tiết kiệm chi phí và sớm có việc làm ổn định.
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc cho rằng, để đẩy mạnh công tác hướng nghiệp và phân luồng, thời gian qua ngành đã tăng cường phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề đẩy mạnh tư vấn hướng nghiệp cho HS. Ngoài ra, lồng ghép các chủ đề giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông và hoạt động tư vấn tuyển sinh, cung cấp thông tin về thị trường lao động để HS lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở thích và nhu cầu của xã hội. Nhờ đó, số HS vào học nghề tăng lên đáng kể, góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương đẩy mạnh phân luồng trong giáo dục phổ thông. Tiếp tục lộ trình phân luồng, năm nay chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 công lập giảm xuống còn 85%, song cơ hội vào học tại các trường tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp lại mở ra khi các đơn vị tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Chỉ tính riêng chỉ tiêu tuyển sinh của 4 trường THPT tư thục và Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh năm nay là 1.600 HS; trong khi đó các trường nghề cũng mở rộng ngành nghề đào tạo.
XUÂN PHÚ