Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp

DIỄM LỆ 15/11/2020 06:44

Thời gian qua, có nhiều chính sách ra đời nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Qua thực tế triển khai, các nghị quyết, quyết định về việc sửa đổi, điều chỉnh chính sách phù hợp thực tiễn tiếp tục được ban hành, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất. Mới đây, Nghị định 114/NĐ-CP về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cũng là yếu tố quan trọng tiếp sức doanh nghiệp vượt qua năm khó khăn; Cục Thuế tỉnh sẽ hỗ trợ tích cực trong việc thực hiện chính sách này.

Doanh nghiệp rất mong chờ được tiếp cận các chính sách hỗ trợ sao cho thiết thực, hiệu quả nhất. Ảnh: D.L
Doanh nghiệp rất mong chờ được tiếp cận các chính sách hỗ trợ sao cho thiết thực, hiệu quả nhất. Ảnh: D.L
Ông Ngô Bốn - Cục trưởng Cục thuế tỉnh: Doanh nghiệp được hỗ trợ phải là doanh nghiệp có lợi nhuận

Nghị định 114/NĐ-CP được ban hành ngày 25.9.2020, quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và các tổ chức khác. Đây là Nghị định hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 116 nên quy định khá chi tiết, rõ ràng. Nghị định quy định giảm 30% thuế TNDN phải nộp của kỳ tính thuế TNDN năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng.

Theo đó, doanh nghiệp sẽ tự tính toán dự kiến tổng doanh thu trong kỳ tính thuế TNDN năm 2020, nếu không quá 200 tỷ đồng thì doanh nghiệp xác định tạm nộp hằng quý bằng 70% số thuế TNDN phải nộp. Đến khi kết thúc kỳ tính thuế năm 2020, doanh nghiệp thực hiện kê khai giảm thuế TNDN của năm 2020 khi quyết toán thuế TNDN theo quy định. Doanh nghiệp tự xác định số thuế phải nộp theo doanh thu nên khi quyết toán thuế TNDN, nếu doanh nghiệp đã nộp thiếu thì nộp bổ sung tiền còn thiếu, nộp thừa thì xử lý số tiền thừa theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Như vậy, doanh nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ này nghĩa là doanh nghiệp phải có lợi nhuận trong năm 2020. Trong tỉnh, số doanh nghiệp thuộc đối tượng hưởng Nghị định 114 chiếm 95% tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh, nhưng số có lợi nhuận trong năm này sẽ không nhiều nên sẽ ít doanh nghiệp được hưởng chính sách này. Ước tính trên tổng số doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng thì tổng số tiền nộp thuế TNDN năm 2020 dao động khoảng 300 - 400 tỷ đồng, vậy số thuế giảm là khoảng 100 tỷ đồng. Ngành thuế sẽ đồng hành, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp về mọi vấn đề thủ tục. Thuế TNDN phải nộp do doanh nghiệp tự tính toán, ngành thuế thực hiện chế độ hậu kiểm theo các quy định của pháp luật. Điều này được quy định rõ trong Nghị định 114, qua công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan có thẩm quyền phát hiện doanh nghiệp không thuộc đối tượng được giảm thuế theo quy định của nghị định này hoặc số thuế phải nộp của kỳ tính thuế TNDN năm 2020 lớn hơn số thuế đã nộp theo quy định thì doanh nghiệp phải nộp tiền thuế thiếu, tiền phạt và tiền chậm nộp kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành. Nghị định 114 là một trong rất nhiều chính sách mà Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

Ông Phạm Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh: Doanh nghiệp rất mong chờ được tiếp cận chính sách hỗ trợ

Rất nhiều gánh nặng đã khiến doanh nghiệp của tỉnh gặp khó khăn, thậm chí từ lãi chuyển thành lỗ như chi lương cho người lao động, chi trả lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng, chi cho các hoạt động thường xuyên khác. Ảnh hưởng rõ nét và trực tiếp nhất là ngành du lịch và vận tải hành khách, vận tải hàng hóa. Trong giai đoạn khó khăn, doanh nghiệp rất mong chờ được tiếp cận các chính sách hỗ trợ. Nhưng thực tế rất khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ, mà có tiếp cận được cũng rất “nhỏ giọt”. Doanh nghiệp có lãi thì có thể “thở” được, nhưng doanh nghiệp cần được hỗ trợ do thua lỗ thì các gói hỗ trợ thủ tục rườm rà, không phù hợp với doanh nghiệp nên nhiều khi họ không mặn mà tìm hiểu tiếp cận.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh mong chờ doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ về nhiều mặt như thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, đa dạng hóa thị trường, xúc tiến thương mại đầu tư, kích cầu tiêu dùng, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đối với kiến nghị về hỗ trợ thuế, các doanh nghiệp mong muốn Cục Thuế tỉnh ngoài việc hỗ trợ thực thi các gói hỗ trợ từ các Nghị định của Trung ương mang lại, cần giải quyết nhanh chóng thủ tục hoàn thuế cho doanh nghiệp xuất khẩu. Hoàn thuế nhanh chóng sẽ giúp bổ sung dòng tiền cho doanh nghiệp trong lúc khó khăn này. Bên cạnh đó, tỉnh cần nghiên cứu giảm thuế đất, chi phí thuê mặt bằng, đất đai cho doanh nghiệp. Các khu, cụm công nghiệp nên có chính sách giảm tiền thuê mặt bằng, nhà xưởng để giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào trong lúc khó khăn. Ngoài các chính sách của Nhà nước, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã kêu gọi các doanh nghiệp đồng tâm hiệp lực, nỗ lực hết mình, chung tay vượt qua khó khăn để duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh.

Bà Nguyễn Thị Như Nguyệt - Giám đốc Công ty CP may Trường Giang: Chính sách gì cũng cần thiết thực

Trong bối cảnh toàn cầu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, dệt may là ngành bị ảnh hưởng khá nặng nề do khó khăn từ đầu vào đến đầu ra, sản xuất đình trệ, người lao động mất việc, giảm việc làm. Không chỉ chủ doanh nghiệp lao đao mà người lao động cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Khó khăn này có thể còn kéo dài đến cả năm sau. Khi dịch bệnh trên thế giới còn phức tạp thì doanh nghiệp còn gặp khó khăn. Trên thực tế, chúng tôi chưa tiếp cận được bất cứ chính sách nào, kể cả nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất để trả lương cho doanh nghiệp. Nhưng doanh nghiệp phải lo cho người lao động, thực hiện trách nhiệm liên quan, hàng tháng phải nộp khoảng 500 triệu đồng bảo hiểm xã hội, chỉ cần 2 tháng khó khăn mà không nộp được đã nợ lên tiền tỷ; kinh phí công đoàn một năm cũng từ 400 triệu đồng trở lên. Đối với các khoản thuế, nếu trễ một ngày thì chịu lãi chậm nộp một ngày, nên doanh nghiệp phải lo. Vì khó khăn, nên nguồn tiền dự phòng đã mang ra trang trải. Doanh nghiệp chịu rất nhiều áp lực, gánh nặng.

Đến giờ phút này tính ra công ty chúng tôi vẫn chưa tiếp cận được chính sách nào cả. Còn đối với việc giảm 30% thuế TNDN trong năm 2020 thì chỉ đến được với doanh nghiệp có lãi. Đối với doanh nghiệp đã thua lỗ thì chính sách không có ý nghĩa gì. Vì vậy chính sách gì cũng cần thiết thực và đến được với doanh nghiệp, người lao động. Hỗ trợ cho doanh nghiệp chính là hỗ trợ cho người lao động, thêm một chính sách được thực thi là thêm niềm hy vọng “được sống” cho doanh nghiệp.

Ông Lê Hùng Lam - Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh: Sửa đổi chính sách giúp doanh nghiệp khó khăn dễ tiếp cận vốn vay lãi suất 0%

Ngày 19.10.2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 154/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP của chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ cũng ra Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 15/2020/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trên cơ sở đó, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam có văn bản số 5446/HD-NHCS ngày 20.10.2020 hướng dẫn nghiệp vụ cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc đối với người lao động.

Điều kiện vay vốn là có người lao động đang tham gia BHXH bắt buộc phải ngừng việc từ một tháng liên tục trở lên, kể từ ngày 1.4.2020 đến 31.12.2020; có doanh thu quý I.2020 giảm 20% trở lên so với quý IV.2019 hoặc doanh thu quý liền kề trước thời điểm xét hưởng giảm 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019. Mỗi đơn vị được vay không quá 50% mức lương tối thiểu vùng/lao động/tháng, tối đa trong 3 tháng; lãi suất cho vay 0%/năm, lãi suất nợ quá hạn 12%/năm; thời hạn vay không quá 12 tháng. Quy định mới có nhiều điểm mới, nới lỏng điều kiện để doanh nghiệp khó khăn dễ tiếp cận gói vay lãi suất 0%. Điểm mới như người sử dụng lao động gửi hồ sơ trực tiếp đến ngân hàng, không thông qua UBND các cấp thẩm định, phê duyệt như trước, ngân hàng giải ngân trực tiếp cho người sử dụng lao động (trước đây chi trả đến người lao động ngừng việc). Trường hợp người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho các tháng trong khoảng thời gian từ tháng 4.2020 đến tháng 10.2020 trong cùng một lần, ngân hàng giải ngân một lần (trước giải ngân mỗi tháng/lần). Điểm mới nữa là việc giải ngân được thực hiện đến hết ngày 31.1.2021 (trước đây đến 31.7.2020). Hồ sơ vay vốn được đơn giản hóa, cắt bỏ, cắt giảm nhiều thủ tục phức tạp so với trước. Trong đó việc người sử dụng lao động tự kê khai, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực báo cáo số lao động ngừng việc, số liệu xác định doanh thu đáp ứng điều kiện vay mà không phải qua nhiều cấp ngành xác nhận. Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ có trách nhiệm xác minh thông tin để giải ngân vốn vay đúng quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO