Tiếp tục gỡ khó cho doanh nghiệp

TRỊNH DŨNG 16/01/2013 08:48

Ngày 7.1.2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết 02 với hàng loạt biện pháp miễn, giảm thuế, hạ lãi suất, giải quyết hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản… Nghị quyết được xem như liều thuốc “hồi sinh”, giúp doanh nghiệp (DN) tìm cơ hội  vượt qua giai đoạn khó khăn.

Gỡ khó

Theo nghị quyết, vốn đầu tư phải được phân bổ ngay và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trong năm 2013, tập trung ưu tiên cho những dự án tạo sức lan tỏa lớn, những dự án thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới, nhà ở xã hội, ký túc xá học sinh, sinh viên. Việc tìm kiếm các biện pháp thiết thực và hiệu quả để giải ngân vốn đầu tư các dự án, chương trình, nhất là đối với nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, vốn chương trình… đúng quy định là phương thức tốt nhất để giải quyết hàng tồn kho, hỗ trợ thị trường và đầu tư phát triển. Cũng theo nghị quyết này, ngay trong năm 2013, 2014 sẽ giảm 50% tiền thuê đất đối với các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất. Giảm 30 - 50% thuế VAT đầu ra từ ngày 1.7.2013 - 30.6.2014 đối với các hoạt động đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội, nhà ở có diện tích dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.

Rao bán đất nền, nhà tại khu phố thương mại Trảng Nhật (Điện Bàn). Ảnh: T.D
Rao bán đất nền, nhà tại khu phố thương mại Trảng Nhật (Điện Bàn). Ảnh: T.D

Một trong những giải pháp quan trọng được đưa ra tại nghị quyết này là Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước dành một lượng vốn hợp lý (tối thiểu khoảng 3% tổng dư nợ của các ngân hàng này, ước khoảng 20.000 - 40.000 tỷ đồng) cho người có thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 với lãi suất thấp, kỳ hạn trả nợ phù hợp. Các DN xây dựng nhà ở xã hội hoặc chuyển đổi công năng của dự án đầu tư sang dự án nhà ở xã hội sẽ được vay với lãi suất và kỳ hạn hợp lý. Cùng với nỗ lực đó sẽ là chuyện rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch, giải quyết nhanh chóng các thủ tục cho phép điều chỉnh cơ cấu dự án đang tồn kho… Riêng nợ xấu sẽ được rà soát, đánh giá, tiến hành phân loại các khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm, nguồn gốc pháp lý, khả năng thanh khoản của các tài sản này… để có giải pháp xử lý phù hợp.

Thêm cơ hội

Để giảm chi phí sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho DN hạ giá thành và tiêu thụ sản phẩm, Nghị quyết 02 quy định gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế thu nhập DN đối với số thuế thu nhập DN phải nộp quý I và 3 tháng của quý II và quý III năm 2013 cho các DN có quy mô vừa và nhỏ, DN sử dụng nhiều lao động (sử dụng trên 300 lao động) trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến: nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử; xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội… Đồng thời, giảm 50% tiền thuê đất năm 2013, năm 2014 đối với các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất mà số tiền thuê đất phải nộp theo quy định trước đây và hoàn tiền thuế bảo vệ môi trường đã nộp từ ngày 1.1.2012 đến hết ngày 14.11.2012 đối với túi nilon làm bao bì đóng gói sản phẩm...

Ông Nguyễn Quang Việt, Chủ tịch Hiệp hội DN Quảng Nam nói nợ xấu đồng nghĩa với vốn bị ứ đọng, nền kinh tế sẽ bị thiếu vốn. Vì vậy, khi nợ xấu tăng cao, Nhà nước cần phải tập trung xử lý. Điều này, lẽ ra phải làm sớm hơn để cứu thị trường chứ không phải đợi đến bây giờ. Với tư cách là một giám đốc ngân hàng, ông Việt cho rằng chức năng của ngân hàng là huy động vốn và cho vay, vậy tại sao DN không tiếp cận được vốn vay ngân hàng? Nguyên nhân nợ xấu là DN làm ăn thua lỗ, tài sản đảm bảo không đủ điều kiện để phát mãi trả nợ ngân hàng. “Khi nền kinh tế chưa thật sự khởi sắc, tỷ lệ nợ xấu ngày càng tăng cao thì các ngân hàng chặt chẽ hơn trong điều kiện cho vay. DN nào hội đủ điều kiện vay vốn của ngân hàng mà không tiếp cận được vốn vay, Hiệp hội DN Quảng Nam sẽ hỗ trợ” - ông Việt nói. Theo ông Phạm Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH Đông Phương,  hầu hết ngân hàng ưu tiên vốn cho sản xuất, xuất khẩu. DN xuất khẩu hay sản xuất, nông nghiệp nông thôn hầu như không có rào sản nào từ tiếp cận vốn.
Từ ý kiến của các DN, hiệp hội và cả ngân hàng, có thể nói Nghị quyết 02 ra đời giữa lúc “nước sôi lửa bỏng” của thị trường như một tấm phao cứu DN tiếp tục trụ lại thị trường chờ ngày hồi phục. Ngay lĩnh vực bất động sản, những nhà đầu tư như Công ty CP Đất Xanh tại Điện Nam - Điện Ngọc hay Công ty CP Đầu tư 29 tại phố thương mại Trảng Nhật đã rao bán đất nền với giá rẻ cũng không mấy người mua. Mặc dù đã có những tín hiệu tích cực từ việc giảm giá bán bất động sản, song nhiều người cho rằng các DN vẫn còn nhiều việc phải làm để bán căn hộ hay đất nền “tồn kho” quá lớn trên thị trường.

Điều mà các DN đang khó khăn hoặc đứng trên bờ vực phá sản cần là làm sao tránh được nguy cơ phá sản, phải đóng cửa nhà máy. Vì vậy, cùng với việc miễn giảm tiền thuê đất, miễn giảm thuế thu nhập DN, Nhà nước cũng nên hạ mục tiêu thu ngân sách để những giải pháp cụ thể, đặc biệt là những quyết định có tác động lớn đến việc giảm chi phí cho DN, từ đó thị trường sẽ khởi phát và mục tiêu của nghị quyết mới đạt được.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiếp tục gỡ khó cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO