(QNO) – Là địa phương có vị trí thuận lợi về địa kinh tế và địa chiến lược cùng hệ thống hạ tầng giao thông hoàn thiện, Quảng Nam đang dần trở thành trung tâm vận tải hàng hải lớn, đầu mối logistics quan trọng trong khu vực.
Sở Công Thương Quảng Nam vừa ban hành báo cáo “Đánh giá tình hình triển khai, thực hiện Quyết định số 2599/QĐ-UBND ngày 14/9/2019 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch cải thiện Chỉ số hiệu quả logistics trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Nội dung báo cáo cho biết, qua 4 năm thực hiện, hoạt động đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, xúc tiến thương mại cho dịch vụ logistics, hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo nhân lực đều đạt được những kết quả nhất định.
Nổi bật là công tác đầu tư hạ tầng, thể hiện rõ nét ở các lĩnh vực hàng không, hàng hải, đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa. Cụ thể, Cảng hàng không sân bay Chu Lai đã được điều chỉnh quy hoạch giai đoạn đến năm 2030 là sân bay cấp 4F và sân bay quân sự cấp I. Đến nay, sân bay Chu Lai đã có 4 hãng hàng không (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và Bamboo Airway) khai thác các đường bay, trung bình 16 – 20 chuyến/ngày. Theo quy hoạch, đến năm 2030 Chu Lai sẽ là sân bay quốc tế với công suất 5 triệu lượt hành khách và 1,5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Ở lĩnh vực hàng hải, theo quy hoạch cảng Chu Lai sẽ đóng vai trò bãi container gắn với chuỗi kho lạnh. Đặc biệt, phát triển cảng Chu Lai trở thành điểm đến dịch vụ logistics mới ở miền Trung dựa trên những lợi thế như nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm, giao thông thuận lợi, dễ dàng kết nối đến các khu công nghiệp, khu kinh tế trong khu vực và cửa khẩu quốc tế các nước thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây.
Tiếp tục nạo vét tuyến luồng hàng hải vào bến cảng Kỳ Hà và Chu Lai sâu thêm 10m, các tàu trọng tải 20 nghìn tấn có thể đi lại thuận lợi. Hiện tại, bến cảng Chu Lai đã được đầu tư bài bản về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phát triển chuỗi dịch vụ trọn gói có khả năng khai thác đa chủng loại hàng như hàng lỏng, khí, hàng container, hàng siêu trường, siêu trọng, hàng rời... với công suất 4 triệu tấn/năm. Đã xây dựng được hệ thống kho bãi theo tiêu chuẩn quốc tế và phân chia từng khu vực chuyên dụng gồm kho ngoại quan, kho hàng, kho lạnh, bãi container.
Trên lĩnh vực đường bộ, thời gian qua đã triển khai đồng loạt nhiều dự án quan trọng phục vụ logistic như đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện giai đoạn 1 dự án đường bộ ven biển Việt Nam (đường Võ Chí Công). Đã hoàn thành giai đoạn 2 đoạn Hội An - Tam Kỳ và đang triển khai thi công giai đoạn II đoạn Tam Kỳ - Chu Lai.
Triển khai đầu tư kết nối tuyến đường bộ ven biển Việt Nam với quốc lộ 1A và cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi gồm đường trục chính khu đô thị Tam Hòa, đường quốc lộ 40B, đường nối từ cảng Kỳ Hà đến quốc lộ 1A, đường trục chính khu đô thị Việt Hàn, đường nối từ ĐT613B đến ĐT615 đi qua Khu công nghiệp Tam Thăng, đường nối từ Bình Sa đi quốc lộ 1A, đường nối từ Bình Sa đi quốc lộ 14H…
Tuy vậy, báo cáo cũng chỉ ra những khó khăn hạn chế của hoạt động logistics trên địa bàn tỉnh thời gian qua như hệ thống cảng biển, cảng hàng không, đường giao thông… mặc dù được đầu tư nhưng quy mô còn nhỏ, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, thiếu kết nối, ứng dụng thông tin chưa cao… Tại các cảng biển vẫn còn xảy ra một số vấn đề về kỹ thuật gây nguy cơ mất an toàn hàng hải cho các phương tiện hoạt động trên luồng, nhất là các tàu có trọng tải lớn ra vào bến cảng.
Cửa khẩu Nam Giang dù được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế nhưng cơ sở hạ tầng vẫn chưa đồng bộ, hoạt động dịch vụ thương mại biên giới chưa phát triển, hệ thống điện lưới tại khu vực cửa khẩu thiếu ổn định, chưa có bãi kiểm tra thực tế hàng hóa và kho tập kết hàng hóa xuất nhập khẩu nên khó khăn trong quá trình làm thủ tục hải quan của doanh nghiệp cũng như cơ quan chức năng.
Các doanh nghiệp logistics trên địa bàn tỉnh quy mô chủ yếu vừa và nhỏ, thực hiện các dịch vụ đơn lẻ, nguồn nhân lực về logistics của doanh nghiệp còn thiếu và chưa được đào tạo bài bản…
Một số dự án giao thông đường bộ triển khai chậm, hạ tầng cảng biển chưa như kỳ vọng. Đề án kêu gọi đầu tư cảng hàng không Chu Lai gặp khó khăn về pháp lý, nhu cầu vốn quá lớn nên chưa có nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư…
Theo báo cáo, nhằm khắc phục những tồn tại trên, cần tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch như đầu tư khu phi thuế quan gắn với cảng Tam Hòa quy mô 747ha, rà soát tháo gỡ các khó khăn của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics hướng tới hình thành chuỗi dịch vụ trọn gói đối với hàng hoá trong lĩnh vực công nghiệp, khoáng sản, nông nghiệp, thương mại dịch vụ...
Tiếp tục đầu tư nạo vét luồng Cửa Lở để đón tàu 50 vạn tấn. Đầu tư hạ tầng bến cảng và khu hậu cần cảng để phát triển hình thành trung tâm logistics hàng hải khu vực miền Trung, trở thành nơi trung chuyển hàng hóa của các tỉnh Tây Nguyên và vùng Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan, Đông Bắc Campuchia thông qua tuyến hành lang kinh tế Đông Tây ra biển thuận lợi.
Nâng cấp cảng hàng không Chu Lai, đặc biệt các tuyến luồng cảng và mạng lưới đường bộ nhằm kết nối phương tiện vận tải, hệ thống cảng biển, sân bay, cửa khẩu và các trung tâm logistics, từ đó phát huy tiềm năng, lợi thế của Quảng Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh toàn vùng.
Đầu tư hạ tầng kho bãi và ứng dụng công nghệ mới trong logistics. Xây dựng các trung tâm logistics tại Khu kinh tế mở Chu Lai, cửa khẩu quốc tế Nam Giang, các khu, cụm công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả, tính kết nối liên vùng…