Tiếp tục hay giải thể Phòng khám đa khoa KCN Điện Nam - Điện Ngọc?

XUÂN HIỀN 16/08/2023 15:59

(QNO) - Phòng khám đa khoa Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) đến thời điểm này vẫn đang loay hoay về phương án vận hành. 

Phòng khám ĐKKCN Điện Nam - Điện Ngọc có cơ sở vật chất khang trang. Ảnh: X.H
Phòng khám đa khoa KCN Điện Nam - Điện Ngọc có cơ sở vật chất khang trang. Ảnh: X.H

Thu không đủ chi 

Bắt đầu đưa vào hoạt động từ năm 2015, Phòng khám đa khoa Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (Phòng khám đa khoa KCN Điện Nam - Điện Ngọc) được UBND tỉnh giao cho Bệnh viện ĐKKV Quảng Nam quản lý vận hành. Đại diện Sở Y tế cho biết, chủ trương ban đầu thành lập cơ sở y tế này nhằm phục vụ công nhân lao động và người dân liên quan tại 5 phường vùng đông của thị xã Điện Bàn.

Với 3 nhiệm vụ khám chữa bệnh, phòng bệnh và đào tạo theo, Phòng khám đa khoa KCN Điện Nam - Điện Ngọc được xác định là phòng khám đa khoa khu vực loại 3, có quy mô 14 giường bệnh điều trị nội trú. Cơ sở này cũng được trang bị đầy đủ các phòng khám chuyên khoa cũng như các trang thiết bị y tế từ X-quang kỹ thuật số, máy siêu âm, máy điện tim, máy xét nghiệm sinh hóa, máy xét nghiệm huyết học, hệ thống xử lý nước thải…

Phòng khám ĐK KCN Điện Nam - Điện Ngọc cần có một phương án vận hành khác để tránh lãng phí cơ sở hạ tầng hiện tại.
Phòng khám đa khoa KCN Điện Nam - Điện Ngọc cần có một phương án vận hành khác để tránh lãng phí cơ sở hạ tầng hiện tại.

Ông Nguyễn Tải - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Khu vực (ĐKKV) Quảng Nam cho biết, hoạt động của phòng khám phụ thuộc nguồn tài chính hoạt động chung của bệnh viện. Ở giai đoạn 2014 - 2018, Bệnh viện ĐKKV là đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên (có ngân sách nhà nước hỗ trợ). Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, theo quy định, Bệnh viện ĐKKV là đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên nhóm 2 và không có ngân sách nhà nước hỗ trợ.

"Trong suốt 4 năm vận hành khám chữa bệnh (từ 2015 - 2019), Phòng khám đa khoa KCN Điện Nam - Điện Ngọc liên tục gặp khó khăn. Thứ nhất, phòng khám nằm gần các cơ sở y tế cùng tuyến, cùng hạng, gần cơ sở chính của bệnh viện nên người dân rất ít đến đây khám chữa bệnh. Chính điều này dẫn đến hoạt động tài chính của phòng khám không đảm bảo được cơ chế tự chủ chi thường xuyên. Số lượt bệnh nhân đến khám ngày càng ít và tạo thêm gánh nặng, ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu của bệnh viện trong bối cảnh tự chủ hoàn toàn về tài chính” - ông Nguyễn Tải cho biết. Do nguồn thu của phòng khám không đảm bảo chi thường xuyên, dẫn đến ảnh hưởng nguồn tài chính chung của Bệnh viện ĐKKV Quảng Nam.

Nhiều phòng khám chuyên khoa đóng cửa. Ảnh: X.H
Nhiều phòng khám chuyên khoa đóng cửa. Ảnh: X.H

Tháng 3/2020 đến tháng 4/2022, Phòng khám đa khoa KCN Điện Nam - Điện Ngọc được chỉ định làm khu cách ly F1 và khu điều trị bệnh nhân COVID-19 theo quyết định của UBND tỉnh. Đến ngày 16/3/2023, UBND tỉnh có quyết định giải thể cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 tại đây. Sau đó, Sở Y tế có công văn yêu cầu đơn vị này triển khai khám bệnh, chữa bệnh thường quy từ ngày 1/4. Tuy nhiên, từ tháng 4 đến nay, phòng khám phải đóng cửa vì không có nhân lực vận hành cũng như không có bệnh nhân. 

Có nên tiếp tục tồn tại mô hình?

Đại diện Sở Y tế cho biết, sở đã đưa ra 2 phương án để tham mưu địa phương cũng như các sở ngành xem xét. Phương án 1, sở đề xuất đưa Phòng khám đa khoa KCN Điện Nam - Điện Ngọc trở thành cơ sở 2 của Bệnh viện ĐKKV Quảng Nam và tiếp tục trở lại hoạt động khám chữa bệnh thường quy.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu dứt điểm lựa chọn phương án hoạt động Phòng khám ĐKKCN Điện Nam - Điện Ngọc trong năm 2023. Ảnh: X.H
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu dứt điểm lựa chọn phương án hoạt động Phòng khám đa khoa KCN Điện Nam - Điện Ngọc trong năm 2023. Ảnh: X.H

Theo lý giải của Sở Y tế, Bệnh viện ĐKKV Quảng Nam thuộc loại hình tự đảm bảo chi thường xuyên, được giao quyền tuyển dụng biên chế và hợp đồng lao động để đảm bảo công tác chuyên môn tại đơn vị nên về nhân lực bệnh viện hoàn toàn có thể chủ động tuyển dụng, hợp đồng theo quy định.

Về cơ chế quản lý phòng khám, có thể xem xét theo hướng tổ chức lại phòng khám thành cơ sở 2 của bệnh viện theo mô hình bệnh viện hạng 3 (tương tự Cơ sở 2 của Bệnh viện ĐKKV Miền núi phía Bắc).

Hiện phòng khám có khuôn viên và hạ tầng rộng có thể đáp ứng việc tổ chức lại thành cơ sở 2 theo mô hình bệnh viện. Các máy móc, trang thiết bị hiện có đáp ứng cơ bản cho công chuyên môn tại phòng khám. Các vấn đề sữa chữa, đầu tư trang thiết bị phải có lộ trình và phụ thuộc vào cân đối nguồn ngân sách của UBND tỉnh.

Với phương án không tồn tại Phòng khám đa khoa KCN Điện – Điện Ngọc, theo đại diện Sở Y tế, để thực hiện phương án này cần sự phát huy vai trò tham mưu của địa phương trên cơ sở đánh giá nhu cầu của nhân dân trong khu vực và các sở, ban ngành liên quan.

"Hiện nay, một số đơn vị tư nhân có nhu cầu thuê lại cơ sở hạ tầng của Phòng khám đa khoa KCN Điện Nam - Điện Ngọc, đặc biệt Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức có tờ trình đề nghị được thuê cơ sở để triển khai cơ sở 2 của bệnh viện để tiếp tục thực hiện công tác khám chữa bệnh cho nhân dân khu vực" - đại diện Sở Y tế cho biết. 

[VIDEO] - Phòng khám đa khoa  KCN Điện Nam - Điện Ngọc hiện tại


Tại cuộc làm việc với Sở Y tế mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu UBND thị xã Điện Bàn tiếp tục khảo sát, lấy ý kiến của nhân dân và chính quyền địa phương liên quan về phương án hoạt động Phòng khám đa khoa KCN Điện Nam – Điện Ngọc. Từ đó, có ý kiến chính thức bằng văn bản để Sở Y tế nghiên cứu, tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh, hoàn thành trong tháng 8/2023.

Cạnh đó, đồng chí Trần Anh Tuấn yêu cầu Sở Y tế khẩn trương tham mưu UBND tỉnh thành lập tổ công tác với sự tham gia của Sở Y tế và các sở KH&ĐT, Tài chính, Nội vụ, UBND Thị xã Điện Bàn và Bệnh viện ĐKKV Quảng Nam nhằm xem xét, đề xuất chọn một trong hai phương án như đã nêu và hoàn thành dứt điểm về phương án hoạt động của cơ sở này trong năm 2023. 

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiếp tục hay giải thể Phòng khám đa khoa KCN Điện Nam - Điện Ngọc?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO